Dù còn gây nhiều tranh cãi, nhưng các quyết định kinh doanh của Bầu Đức cho thấy nhiều điều về năng lực lãnh đạo của doanh nhân này.

Cởi mở và nhiệt tình với báo giới, dường như các nhà báo có thể gọi điện thoại phỏng vấn Bầu Đức bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, để có thể gặp gỡ riêng ông không hề dễ dàng. 45 phút trò chuyện riêng là một khoảng thời gian hiếm hoi mà người viết có được với vị doanh nhân nổi tiếng này.

Câu chuyện với Bầu Đức không phải là những vấn đề liên quan đến việc tái cấu trúc hay nợ nần của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đang xôn xao những ngày qua. Chúng tôi nói nhiều đến cách ra quyết định của ông trong từng thời điểm kinh doanh.

Tại sao ông bán thủy điện? “Vì giá bán điện ở Việt Nam quá thấp. HAGL cũng cần tiền để đầu tư cho những dự án hiệu quả hơn. Việc bán dự án cũng giúp chúng tôi giảm nợ”.

Tại sao ông lại đầu tư vào cao su, trong thời điểm HAGL đang kiếm được rất nhiều tiền từ thị trường bất động sản Việt Nam (khoảng năm 2008 - 2010)? “Thị trường nóng một cách bất thường khiến tôi lo ngại. HAGL cũng cần phát triển thêm nhiều chân để tạo sự cân bằng”.

Những câu hỏi “chất vấn” Bầu Đức thường dễ bị rơi vào trạng thái hụt hẫng, bởi câu trả lời của ông bao giờ cũng rất ngắn, đi thẳng vào vấn đề và lý lẽ đưa ra thường rất đơn giản. Đó cũng là cách Bầu Đức thể hiện năng lực lãnh đạo rất đặc trưng của mình ở HAGL.

{keywords}

Ông Đỗ Hòa, một chuyên gia tư vấn chiến lược cấp cao, người từng điều hành nhiều tập đoàn đa quốc gia cũng như trong nước, cho rằng, trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá năng lực lãnh đạo, có 3 tiêu chí ông Đức được ông Hòa đánh giá cao. Đó là: tối đa hóa hiệu quả kinh doanh, làm việc hướng đến hiệu quả và sự dũng cảm.

Cho đến thời điểm này, các quyết định kinh doanh của Bầu Đức đều cho thấy ông ấy biết tận dụng tối đa các cơ hội kinh doanh. Bầu Đức thể hiện sự nhạy cảm của một doanh nhân và khả năng tính toán nhanh về mặt tài chính để chuyển những cơ hội chiến lược thành các kế hoạch kinh doanh. Công bằng mà nói, nhiều doanh nhân cũng nhìn thấy cơ hội như ông nhưng thất bại trong việc chuyển cơ hội thành những danh mục kinh doanh tạo ra lợi nhuận.

Năm 2007, Lào được Ủy ban SEAGames chọn là quốc gia đăng cai tổ chức SEAGames lần thứ 25 vào năm 2010. Để phục vụ cho đại hội thể thao lớn nhất khu vực này, Chính phủ Lào đã kêu gọi các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài, đầu tư vào các hạng mục hạ tầng phục vụ cho sự kiện. Đổi lại, Chính phủ nước này sẽ có ưu đãi trong các lĩnh vực đầu tư khác. Và HAGL là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất nắm bắt cơ hội này; các hạng mục còn lại hầu hết đều được doanh nghiệp Trung Quốc nắm giữ.

Chính dự án Khu Nhà ở Vận động viên SEAGames với tổng vốn đầu tư 19 triệu USD đã làm bàn đạp mở ra cơ hội ở nhiều dự án khác ở lĩnh vực cao su, thủy điện, khai khoáng của HAGL ở Lào.

Tiếp đó, sau khi khởi công dự án triệu USD ở Myanmar, nhiều doanh nhân Việt bắt đầu nhìn ra ở Bầu Đức một sự nhạy cảm khác. Đó là sự nhạy cảm về thời tiết chính trị.

Ai có thể biết rằng ông Thein Sein và bà Aung San Suu Kyi bắt tay với nhau trong một sự thống nhất về chính trị để làm thay đổi đất nước Myanmar? Nếu vào giữa năm 2012 đã chẳng mấy ai dám hy vọng vào một sự cởi mở chính trị tại đất nước này, thì vào cuối năm đó, Tổng thống Mỹ Obama đã kỷ niệm cuộc tái đắc cử của mình bằng chuyến thăm Myanmar, kéo theo những món tín dụng đáng kể đầu tiên từ Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Nhật cho quốc gia này.

Chẳng lẽ Bầu Đức đoán ra được động thái ấy? “Đây là sự may mắn bất ngờ vì tôi dự đoán đến năm 2015-2016 Myanmar mới mở cửa”, Bầu Đức nói.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể may mắn như Bầu Đức. May mắn là điểm giao nhau giữa cơ hội và sự chuẩn bị.

Năm 2009, trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Bầu Đức cho biết mình vừa trở về từ Mynamar. Người viết hỏi ngay ông có dự định làm gì ở Myanmar không. “Chưa đâu vào đâu, vẫn chỉ đang tìm kiếm”, Bầu Đức đã trả lời như vậy. Đến giữa năm nay, thị trường mới được biết sự chuẩn bị của Bầu Đức hóa ra là mảnh đất vàng hơn 7 ha giữa trung tâm Yangon được ông mua với giá chỉ 750 USD/m2, hứa hẹn sẽ mang lại nguồn thu lớn cho HAGL trong 2 năm sắp tới.

“Bầu Đức là người nhìn ra cơ hội và có khả năng tổ chức để biến cơ hội thành các danh mục kinh doanh”, ông Đỗ Hòa nhận xét. Trong suốt năm 2012, Myanmar có thể nói là cái tên được nói tới nhiều nhất trong giới doanh nhân Việt Nam. Rất nhiều cuộc thăm dò, khảo sát đã được thực hiện, nhưng khởi công được dự án thì tới giờ phút này chỉ có Bầu Đức.

Tuy nhiên, cũng cho tới giờ phút này, không phải ai cũng có có cái nhìn đầy lạc quan về tiềm năng ở Myanmar như Bầu Đức. Một đất nước chỉ mới thoát khỏi tình trạng bất ổn chính trị triền miên đã kéo dài hàng chục năm, ai dám tin vào một sự ổn định chính trị lâu dài?

“Các nhà lãnh đạo chớp cơ hội nhanh thì thường hạn chế trong việc lường trước tất cả rủi ro gắn liền với những quyết định mang tính đột phá và táo bạo của mình. Do vậy, hiệu quả cũng bị hạn chế”, ông Đỗ Hòa nói thêm.

Quyết định nhảy vào lĩnh vực khoáng sản là một trường hợp như vậy. Năm 2008, Bầu Đức bắt đầu công bố các dự án mỏ sắt tại Việt Nam, Lào và Campuchia có trữ lượng lên đến 60 triệu tấn. Với nhu cầu tăng đột biến từ Trung Quốc, Bầu Đức từng kỳ vọng nó sẽ mang lại nguồn thu lớn và sẽ thay thế cho bất động sản. Tuy nhiên, những dự định của Bầu Đức đã bị phá sản khi việc xuất khẩu khoáng sản ngày càng khó khăn, đỉnh điểm là khi Chính phủ cấm xuất khẩu quặng sắt vào đầu năm 2012. Bầu Đức cho biết, lĩnh vực khoáng sản của HAGL sẽ dần thu hẹp hoạt động và sau đó bán đi.

Dũng cảm nhận sai và sửa sai cũng là một tiêu chí quan trọng trong năng lực lãnh đạo. Bầu Đức có điều này. Khi thấy những quyết định của mình không mang lại kết quả như mong muốn, ông cũng mạnh dạn hành động để tái cơ cấu, loại bỏ những danh mục xấu ra khỏi hồ sơ của công ty. Và đây là việc mà người ta kỳ vọng một người lãnh đạo sẽ làm khi con tàu của mình bị chao đảo.

Việc tái cấu trúc HAGL của Bầu Đức mục tiêu cuối cùng vẫn là hướng đến hiệu quả cho bộ máy kinh doanh. Đây cũng là một tiêu chí của năng lực lãnh đạo. Người lãnh đạo đạt được tiêu chí này là người làm việc và thúc đẩy mọi người làm việc có kết quả, với tinh thần khẩn trương. Họ cũng quản lý tốt nguồn lực và đưa ra những quyết định đúng thời điểm nhằm đảm bảo tiến độ.

Mía đường là một ví dụ điển hình về hiệu quả thực thi của HAGL. Báo cáo tài chính nửa đầu năm 2013 cho thấy Cụm Công nghiệp Mía đường Hoàng Anh Attapeu tại Lào đã cho quả ngọt với tỉ suất lợi nhuận rất cao.

Tuy nhiên, tiêu chí quan trọng nhất về năng lực lãnh đạo mà Bầu Đức có được là biết sử dụng con người. Bầu Đức đã nói rằng, điều quan trọng nhất để điều hành một tập đoàn đa ngành, đa lĩnh vực là con người. “Mình không biết nhưng người khác sẽ biết. Quan trọng là phải tìm cho ra người có để đảm nhận vai trò giám đốc dự án. Người này phải có tố chất, có đạo đức, trình độ, trách nhiệm và am hiểu sâu lĩnh vực anh ta đang điều hành”, Bầu Đức nói.

Một trong những người đó là Nguyễn Ngọc Ánh, Giám đốc Cụm Công nghiệp Mía đường Hoàng Anh Attapeu. Ông Ánh từng là Tổng Giám đốc Công ty Mía đường Nhiệt điện Gia Lai. Tiền thân của công ty này là Công ty Mía đường Bourbon Gia Lai, liên doanh giữa Công ty Mía đường Gia Lai (thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai) và Groupe des Societes de Bourbon (Pháp).

Hay như tại Đại hội Cổ đông mới đây, Bầu Đức đã giới thiệu ông Pornchai Lueang - A - Papong, Tiến sĩ Nông nghiệp, quốc tịch Thái Lan làm thành viên Hội đồng Quản trị Độc lập. Ông này, theo bầu Đức, là người rất am hiểu lĩnh vực cao su, có thể sẽ đưa ra những tư vấn tốt cho Tập đoàn trong lĩnh vực này.

Sự năng nổ của Bầu Đức khiến nhiều người nghĩ rằng quyết định kinh doanh của HAGL là những đề xuất và được quyết định bởi chính ông Chủ tịch. Tuy nhiên, xem xét lại các mối quan hệ với cổ đông của HAGL có thể thấy các lĩnh vực Bầu Đức tham gia có sự trùng hợp với ngành nghề chuyên môn của các cổ đông lớn.

Jaccar là tập đoàn tài chính đang nắm giữ gần 3% cổ phần HAGL, thông qua quỹ con của họ là Vietnam Century Fund. Người sáng lập và lãnh đạo Jaccar là ông Jacques de Chateauvieux, người đồng thời sáng lập và lãnh đạo Bourbon, một tập đoàn có nhiều kinh nghiệm trong ngành mía đường và là chủ sở hữu trước đây của Bourbon Tây Ninh.

Mới đây, Bầu Đức cũng cho biết lượng cao su của HAGL nhận được đề nghị bao tiêu toàn bộ từ phía tập đoàn săm lốp nổi tiếng thế giới của Pháp Michelin. Một sự “tình cờ” là ông Jacques de Chateauvieux cũng là Chủ tịch của SAGES, công ty do dòng họ Michelin lập nên để quản lý phần vốn của họ tại Tập đoàn Michelin.

“Trong các quyết định đầu tư cao su và mía đường, Jaccar là tư vấn chính”, Bầu Đức thừa nhận.

“Anh Đức là người có ảnh hưởng quan trọng và thường có những quyết định táo bạo. Tuy nhiên, trước khi đưa ra quyết định nào cũng đều được sự tư vấn rất lớn của Hội đồng Quản trị”, ông Vũ Hữu Điền, Thành viên Hội đồng Quản trị HAGL, đại diện phần vốn cho Dragon Capital, nhận định.

Trở lại quyết định tái cấu trúc mới đây, câu hỏi đặt ra là sau khi tái cấu trúc HAGL còn gì? “HAGL sẽ phát triển bền vững và con đường đó là nông nghiệp”, Bầu Đức nói. Dường sau những cuộc phiêu lưu đón sóng ở những lĩnh vực nóng bất động sản, khoáng sản, thủy điện, Bầu Đức đã muốn dừng chân ở một lĩnh vực lâu dài.

“Còn lăn tăn gì nữa không?”. Đây là câu hỏi mà Bầu Đức thường đặt lại cuối cùng cho phóng viên trong tất cả các cuộc phỏng vấn, cũng như cho cổ đông trong các kỳ đại hội.

Nếu tình hình cao su hay mía đường trong tương lai cũng không tốt thì liệu ông có tiến hành tái cơ cấu một lần nữa? “Cũng chưa lường trước sẽ xảy ra chuyện gì”, Bầu Đức nói.

(Theo Nhịp cầu đầu tư)