Báo cáo sự phục hồi của thị trường lao động việc làm sau đại dịch Covid-19, được Tổng cục Thống kê công bố, cho thấy: Trong quý II/2022, cả nước chỉ còn hơn 8 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, giảm hơn một nửa so với quý trước (tương ứng giảm 8,9 triệu người) và giảm 4,8 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý II/2022, số người có việc làm phi chính thức là 21,4 triệu người, tăng 54,5 nghìn người so với quý trước và tăng 499 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Số người có việc làm chính thức trong quý này là 17,1 triệu người, tăng 449,3 nghìn người so với quý trước và tăng 1,6 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
"So với cả quý trước và cùng kỳ năm trước, số người có việc làm trong khu vực chính thức tăng cao hơn nhiều so với số người có việc làm trong khu vực phi chính thức. Điều này minh chứng rằng thị trường lao động đã phục hồi và có tính chất bền vững", Tổng cục thống kê đánh giá.
Tổng cục Thống kê cũng ghi nhận thu nhập bình quân của người lao động quý II tiếp tục mức tăng so với quý trước, điều này khác với xu hướng bình thường của nhiều năm nhưng là dấu hiệu tích cực khẳng định sự tăng trưởng và phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch.
Thu nhập bình quân tháng của lao động tại các vùng kinh tế - xã hội được cải thiện rõ rệt. So với cùng kỳ năm trước, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có tốc độ tăng thu nhập bình quân cao nhất.
Thu nhập bình quân của người lao động quý II/2022 tại vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung ghi nhận có tốc độ tăng cao nhất trong 6 vùng kinh tế - xã hội so với cùng kỳ năm 2021, với mức thu nhập bình quân là 5,8 triệu đồng, tăng 12,9%, tương ứng tăng khoảng 620.000 đồng.
Đà Nẵng, Khánh Hòa và Thừa Thiên Huế là các địa phương có tốc độ tăng thu nhập bình quân đáng kể nhất.
So với cùng kỳ năm 2021, thu nhập bình quân của người lao động tại Đà Nẵng là 7,3 triệu đồng, tăng 9,7%, tương ứng tăng khoảng 643.000 đồng. Lao động làm việc tại Khánh Hòa có mức thu nhập bình quân là 6,2 triệu đồng, tăng 15,5%, tương ứng tăng khoảng 828.000 đồng. Lao động làm việc tại Thừa Thiên Huế có mức thu nhập bình quân là 5,7 triệu đồng, tăng 15,8%, tương ứng tăng khoảng 778.000 đồng.
Trong khi đó, mức thu nhập bình quân của người lao động tại vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng vẫn duy trì mức cao so với các vùng còn lại.
So với cùng kỳ năm trước, mức thu nhập bình quân tháng của lao động vùng Đông Nam Bộ là 8,5 triệu đồng, tăng 8,5%, tương ứng tăng khoảng 480.000 đồng.
Trong đó, thu nhập của lao động tại TP.HCM, Bình Dương luôn dẫn đầu cả nước, với thu nhập tương ứng là 9,1 triệu đồng/người/tháng và 8,9 triệu đồng/người/tháng.
Lao động làm việc tại vùng Đồng bằng sông Hồng có thu nhập là 7,7 triệu đồng/người/tháng, là vùng có tốc độ tăng thu nhập khá so với cùng kỳ năm trước, tăng 12,4%, tương ứng tăng khoảng 790.000 đồng/người/tháng.
Trong đó, lao động làm việc tại Hà Nội, Bắc Ninh có mức thu nhập bình quân nằm trong số 5 tỉnh, thành phố có mức thu nhập cao nhất cả nước; thu nhập của lao động tại Hà Nội là 8,7 triệu đồng/người/tháng, tăng 8,8%, tương ứng tăng khoảng 704.000 đồng; lao động tại Bắc Ninh có thu nhập bình quân là 8,3 triệu đồng/người/tháng, tăng 15,8%, tương ứng tăng khoảng 1,1 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2021.