Chó được thu mua từ khắp nơi rồi tập kết về làng. Từ đây, chó được chuyển ra các tỉnh phía Bắc để tiêu thụ. Mỗi ngày, làng Sơn Đông xuất ra thị trường hàng tấn chó thịt. Vì thế, nơi đây được mệnh danh là “thủ phủ” của nghề buôn chó ở xứ Thanh.
Chiều đến, làng Sơn Đông (Thành Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa) tấp nập hơn hẳn khi có nhiều xe ra vào.
Hàng chục chiếc xe máy đứng dàn hàng ngay đầu đường vào thôn bên những điểm tập kết chó, phía sau là những chiếc lồng sắt bên trong nhốt đầy chó.
Ngoài đường liên xã từ QL 1A vào làng Sơn Đông có 4 đến 5 chiếc xe ô tô đứng xếp hàng chờ bốc chó lên xe đưa ra các tỉnh phía Bắc và sang Trung Quốc tiêu thụ.Vừa đứng chờ nhập chó vào trại tập kết, anh Trần Văn Đức (40 tuổi) làm nghề đi thu mua chó gần chục năm nay chia sẻ:
“Giờ làm ăn khó khăn nên ít hàng (chó), làng còn lại ít người theo nghề đi buôn. Chú mà về đây chừng 5 năm trước vào thời gian này thì ở đây nhộn nhịp chẳng khác gì phố. Giờ người ta bỏ nghề gần hết rồi!”.
Hàng trăm con chó được thu mua từ khắp nơi về nhốt chung vào một trang trại tập kết. |
Làng Sơn Đông – nơi được mệnh danh là “thủ phủ” của nghề buôn chó |
Sau khi thu mua về, chó được nhốt vào từng lồng sắt. |
Người dân trong làng Sơn Đông xưa vốn chỉ quen với đồng ruộng, nhưng vào khoảng những năm đầu thế kỷ 20, trong làng có một vài người đi buôn chó kiếm được lợi. Từ đó, người làng kéo nhau đi buôn chó kiếm lời.
Anh Đức cho biết thêm, thời “hoàng kim” nghề buôn chó của làng Sơn Đông là vào khoảng những năm 2004 đến 2010.
Lúc đó, nghề buôn chó nở rộ nhất, làng cũng có nhiều người đi buôn chó nhất. Nghề buôn chó cũng đã đem lại cho người dân làng Sơn Đông nhiều đổi thay. “Lúc đó, do ở trong Nam chưa tiêu thụ thịt chó nên một số người làng đã mở đường vào Nam thu mua chó.
Sau đó đưa ra các tỉnh miền Bắc tiêu thụ. Lúc đó, giá chó thịt trong Nam rất rẻ, khi đưa về bán lại được giá rất cao nên lợi nhuận nhiều” - anh Đức cho hay.
Ông Phan Duy Tấn - Chủ tịch UBND xã Thành Lộc chia sẻ: “Vào thời điểm nghề buôn chó làm ăn được, cả xã có hơn 40 hộ làm nghề kinh doanh chó. Để đảm bào an ninh cũng như môi trường, xã phải cho xây dựng cả một khu đất riêng để các hộ tập trung làm nghề vào một nơi”.
Từ năm 2010 đến nay, do Thái Lan và Lào nghiêm cấm việc xuất khẩu động vật sống, nguồn chó thịt trong miền Nam khan hiếm nên nghề buôn chó của làng Sơn Đông chững lại.
Kiểm lại chó trong các lồng sắt trước khi xuất hàng |
Vận chuyển chó từ trang trại ra xe đưa đi tiêu thụ |
Ô tô đậu bên đường chờ bốc chó từ làng Sơn Đông để chuyển ra Hà Nội tiêu thụ |
Tuy nhiên, đây vẫn là nghề chính và cho thu nhập cao đối với nhiều hộ gia đình ở đây.
Hiện nay, làng Sơn Đông còn lại hơn chục hộ làm nghề kinh doanh, buôn bán chó với khoảng 20-30 lao động đang làm việc. Ngoài ra còn có một lực lượng lớn những người chuyên đi thu mua chó dạo ở khắp nơi đổ về đây.
Tại “đại bản doanh” đang tập kết hàng trăm con chó của gia đình anh N.V.T, làng Sơn Đông, gần chục nhân công đang làm việc.
Chó được nhập về, sau đó chủ trại sẽ cân lên để phân loại. Mỗi loại chó có giá thịt khác nhau (giá bán lẻ tại trại bình quân từ 80 - 100 nghìn/kg hơi). Chó nhập vào chuồng sẽ được tắm rửa sạch sẽ, cho ăn ít nhất 3 lần/ngày để không bị sút cân. Tại trại tập kết chó này lúc nào cũng nghe những tiếng chó sửa và tiếng chó cắn lẫn nhau.
Anh T bảo: “Khi mua về mình phải phân loại để dễ chăm sóc và khi xuất hàng cũng tiện lợi hơn. Chó cỏ (chó quê) thì giá cao hơn chó lai hay chó Lào và chó Thái Lan vì thịt ngon và thơm hơn, không có nhiều mỡ”.
Ở làng Sơn Đông, vì buôn bán chó nên người dân cũng có cái “kiêng kỵ”, đó là không ăn thịt chó. Anh T chia sẻ: “Làm nghề này, biết là con chó sẽ bị hóa kiếp nên chúng tôi kiêng ăn thịt nó. Cũng không phải gì lớn nhưng mình nghĩ làm nghề thì kiêng cho lành”.
Chính vì thế khắp làng Sơn Đông không có một quán thịt chó nào. Kể cả khi không may có con chó nào bị chết, các chủ nghề buôn cũng không làm ăn thịt ăn.
Chúng tôi rời Sơn Đông khi trời đã nhá nhem tối. Hai bên đường, những chiếc lồng sắt chứa hàng chục con chó được bốc vội lên thùng ô tô để kịp chuyển hàng đi.
(Theo Dân Việt)