Thông tư 06/2023/TT-NHNN (Thông tư 06) của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ 1/9, ngân hàng được xem xét, quyết định cho khách hàng cá nhân vay tiền để trả nợ trước hạn khoản vay tại tổ chức tín dụng khác. 

Hàng loạt ngân hàng thương mại đã công bố triển khai cho vay theo chương trình này với lãi suất chỉ từ 5,6 – 7,5%/năm.

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, việc cho phép các ngân hàng cho vay để khách hàng trả nợ trước hạn tại ngân hàng khác thực chất là một trong những giải pháp để buộc các ngân hàng thương mại phải giảm lãi suất cho vay, từ đó lãi suất cho vay sẽ trở nên cạnh tranh hơn.

Tuy nhiên, không chỉ các doanh nghiệp than khó có thể tiếp cận khoản vay này, ngay cả các ngân hàng cũng tỏ ra "bất lực".

Chia sẻ với VietNamNet, ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc SHB Chi nhánh Cần Thơ cho biết, SHB đang triển khai nhưng hiện nay chi nhánh Cần Thơ chưa có dư nợ cho vay theo chương trình này. 

Trở ngại lớn nhất hiện nay theo ông Phúc là khi cho vay để trả nợ ngân hàng khác cần có sự đồng thuận của cả 3 bên, gồm: khách hàng, ngân hàng cho vay (ngân hàng mới) và ngân hàng khác (nơi khách hàng đã vay vốn). 

“Có những khách hàng đã qua chi nhánh chúng tôi để đặt vấn đề. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất là phía ngân hàng khác muốn giữ khách hàng của họ lại, nên những trường hợp này vẫn đang trong giai đoạn thương thảo”, ông Phúc nói.

Không dễ vay ngân hàng này trả nợ nhà băng khác

Trong khi đó, chuyên viên tín dụng một chi nhánh Vietcombank cho biết, thực ra sản phẩm cho vay để trả nợ ngân hàng khác đã được triển khai từ lâu nhưng đối tượng vay mới chỉ là khách hàng doanh nghiệp, lần này Thông tư 06 cho phép đối với cả khách hàng cá nhân.

"Tuy nhiên, hiện chi nhánh vẫn chưa phát sinh dư nợ cho vay để trả nợ trước hạn tại ngân hàng khác theo Thông tư 06", cô thông tin.

Theo chia sẻ của chuyên viên tín dụng này, từ thực tế với các khách hàng doanh nghiệp đã được triển khai trước đó, doanh nghiệp muốn vay tiền để trả nợ tại ngân hàng khác sẽ phải xin hồ sơ từ bên ngân hàng khác về. 

“Hạn mức cho vay cũng như thời hạn cho vay tối đa cũng chỉ bằng với bên ngân hàng cho vay ban đầu.  Trong trường hợp này chúng tôi sẽ phải thẩm định lại với hồ sơ tương ứng. Nói chung thủ tục cũng bình thường giống như khi cho vay doanh nghiệp”, chuyên viên tín dụng của Vietcombank nói thêm.

Bên cạnh đó, các loại phí phát sinh (nếu có) cũng sẽ do khách hàng chịu với ngân hàng cũ, tuỳ theo hợp đồng được ký kết giữa hai bên. 

Chuyên viên tín dụng thuộc khối khách hàng cá nhân VietinBank cho biết, hiện có nhiều khách hàng biết đến chương trình này và đã trực tiếp hỏi nhà băng.

Trong trường hợp này, cán bộ ngân hàng cũng chỉ biết tư vấn cho khách hàng về những thủ tục cần thiết. Song thực tế có những vấn đề phát sinh nên khách hàng chỉ dừng lại ở mức… tìm hiểu.

“Khách hàng hỏi thì chúng tôi hướng dẫn họ bổ sung hồ sơ theo quy định. Chẳng hạn như hồ sơ đang được lưu tại ngân hàng khác, tình hình tài chính hiện tại của khách hàng, dư nợ hiện tại của khách hàng,… Ngoài ra khách hàng còn phải vượt qua khâu kiểm tra, kiểm soát nội bộ theo quy định của từng ngân hàng”, vị này cho biết.

Chuyên viên tín dụng này cũng tiết lộ thực tế tại chi nhánh VietinBank nơi anh làm việc đến nay vẫn chưa phát sinh dư nợ cho vay để trả nợ ngân hàng khác theo Thông tư 06.

“Chúng tôi chỉ triển khai theo quy định và không phát sinh thêm bất cứ thủ tục cũng như chi phí nào khác so với hướng dẫn của hội sở. Ngân hàng cũng không thiếu tiền cho vay. Năm nay tín dụng thoải mái hơn và chúng tôi chưa thấy có chỉ đạo siết chặt cho vay như năm ngoái”, anh chia sẻ.

Khách hàng vay vốn tại chi nhánh này cũng rất đa dạng, từ nuôi trồng, kinh doanh lúa gạo, thuỷ sản, đến những tiểu thương kinh doanh tại chợ. Tuy nhiên, số đông khách hàng vẫn là những doanh nghiệp và hộ gia đình thuộc lĩnh vực thuỷ sản và lúa gạo.

Được biết, đa số những khách hàng tìm hiểu về gói vay này là những người đang vay vốn ở các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ, trong khi nhóm ngân hàng lớn như VietinBank, Vietcombank, BIDV, và Agribank có lãi suất khá tương đồng với mức thấp hơn.