Cuối năm, nhiều ngân hàng dồn dập tung ra các gói cho vay hàng nghìn tỷ đồng, áp dụng lãi suất thấp, đẩy nhanh tốc độ xét duyệt... Nhưng liệu người đi vay có thực sự yên tâm hưởng lãi suất thấp.
Giảm lãi suất đã đến lúc dồn vào chân tường?
Cuối năm, tỷ giá tăng, lãi suất giảm
Trong những tháng cuối năm, nhiều ngân hàng thương mại lớn đã đồng loạt dành các gói tín dụng có trị giá 2.000 - 4.000 tỷ đồng cho vay tiêu dùng, mua nhà với lãi suất ưu đãi.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng tung ra gói 2.000 tỉ đồng cho cá nhân vay kinh doanh với lãi suất 13%/năm, còn vay mua, xây, sửa chữa nhà là 14%/năm. Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC Việt Nam cho khách hàng vay mua nhà với lãi suất ưu đãi 9,99% một năm trong ba tháng đầu tiên.
Hay như Ngân hàng Hong Leong (Hong Leong Bank) áp dụng lãi suất cho vay mua nhà 0,88%/năm trong 3 tháng đầu tiên; từ tháng thứ tư, lãi suất cho vay là 13,4%/năm, còn lãi suất cho vay của các năm tiếp theo sẽ không quá 14%/năm.
Tại Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB), ngân hàng này đã dành 1.000 tỉ đồng cho vay BĐS với lãi suất 9,9%/năm trong 3 tháng đầu của khoản vay, thời gian vay 180 tháng, mức vay tối đa là 90% nhu cầu vốn... Trước đó, Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) đã đưa ra mức lãi vay "sốc" là 10%/năm nhưng chỉ áp dụng đối với khách hàng mua căn hộ tại một số dự án cụ thể...
Lãi suất cho vay mua nhà thấp nhất tại HDBank cũng chỉ 8,6% một năm,
áp dụng trong 3 tháng đầu tiên. Tổng hạn mức cấp tín dụng trong chương
trình này của HDBank là 1.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng đã tung ra thị trường chương trình cho vay mua nhà với lãi suất 12%/năm cố định trong 2 năm đầu tiên. Mức cho vay tối đa 70% giá trị tài sản đảm bảo.
Cẩn trọng dễ "sập bẫy" lãi suất
Trong cuộc chạy đua đại hạ giá cho vay bất động sản của các ngân hàng, cơ hội mua nhà của nhiều người dân được mở rộng. Song có nhiều vấn đề đáng quan tâm mà khách hàng cần phải cân nhắc kỹ trước khi đặt bút ký hợp đồng, để không bị rơi vào tình thế sự đã rồi.
Thực tế tại các NH cho thấy đa số các mức lãi suất ưu đãi cho vay mua nhà chỉ áp dụng trong khoảng 3 - 6 tháng đầu tiên, tùy ngân hàng. Sau đó, các ngân hàng sẽ áp dụng lãi suất cao hoặc thả nổi theo hướng vài tháng sẽ điều chỉnh lãi suất một lần theo mức lãi suất huy động cộng với một khoản chênh lệch nào đó.
Lãi suất thấp, trả nợ nhiều năm, các ngân hàng đã đánh trúng nhu cầu của người mua nhà. Tuy nhiên hiện có khá nhiều ngân hàng có điều kiện xét cho vay rất khắt khe. Điều khó khăn nhất là tại nhiều dự án khách hàng không được thế chấp chính căn hộ mà họ mua.
Bên cạnh vấn đề lãi suất, hiện nhiều ngân hàng đang áp dụng thu phí đối với khách hàng có nhu cầu trả nợ trước hạn. Mức thu phí thường từ 1% - 5% trên số tiền trả nợ trước hạn. Vì thế, người vay cần lưu ý đến yếu tố này để xác định mức phí phải trả cho ngân hàng. Giả sử, với thời hạn vay 5 năm, nếu bên vay trả nợ trước hạn trong năm đầu tiên hoặc năm thứ hai thì NH sẽ thu mức phí nào?...
Thêm vào đó, rủi ro lớn nhất mà khách hàng mua nhà nhận ưu đãi khủng có thể gặp phải là dự án đang dở dang, chủ đầu tư huy động vốn rồi sau đấy không triển khai tiếp. Lúc đó, người mua chịu thiệt nhất bởi tiền đã đóng, nhà thì chưa thấy đâu còn muốn rút vốn ra cũng rất khó khăn. Trong khi đó, lãi suất hàng tháng vay ngân hàng để đóng vào, người dân vẫn phải nộp đủ. Thực tế hiện nay, có đến 90% các dự án chậm tiến độ, thậm chí có nhiều dự án không hề triển khai sau khi đã huy động được tiền của người mua.
(Theo TTVN)