Gán nợ bằng dầu mỏ

Khi ông Joao Lourenco tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Angola vào 2017, nhiều người dân đã bày tỏ sự lạc quan về tương lai của đất nước.

Lourenco, cựu Bộ trưởng Quốc phòng, đã cam kết sẽ ngăn chặn tình trạng tham nhũng và đa dạng hóa nền kinh tế vốn phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động xuất khẩu dầu, và hơn cả là Trung Quốc trong suốt hai thập kỉ qua.

Nhưng 4 năm sau đó, những cam kết đó dường như vẫn chưa trở thành hiện thực. Nghiên cứu của IMF nhận định nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều trắc trở và dự báo sẽ chưa thoát khỏi suy thoái trong tương lai gần.

Nền kinh tế Angola với nợ công ở mức cao cũng phụ thuộc vào Trung Quốc do các khoản vay được kí với Bắc Kinh để tái thiết nền kinh tế kể từ khi chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 26 năm vào 2002.

Ước tính Angola đã vay khoảng 42,6 tỷ USD từ các chủ nợ Trung Quốc, khoảng 1/3 trong số đó đến trong giai đoạn 2000-2019, và được trả nợ dưới dạng dầu mỏ.

{keywords}
 

Hiện nguồn tài nguyên này chiếm tới 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của Angola, điều đó khiến nền kinh tế nước này đứng trước rủi ro cao mỗi khi giá dầu giảm.

Những vấn đề mà Angola gặp phải đều xuất phát từ những cuộc khủng hoảng kinh tế do hệ quả từ giá dầu đi xuống kể từ 2014, và gần đây nhất là đại dịch Covid-19.

Tại một sự kiện trong năm 2019 được tổ chức bởi Hội đồng Quan hệ Quốc tế có trụ sở ở Mỹ, ông Lourenco nói rằng giải pháp vay tiền và trả bằng dầu mỏ không mang lại hiệu quả như kì vọng: "Đến hôm nay chúng tôi đã ngừng cách thức này sau những tham vấn từ IMF và World Bank".

Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng Angola sẽ khó có thể thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ. Tiến sĩ Ana Cristina Alves tại Trường đại học Kĩ thuật Nanyang, Singapore, cho rằng Angola sẽ tiếp tục hướng tới Bắc Kinh để tìm kiếm sự hỗ trợ về tài chính, cho dù quy mô các khoản vay có thể giảm đi so với quá khứ.

Khó ngừng lệ thuộc

"Các lợi ích của Trung Quốc đối với nền kinh tế Angola sẽ còn hiện hữu cho dù có thể giảm bớt trong bối cảnh các nhà đầu tư đang gặp khó khăn do tình hình kinh doanh khó khăn kể từ 2014", bà nói.

Dẫu vậy, Ana cho biết thách thức lớn nhất đối với Angola là việc đảm bảo Trung Quốc vẫn muốn dầu mỏ từ quốc gia này.

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã liên tiếp mua dầu mỏ từ Trung Đông thay vì châu Phi, và điều đó khiến Angola gặp khó khăn khi 70% kim ngạch xuất khẩu dầu của nước này là từ Trung Quốc.

Trong quá khứ, Angola cùng với Ả Rập Saudi là các nguồn cung dầu mỏ chính của Trung Quốc, nhưng hiện nay vị thế này đã bị các nước như Nga, Iraq hay Brazil chiếm lĩnh.

Bà Ana nói rằng việc tìm một phương án thay thế là không khả thi, khi thị trường lớn thứ hai của Angola là Ấn Độ, chỉ chiếm 5% kim ngạch xuất khẩu dầu của Angola trong năm ngoái, trong khi đây là mặt hàng chiếm tới một nửa GDP của quốc gia châu Phi.

"Angola không chỉ phụ thuộc vào Trung Quốc về nguồn tài chính phát triển, mà cả nền kinh tế còn phụ thuộc vào sự ổn định trong mối quan hệ với nước này. Tôi cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục giữ vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Angola trong nhiều năm tới đây", bà nói.

Gần đây, Trung Quốc đã tỏ ý sẵn sàng giúp đỡ Angola, vốn đã được ngân hàng Trung Quốc Eximbank xóa một phần nợ như một phần của sáng kiến hoãn thanh toán nợ do G20 đề xuất.

Nước này cũng sẽ được xóa khoảng 6,2 tỷ USD từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Thương mại và Công nghiệp Trung Quốc trong vòng 3 năm tới.

Trong khi đó, sản lượng sản xuất dầu mỏ của Angola đã giảm xuống còn 1,1 triệu thùng/ngày, từ khoảng 1,9 triệu vào 2008. Tháng trước, ông Lourenco trả lời trên tờ Financial Times rằng việc đa dạng hóa nền kinh tế là vấn đề giữa "sống và chết".

Dominik Kopinski, giáo sư tại trường đại học Wroclaw và đồng sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Ba Lan về châu Phi, nói: "Món nợ khổng lồ cũng với việc giảm sản lượng dầu, tình trạng bình thường mới trên thị trường dầu mỏ - là những yếu tố khiến Angola gặp khó khăn".

"Trung Quốc thừa nhận rằng tình trạng hiện tại với Angola khó có thể kéo dài, trong khi chính quyền Angola lo ngại khoản nợ lớn với Trung Quốc và việc phụ thuộc vào nước này có thể mang tới nhiều rủi ro".

Theo đó, Kopinski cho rằng Angola đang rất cần các nguồn tài chính từ bên ngoài, nhưng sẽ hướng tới các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, thay vì các khoản vay gán bằng dầu mỏ.

"Nhiều dấu hiệu cho thấy Angola sẽ tiếp tục đa dạng hóa các đối tác nước ngoài nhằm nguy cơ bỏ hết trứng vào một rỏ; kể từ khi giành được độc lập, việc đa dạng hóa vẫn luôn là tính toán quan trọng đối với tương lai của Angola".

Gần đây, các nỗ lực này đã đạt được một số thành quả. Angola hiện đang hợp tác với IMF nhằm tái thiết nền kinh tế, ngoài ra, một loạt cải cách cũng được triển khai nhằm xóa bỏ những sự trì trệ từ chính phủ tiền nhiệm.

Nỗ lực đối phó với tham nhũng của chính quyền ông Lourenco cũng đạt được một số điểm tích cực khi Jose Filomeno, con trai của cựu Tổng thống Eduardo Dos Santos đã phải vào tù do biển thủ tiền từ Quỹ phát triển Angola, trong khi Isabel, một người con khác của Dos Santos, cũng bị cách chức khỏi vị trí lãnh đạo Công ty dầu mỏ quốc doanh Sonangol với lý do tương tự.

(Theo Doanh nghiệp và tiếp thị)

Hàng chục quốc gia nợ Trung Quốc 385 tỷ USD vì 'Vành đai và Con đường'?

Hàng chục quốc gia nợ Trung Quốc 385 tỷ USD vì 'Vành đai và Con đường'?

Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc có thể đã khiến hàng chục quốc gia thu nhập thấp và trung bình nợ Bắc Kinh một khoản chưa công bố trị giá 385 tỷ USD.