Hồ Đình nước mênh mông, nằm ngay giữa vùng cư dân nông thôn đông đúc, lâu đời.

TIN BÀI KHÁC


Nhưng điều kỳ lạ, khác hẳn với tình trạng ô nhiễm chung của các hồ xung quanh thì nước ở hồ đó lại trong xanh, sạch sẽ đến kinh ngạc. Nỗi khiếp sợ bị "ám", bị "phạt" bởi một thế lực tâm linh huyền bí ở lòng hồ cứ thế truyền từ đời này sang đời khác, như một tấm chắn vô hình giữ cho hồ mãi trong xanh.  

Một ngôi chùa cổ được cho là đang nằm dưới đáy hồ mênh mông này. 

Ngôi chùa dưới lòng hồ

Cách trung tâm TP Hà Nội chừng 20km, làng Yên Quán (xã Tân Phú, huyện Quốc Oai, Hà Nội) cổ xưa nằm ven bờ sông Đáy thơ mộng. Hồ Đình rộng lớn, mênh mông nước nằm ngay chính giữa làng Yên Quán. Dường như bất kỳ vị khách vãng lai nào tới đây đều ngạc nhiên bởi sự trong xanh, sạch sẽ đến kỳ lạ của hồ như lạc lõng trong cảnh không gian làng mạc bị xú uế, ô nhiễm bởi cống rãnh, chăn nuôi.

Chưa kể, hầu hết các hồ ở khắp vùng nông thôn xứ Đoài này cũng đều đã bị ô nhiễm nghiêm trọng do tập quán sinh hoạt, chăn nuôi, canh tác từ bấy lâu nay. Tương truyền, sự sạch sẽ của hồ ngày nay là xuất phát từ những câu chuyện linh thiêng nhuốm màu huyền bí về sự trừng phạt nào đó của thần thánh ngự dưới hồ (?).

Chị Nguyễn Thị Cúc, người gốc làng Yên Quán kể: "Từ bé chúng tôi đã được các cụ kể về sự linh thiêng của hồ Đình, bọn trẻ con dù nghịch ngợm đến mấy nhưng cũng không bao giờ dám bén mảng chơi nghịch xung quanh khu vực hồ. Đặc biệt, trẻ ở đây hay có thói quen xuống hồ, ao tắm nhưng tuyệt nhiên ở hồ Đình, chỉ có những đứa trẻ nam được xuống còn trẻ con gái thì bị các cụ cấm tuyệt đối không được xuống hồ tắm hay giặt giũ".

Ông Hoàng Doãn Tuy nhớ lại những câu chuyện kỳ lạ liên quan đến hồ Yên Quán.

Cũng theo các cụ bô lão trong làng thì sở dĩ hồ Đình có sự linh thiêng ấy là bởi thuở xưa nơi đây có một ngôi chùa cổ. Ông Hoàng Doãn Tuy, năm nay 75 tuổi, vốn người gốc làng Yên Quán kể: "Thuở trước có một ngôi chùa lớn nằm ở vị trí cạnh hồ Đình bây giờ. Hồi ấy hồ Đình thông với sông Đáy nên nước ở đây rất lớn, hồ cũng rộng hơn bây giờ nhiều.

Khuôn viên và nước hồ trong xanh, sạch sẽ đến bất ngờ…

Rồi bỗng có thời kỳ xuất hiện một khe nước chảy vào đường chùa, khe nước ấy cứ lớn dần, lớn dần cho đến một ngày thành dòng nước lớn bất ngờ cuốn trôi toàn bộ ngôi chùa xuống đáy hồ trong đêm tối mịt mùng". Cũng từ đó, ở hồ Đình xảy đến vô số những chuyện khó lý giải khiến người dân nơi đây càng thêm tin đó là do sự linh thiêng của thần thánh ngự trong chùa. Có người thì bảo đó là do bà Ả Lã Nàng Đê làm phép mà nên, có người thì bảo đó là do Linh Lang đại vương.?!
 
Giấc mơ kỳ lạ của lão ngư

 
Do tin về sự trừng phạt nào đó của thần thánh ngự dưới đáy hồ mà hồ Đình cho đến ngày nay vẫn giữ được sự trong xanh, sạch sẽ - khác hẳn những hồ khác đã bị ô nhiễm ở khu vực xung quanh.

Thực chất, ngôi chùa cổ bị cuốn xuống lòng hồ ấy có từ bao giờ thì cũng không ai rõ, người dân nơi đây chỉ nghe cha ông truyền lại rằng chùa thờ Linh Lang đại vương và Ả Lã Nàng Đê. Theo các thần tích còn chép lại thì bà Ả Lã Nàng Đê đã nhiều lần hiện thân linh ứng giúp cho các tướng lĩnh trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm năm xưa.

Cuốn thần tích do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính (Loan) soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) ghi rằng: Bấy giờ ở trang Phả Lại huyện Quế Dương phủ Từ Sơn đạo Kinh Bắc có người họ Lã tên là Tiến, vợ tên là Triệu Thị Phụng, làm nghề đánh cá kiếm ăn ở thượng lưu sông Nguyệt Đức từ làng An Phú cho đến làng Hương La.

Khi đến nơi này ông bà nghỉ lại gần ngôi miếu thờ và đều mộng thấy có thần nữ xuống giúp dân. Sau đó bà mang thai đến ngày thứ hai, tháng 2 năm Quý Mùi sinh một người con gái thiên tư đĩnh dị, tướng mạo khôi kỳ bèn đặt tên là Ả Lã. Bà Ả Lã vốn là vị tướng thời Hai Bà Trưng rất linh thiêng.

Theo ký ức của các vị bô lão trong làng khi xưa thì ở Hồ Đình lúc nào cũng có những con cá rất lớn, có con nặng tới vài yến. Những người làng ngày ấy muốn đánh bắt cá ở hồ thì đều phải làm lễ xin nhiều ngày. Nhưng kể cả có "xin được quẻ" âm dương rồi thì ngay cả những thanh niên vạm vỡ trong làng cũng không mấy ai dám xuống đánh bắt cá, mà phải thuê đội ngư dân chuyên đánh cá lâu năm trên sông, trên biển về đánh bắt.

Trong số đội thợ đánh cá khi ấy, có một người đàn ông trung niên bỗng một đêm nằm mơ có thần báo mộng sẽ cho thấy chùa dưới lòng hồ, nhưng với điều kiện phải giữ bí mật, nếu để lộ ra ngoài sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. Sáng hôm sau, trong lần lặn bắt cá dưới hồ, người đàn ông ấy bỗng nhìn thấy cả một ngôi chùa lớn nằm yên ắng dưới lòng hồ, ngay bệnh cạnh là bụi tre lớn vẫn tỏa cành như che chở vòm chùa.

Quá ngạc nhiên, người ngư dân bỗng trở nên rối trí. Ông không giữ nổi bí mật lớn lao ấy trong lòng, bèn đem kể cho một người bạn. Thông tin về ngôi chùa tỏa ánh hào quang và bụi tre xanh dưới lòng hồ, thế là lan ra khắp vùng. "Rồi không hiểu vì lý do gì, chỉ vài hôm sau, vào một buổi sáng người ta phát hiện ra ông thợ đánh cá khỏe mạnh ấy chết trong đêm lúc nào không hay. Người làng nghe vậy thì càng sợ nên tuyệt nhiên không ai dám làm gì kinh động đến hồ", ông Hoãng Doãn Tuy kể lại.

Những câu chuyện về sự linh ứng của bà Ả Lã Nàng Đê vẫn cứ âm ỉ trong lòng người dân từ đời này qua đời khác. Sự linh thiêng ấy như nhuốm thêm màu bí ẩn kể từ ngày ngôi chùa thờ bà bỗng dưng bị lở đất, cả ngôi chùa nằm gọn dưới lòng hồ mênh mông. Cũng từ sau đận xảy đến cái chết bất ngờ của lão ngư khỏe mạnh thì những chuyện kỳ lạ khó lý giải cứ xảy đến xung quanh khu vực ấy.

Ông Tuy kể rằng, từng có một phụ nữ lấy chồng ở làng, thấy nước hồ trong, lại vốn không biết thần tích ngôi chùa nơi Hồ Đình nên đã mang đống chiếu, tã của con ra hồ giặt. "Ngay khi về đến nhà, cô gái bỗng có những hành động kỳ lạ. Gia đình nhà chồng khi biết chuyện thì hoảng lắm, bởi họ là dân gốc Yên Quán, đâu có lạ gì những chuyện linh thiêng ở hồ...” - Ông Tuy nhớ lại.

(Còn nữa)

(Theo Gia đình & xã hội)