Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) lần thứ 3 diễn ra ngày 15/4, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng khẳng định TMĐT là một trong những xu hướng phát triển mạnh mẽ nhất trong thời gian qua.

Trong xu hướng đó, Bộ TT&TT đã ban hành nhiều chính sách liên quan tới lĩnh vực này như thúc đẩy phát triển hạ tầng truy nhập Internet, đặc biệt là băng rộng di động để tạo nền tảng cho TMĐT.

Việc Luật ATTT mạng được Quốc hội thông qua tháng 11/2015 đã tạo ra hành lang pháp lý cho các giao dịch trên môi trường mạng được an toàn.

Theo ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục TMĐT và CNTT, Bộ Công thương, TMĐT Việt Nam sau 10 năm hiện đã tạo được chỗ đứng nhất định tại Việt Nam. 5 năm tới, Bộ Công thương tiếp tục xác định TMĐT là một cách thức kinh doanh ngày càng quan trọng đối với doanh nghiệp, cá nhân.

Dự kiến ngay trong tháng 4/2016, Bộ Công thương sẽ trình Chính phủ Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016-2020.

Đại diện VECOM cho hay, trong giai đoạn 2016-2020, lĩnh vực TMĐT đòi hỏi cần có sự bổ sung, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tiếp tục để hỗ trợ các hoạt động kinh doanh trực tuyến, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

VECOM cần chủ động hơn nữa trong việc tư vấn, phản biện chính sách, pháp luật liên quan đến TMĐT trên nền tảng di động, mạng xã hội, TMĐT gắn với Internet của vạn vật, các loại tiền điện tử, quảng cáo trực tuyến, bảo vệ thông tin cá nhân, nâng cao chất lượng chuyển phát… để tạo niềm tin cho người tiêu dùng vào TMĐT.

Ngoài ra, đó còn là vấn đề giải quyết tranh chấp bao gồm giải quyết tranh chấp phát sinh từ giao dịch điện tử xuyên biên giới.

Ông Nguyễn Long, Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam khuyến cáo trong giai đoạn hội nhập quốc tế, xu hướng các vụ tranh chấp phát sinh từ giao dịch TMĐT xuyên biên giới sẽ tăng lên, tuy nhiên sự sẵn sàng của Việt Nam với TMĐT chưa cao, kể cả công nghệ và pháp lý.

“Cùng với sự phát triển của TMĐT, số lượng vụ tranh chấp và vi phạm pháp luật có thể gia tăng nhanh chóng, đồng thời mức độ phức tạp và đa dạng ngày càng cao. VECOM cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý thị trường, quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, thanh tra CNTT-TT, bảo vệ pháp luật… để phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm của các bên tham gia TMĐT. Sẽ đẩy mạnh các hoạt động theo dõi, giám sát việc tuân thủ pháp luật liên quan đến TMĐT của các doanh nghiệp hội viên”, đại diện VECOM cho hay.