- Thường xuyên có dịp "cọ xát" với các chính sách của ngành giáo dục, chị Thanh (Đống Đa, Hà Nội) đồng lòng với quan điểm các nhà quản lí giáo dục đưa ra "không cho con đi học sớm trước khi vào lớp 1" và không làm ngược. Nhưng vào cuộc thì chị...ngã ngửa.

TIN BÀI LIÊN QUAN


Có nên cho con đi học trước khi vào lớp 1 hay không, câu hỏi "đến hẹn lại lên" với những người làm tuyển sinh nhưng luôn thời sự với mỗi lứa phụ huynh lớp 1 mới.

Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT Hà Nội) Phạm Xuân Tiến phân tích, việc học trước chương trình khi trẻ chưa đủ tuổi có nhiều hệ luỵ không lường hết được.

Về tâm lí, các bé đang ở độ tuổi mầm non, cần được vui chơi để phát triển tự nhiên. Tuy nhiên, phải gò mình và tuân theo các quy định thì sẽ mất đi sự hồn nhiên.

Về sức khoẻ, các khớp xương chưa ổn định mà phải cầm bút để viết theo khuôn khổ thì sẽ phát triển không bình thường.

Khi biết đọc, biết viết trước bạn bè, hầu hết các bé thường chủ quan, không tập trung chú ý nghe cô giảng nên tiếp thu bài không kỹ và chắc chắn như các bạn khác.

Chưa kể, người dạy thường không theo đúng quy trình dạy học vần và tập viết nên không đảm bảo về mặt kiến thức và kỹ năng cần thiết cho trẻ khi bắt đầu học vần và tập viết.


Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Trãi, Hà Nội

Đồng quan điểm, Hiệu trưởng phụ trách Chương trình Việt Nam (Trường Quốc tế Kinderd World) Phạm Thị Xuân Sinh cho rằng:

"Trẻ vào lớp 1, được học theo chương trình lớp 1 không giải quyết được để cho các cháu tốt hơn, mà ngược lại có thể gây  tâm lý căng thẳng, sợ học ngay từ đầu. Đây là điều còn phản tác dụng hơn".

Còn Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm Nguyễn Thị Hiền nói "nếu được chọn học sinh vào lớp 1 của trường, tôi sẽ chọn những học sinh chưa biết đọc, biết viết".

Bà Hiền cho hay, phương pháp dạy đọc và dạy viết của giáo của giáo viên tiểu học đã được đổi mới rất nhiều. Do đó, việc dạy đọc và dạy viết cho học sinh không khó lắm. Chỉ cần từ 3-4 tháng, học sinh có thể đọc được và viết được.

Ở TP.HCM, bà Lê Thị Ngọc Điệp, hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm chia sẻ sự đồng cảm với những phụ huynh không muốn cho con học trước tuổi: "Nếu bé học trước sẽ bị giảm đi sự hứng thú khi tham gia học tập cùng bạn. Mặt khác, đôi lúc sẽ khó khăn cho bé vì có những điều được học trước không phù hợp với chương trình chính thức như phát âm, đánh vần, tập viết".

Bà Điệp nói phụ huynh hãy để bé thoải mái, tự tin với những gì được học tại trường mẫu giáo.

"Khi vào lớp 1, cô giáo sẽ giúp cháu tiếp nhận kiến thức, rèn luyện kỹ năng một cách tự nhiên, nhẹ nhàng; bé sẽ rất vui khi được khám phá nhiều điều mới lạ".

Ung dung...ngã ngửa

Khi cậu ấm đến tuổi vào lớp 1, chị Thanh bấm bụng cho con học kiến thức ở trường mầm non là đủ. Chị yên tâm với hành trang cho con vào lớp 1 không có kiến thức học trước.

Nhưng hết học kỳ 1 rồi sang học kỳ 2, chị ngộ ra: khả năng đọc và viết của con chậm hơn hẳn bạn trong lớp. Và số bé "không luyện gì trước ngày vào lớp" như con chị bỗng thành thiểu số.

Lớp học quá đông, cô không đủ kiên nhẫn để uốn nắn từng cháu. Chị thường xuyên nhận những lời nhắc: "Cháu viết chậm, bố mẹ cần kèm thêm".

Nhưng lúc này, thật gian nan để cùng con 'chạy đua' với các bạn, vì về nhà chỉ có thể kèm con kiến thức trên lớp đã học. Khi con đến lớp học bài mới, đâu lại vào đấy.

Không chỉ chị Thanh, có không ít phụ huynh "sốc" khi con bị phân biệt đối xử chỉ vì chậm biết đọc, biết viết hơn các bạn trong lớp.

Đem câu chuyện này hỏi lại, ông Phạm Xuân Tiến phân tích thêm: Ngành giáo dục quy định tất cả giáo viên trong quá trình dạy học phải đảm bảo trình tự của các bước lên lớp, tuyệt đối không được cắt xén chương trình.

Trong thực tế, tâm lý "chạy đua" và muốn con hơn người đã khiến không ít phụ huynh tự đưa mình vào cuộc đua. Ông Tiến cũng nhắc tới những hiện tượng chen lấn như: chen nhau đi hội, chen nhau tích trữ mì tôm phòng lũ hay chen lấn để ngắm hoa trong một số lễ hội phản ánh tâm lý đua tranh của người lớn, đã tác động không ít vào nhiều quyết định khác trong cuộc sống, không loại trừ chuyện chọn trường, lớp cho con.

Một chuyên gia giáo dục tiểu học, từng đứng lớp nhiều năm ở trường tiểu học Kim Đồng - một dạng "trường điểm" của Hà Nội - cho hay, vào mùa tuyển sinh, chị nhận không biết bao nhiêu lời tư vấn chọn trường nào cho con.

"Không có câu trả lời chung. Có lẽ, để chọn lớp 1 cho con, phụ huynh phải xác định trước trường đại học nào con mình sẽ học, từ đó mới có quyết định" - chị nói.

Còn với chị Thanh và nhiều phụ huynh, điều lo ngại hơn là nhu cầu cho con đi học sớm đã khiến một số trường mầm non liên kết với trường tiểu học mở "lớp luyện chữ vào lớp 1" .

"Có lẽ, ngành giáo dục cần nghiên cứu thiết kế lại chương trình học mầm non có phần liên thông với lớp 1 để phụ huynh không quá lo lắng. Quan trong hơn, cần có giải pháp để ngăn chặn biến tướng của chuyện luyện chữ vào lớp 1,  không để mọc lên như nấm rồi có "vấn đề" mới loay hoay tìm hướng tháo gỡ" - chị Thanh bày tỏ.


Bà Lê Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP.HCM: Chúng ta không thể chọn thầy cô cho bé, trừ trường hợp học tại nhà, tại trung tâm. Nhà trường sắp xếp học sinh theo điều kiện của trường, không thể xếp lớp với giáo viên theo nhu cầu của phụ huynh. Hành trang cho bé vào lớp 1 không gì quý hơn là tâm lý thoải mái, sự tự tin, niềm vui, sự háo hức mong được đến trường. Chính ba mẹ là người giúp đỡ, tạo mọi điều kiện để bé ham thích đi học.

  • Nguyễn Hiền