Ngày 24 tiếng, tay đen bẩn 16 tiếng
Dưới chân núi Hạm, ngôi nhà nhỏ của vợ chồng ông Nguyễn Tuấn Quyết (49 tuổi) và bà Nguyễn Thanh Bình (44 tuổi, tại tổ 3, khu 8, phường Hồng Hà, TP Hạ Long, Quảng Ninh) luôn vang tiếng cưa, đục, mài khi cả hai cần mẫn tạo ra những sản phẩm tinh xảo từ than kíp lê (altraxit).
Đưa ánh mắt ngắm lại lưỡi cưa tay cỡ lớn, ông Quyết tay cầm máy mài lia đi lia lại để lưỡi cưa thêm sắc bén.
Ông chia sẻ, phải làm vậy vì than có độ cứng, sau một ngày cưa thì hôm sau việc đầu tiên là phải mài lại. Thay vì cưa máy, ông chọn cưa tay với lý do hòn than có vỉa, cưa bằng máy không cảm nhận được sẽ gây vỡ, phí vật liệu.
Mài lưỡi cưa tay là công việc đầu tiên trong ngày làm việc của ông Quyết |
Ông Quyết là đời thứ 3 theo nghề truyền thống của gia đình, trước đó là cụ Nguyễn Đức Thuận (ông nội) làm ở mỏ than Mông Dương (lúc này người Pháp quản lý). Thời gian được nghỉ ngơi, cụ Thuận lấy những cục than nhỏ làm thành gạt tàn thuốc lá sư tử, tẩu thuốc cho người Pháp. Dần dần những sản phẩm làm chơi lại được ưng ý nên nhiều người nhờ cụ làm.
Sau này bố ông Quyết là ông Nguyễn Tuấn Lợi phát triển nghề điêu khắc than đá thủ công và làm ở Công ty Mỹ thuật, Mỹ nghệ Quảng Ninh do Sở Văn hoá - Thể thao quản lý. Ông Lợi đào tạo được 20 người nhưng đến nay không ai theo nghề.
Xưởng của ông Quyết rộng chừng 30m2 dưới chân núi Hạm |
"Thời đó bố tôi đã làm tượng từ than tặng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Tôi từ nhỏ đã vừa đi học vừa phụ giúp bố làm nghề. Đến năm 16 tuổi, tôi chính thức kế nghiệp bố", ông Quyết trầm tư kể lại.
Ông Nguyễn Tuấn Quyết cho biết, xưởng của ông chỉ rộng chừng 30m2 dưới chân núi Hạm, nhưng luôn ám bụi than. Tay chân, quần áo hai vợ chồng lúc nào cũng nhuộm màu đen óng ánh. Một ngày 24 tiếng thì tay chỉ sạch vài tiếng trong lúc ăn cơm và ngủ nghỉ.
Tỷ mẩn từng công đoạn để làm ra sản phẩm |
Tìm người kế nghiệp quá khó khăn
Năm 1998, thiếu nữ Nguyễn Thanh Bình phải lòng chàng thanh niên Nguyễn Tuấn Quyết với hoa tay 10 ngón, cả hai tiến tới hôn nhân và chung lý tưởng phát triển nghề gia truyền. Kể từ đó, ông Quyết đảm nhiệm việc cưa than, đục đẽo tạo hình, phần việc đánh bóng sản phẩm sẽ do bà Bình lo.
Cứ thế, những sản phẩm tinh xảo lần lượt được 'hoá phép' từ cục than vô hình thành hữu hình theo yêu cầu của người đặt hàng. Ông Quyết phân tích, than kíp lê này tỉnh Quảng Ninh rất nhiều, nhưng đủ chất lượng để tạo hình thì chỉ có ở 3 mỏ gồm Đèo Nai, Cao Sơn và Cọc 6.
Người thợ cần mẫn, tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ |
"Từ trước đến nay, tôi mua than theo kiểu tự do từ những người đi nhặt ở mỏ nên giá thành nguyên liệu cũng cao, ra được sản phẩm trung bình nửa tháng, sản phẩm lâu nhất để hoàn thành là 3 năm", anh Quyết tâm sự.
Vẻ mặt của người thợ hơn 30 năm gắn bó với nghề bỗng trầm xuống khi nhắc về việc phát triển thêm nghề. Đau đáu trong lòng, ông Quyết đến nay vẫn chưa tìm được người kế nghiệp, sợ nghề này mai một, khi nhiều người trước đó cũng theo học nhưng chỉ được một thời gian là bỏ vì không có tính kiên nhẫn.
Hơn nữa, tạo hình than đá của gia đình ông không được công nhận là nghề thủ công mỹ nghệ mà chỉ là công việc của một hộ gia đình.
Tất cả sản phẩm đều từ bàn tay tài hoa của ông Quyết |
"Vợ chồng tôi cũng nhiều lần gửi đơn xin công nhận đây là nghề thủ công mỹ nghệ nhưng không có kết quả. Nhìn những ngành nghề khác họ có hẳn làng nghề và được công nhận tôi cũng chạnh lòng", lời tâm can của ông Quyết.
Hiện tại, gia đình ông Nguyễn Tuấn Quyết thường xuyên nhận các đơn hàng từ nước ngoài với yêu cầu độ tinh xảo cao, khối lượng đồ sộ, giá thành hợp lý. Song, do ảnh hưởng dịch Covid-19, hai năm nay sản lượng đơn hàng không còn được nhiều như trước nữa. Trước đây có nhân công, đơn hàng lớn lên tới hàng trăm triệu thì rất dễ dàng, thời gian ngắn, nhưng hiện tại cũng đơn hàng như vậy cả hai vợ chồng tự làm cũng phải mất 3 tháng. Nhiều đơn hàng khách đặt nhưng về sau không nhận, hai vợ chồng đều buồn nhưng động viên nhau "họ không lấy thì mình để trưng trong nhà cho đẹp".
Nhiều sản phẩm được nâng cấp khi yêu cầu của khách hàng cần có gắn thêm vàng. Niềm vui của hai vợ chồng là khi nhận được phản hồi ngợi khen, động viên của khách để gắn bó với nghề.
Sản phẩm từ cục than vô tri dần thành hình sau một buổi sáng |
"Với tình hình sức khoẻ, tôi bám nghề được khoảng 10 năm nữa, nhưng chắc chắn thời gian tới tôi sẽ phải tìm được người có tâm huyết để truyền nghề lại, nếu không làm được tôi thấy có lỗi với cha ông", anh Quyết bày tỏ.
Xung quanh người thợ hơn 30 năm kinh nghiệm phủ một màu đen từ bụi than |
Tất cả đều là sản phẩm thủ công |
Đài trầm hương được tạo ra từ than kíp lê |
Ông Quyết là đời thứ 3 theo nghề gia truyền của gia đình |
Đến nay những người lớn tuổi đã giải nghệ, chỉ còn mình ông Quyết miệt mài theo đuổi |
Bàn tay tài hoa của ông Quyết ban ngày lúc nào cũng đen nhẻm vì bụi than |
Viên than kíp lê chuẩn bị thành hình núi Gà Chọi, biểu tượng của vịnh Hạ Long |
Nâng niu sản phẩm mình làm ra |
Bà Bình là người đảm nhận phần việc đánh bóng sau khi chồng đã tạo hình |
Sản phẩm trưng bày tại nhà ông Quyết |
Ông Nguyễn Tuấn Lợi đã từng làm tượng từ than kíp lê để tặng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (áo trắng trên cùng góc trái) tới tận nhà ông Lợi để thăm hỏi, động viên. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Vợ chồng ông Quyết làm tượng tặng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam năm 2020. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Các đoàn khách nước ngoài tới tận xưởng của vợ chồng ông Quyết để đặt hàng. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Phạm Công
Độc đáo nghề làm dây thừng bằng vỏ cây, bao tải bỏ đi của người Jrai
Từ xa xưa, người dân Jrai đã dùng cây rừng, bao tải để làm nên những chiếc dây thừng phục vụ cho sản xuất. Nhờ những chiếc dây thừng này mà bà con Jrai cũng có thêm thu nhập vào mùa giáp hạt.