Nếu Tổng thống Sarkozy tái đắc cử, liệu ông sẽ tiếp tục gây thất vọng cho người dân về cá nhân cũng như đường hướng lãnh đạo?
Vụ bắt giữ Dominique Strauss-Kahn
ở New York vì những cáo buộc cưỡng dâm hôm thứ bảy đã làm chấn động đời sống
chính trị Pháp. Người đứng đầu Quỹ Tiền tệ quốc tế đã sẵn sàng cho cuộc tranh cử
tổng thống, lẽ ra sẽ tuyên bố ứng cử vào đầu tháng tới. Ông có thể được cả những người ở phe khác ủng hộ và là ứng viên duy nhất có tỉ lệ tán thành
hơn cả Tổng thống Nicolas Sarkozy.
Sự sụp đổ của Dominique Strauss-Kahn không phải là tin tức tốt
với Pháp. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, bất kỳ điều gì xảy ra trong các phiên tòa từ nay trở đi, DSK (cách mọi người vẫn thường gọi ông) gần như chắc chắn không xuất hiện trong cuộc bầu cử 2012 và có lẽ cả trong đời sống chính trị nước Pháp.
Đây có thể là những tin tức chính trị tốt với Sarkozy trong nhiều năm. Con đường đến với nhiệm kỳ nữa của ông trở nên rõ ràng hơn. Nhưng sự sụp đổ của DSK không phải là tin tức tốt với nước Pháp. Ông là tiếng nói duy nhất đáng tin cậy để cải cách và mở cửa cho nền kinh tế hiện đại. Ngay cả khi cán cân tranh cử bỗng nghiêng về phía Sarkozy, thì lãnh đạo phe bảo thủ ở Pháp chẳng lợi lộc gì khi Marine Le Pen, lãnh đạo đảng Mặt trận dân tộc của phe cực hữu, thành công bước vào chiến dịch tranh cử tổng thống với các chủ đề dân túy.
Nước Pháp trong bốn năm qua đã khó có vai trò nổi bật trong những vấn đề toàn cầu. Tổng thống Sarkozy có thể mất đi sự tín nhiệm và đổ lỗi là do sự can thiệp từ bên ngoài, nhưng người dân của ông lại không như vậy. Bởi trong nước, ông đã không thực hiện lời hứa trong cuộc bầu cử 2007: hòa giải nước Pháp với thế giới hiện đại.
Trước vụ việc DSK, có hai câu chuyện phủ bóng lên đời sống nước Pháp là chiến cuộc Libya và cuộc khủng hoảng nợ khiến đồng euro mất giá. Khi 30.000 người Tunisia di cư tháng trước tới Italy và có ý định di chuyển sang Pháp, ông Sarkozy đã ra khỏi con đường của mình và biến nó thành một cuộc khủng hoảng quốc gia. Ông điều động cảnh sát biên giới, đe dọa Italy, và yêu cầu EU xem xét lại chính sách đi lại tự do. Ít tuần trước, ông đã ký đạo luật cấm mang khăn che mặt Hồi giáo ở nơi công cộng.
Sự sụt giảm tín nhiệm của Sarkozy đã dẫn tới việc trỗi dậy của những nhân vật mới. Vắng DSK, đảng Xã hội có thể quay trở lại với một nhân vật kỳ cựu khác như Martine Aubry. Phía cánh hữu có bà Marine Le Pen, chủ tịch đảng Mặt trận dân tộc. Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy, bà sẽ đánh bại ông Sarkozy ngay trong vòng đầu của cuộc bầu cử tổng thống.
Trong cuộc thăm dò của Paris Match/Ifop tuần trước, chỉ 32% người được hỏi nói ủng hộ Sarkozy. Tuy nhiên, người Pháp có thể chỉ trích các tổng thống nhưng vẫn bỏ phiếu cho họ. Hơn nữa, hệ thống bầu cử hai vòng là rất khó dự đoán. Ví dụ như năm 2002, một Jacques Chirac không được mến chuộng đã giành 82% phiếu bầu trong cuộc đua với Jean-Marie Le Pen, người từng gây bất ngờ trong vòng một của cuộc bầu cử.
Hôm 18/5, theo kết quả một cuộc thăm dò, đa số người Pháp có xu hướng tin rằng, lãnh đạo IMF Dominique Strauss-Kahn là nạn nhân của một vụ việc được sắp đặt rõ ràng.
Cuộc thăm dò do hãng CSA của Pháp thực hiện sau khi cảnh sát New York bắt giữ ông Strauss-Kahn với cáo buộc cưỡng dâm một người phục vụ khách sạn. 57% người được hỏi cho rằng ông bị “đặt bẫy”, chỉ 32% nghĩ ông không phải là nạn nhân của một âm mưu và 11% không có ý kiến gì.
Sau khi bị bắt, ông Strauss-Kahn bị giam giữ ở nhà tù khét tiếng Rikers Island chờ đến phiên xử ngày 20/5.
-
Thái An (Theo wsj, france24)