Chủ nhật hàng tuần, những người dân sống tại khu Văn Miếu thường thấy vài người Nhật cùng với các bạn trẻ người Việt đến thu gom rác, họ dùng những chiếc gắp bằng Inox và găng tay để làm công việc cộng đồng này.

Năm 2010, một nhóm chuyên gia của tổ chức Jica Nhật Bản đến Việt Nam để hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau về kinh tế, công nghệ, giáo dục, 5 người trong đó đã đặt câu hỏi: “khi rảnh rỗi, nên làm điều gì?”, họ quyết định sẽ gom rác. Hiện tại, có người trong số họ đã về nước nhưng có những người vẫn miệt mài làm công việc này như Gondai Shoichi.

Từ 5 người ban đầu, những người Nhật sống tại Hà Nội và những bạn trẻ khác bắt đầu biết đến công việc ý nghĩa này và họ tình nguyện tham gia. Hiện có hai nhóm hoạt động chủ nhật mỗi tuần, một nhóm khoảng 60 người tại khu vực hồ Gươm, trong đó có 11 người Nhật, nhóm còn lại khoảng 10 người hoạt động thường xuyên tại Văn Miếu hoặc công viên Thống Nhất.

"Ban đầu em thấy mọi người đăng ảnh trên Facebook và do cũng nói được tiếng Nhật nên em đã đề nghị cho em được tham gia (công việc tình nguyện gom rác), mọi người đều vui vẻ, bác Gondai thì rất hiền và quen mặt rồi", Trinh Nguyễn, sinh viên trường Đại học Thương Mại Hà Nội cho biết. Ngoài Trinh, còn có nhiều bạn sinh viên tham gia công việc này, có cả những người Nhật đã lập gia đình với người Việt và coi Việt Nam như là quê hương thứ hai của họ.

Có thể gọi Shoichi Gondai là trưởng nhóm “nhặt rác” tại khu Văn Miếu, mặc dù ông cũng chẳng thừa nhận như vậy. Nhưng nếu nói về vị trí lãnh đạo chính thức, thì ông là Chủ tịch của công ty Datasection Việt Nam (tầng 5 - Toà nhà Technosoft, Cầu Giấy, Hà Nội). Đây là công ty chuyên nghiên cứu, xử lý, phân tích và cung cấp dữ liệu trên Internet; Xây dựng các sản phẩm giúp các doanh nghiệp quản lý và khai thác giá trị từ nguồn dữ liệu này. Khách hàng của công ty đến từ hai nước Nhật Bản, Việt Nam. Khoa CNTT của trường Đại học Quốc gia Hà Nội cũng là đối tác của công ty từ năm 2014, trong việc triển khai giảng dạy và đào tạo một số nội dung tại Khoa CNTT như các kỹ năng cần thiết và tiếng Nhật cho lĩnh vực CNTT, triển khai các dự án nghiên cứu chung, chuyển giao công nghệ, và tiềm năng thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu - phát triển.

Ngoài công ty riêng của mình, lý do chính mà Shoichi Gondai đến Việt Nam là để làm việc tại Chương trình hợp tác đào tạo Việt - Nhật HEDSPI của Đại học Bách Khoa Hà Nội, trong vai trò là Trưởng đoàn giảng viên tiếng Nhật ngành CNTT cho các sinh viên đại học Bách Khoa. Mỗi năm, Shoichi Gondai đào tạo được khoảng 100 sinh viên, ông nói 2/3 trong số này đã tham gia các cuộc phỏng vấn với doanh nghiệp Nhật Bản và nhiều người đã sang Nhật làm việc.

Thời gian dành cho sinh viên Bách Khoa của ông khá nhiều, ông còn khoe rằng đã dự lễ cưới của các học trò mình và cảm nhận được nhiều tình cảm nồng hậu. Trong công việc, Shoichi là người nghiêm túc, ông nhận xét, sinh viên Việt Nam trình độ chuyên môn tốt nhưng kỹ năng mềm khá kém, nhất là khi làm việc nhóm, ngoài ra lại “lười” sáng tạo và chưa thực sự yêu công việc.

“Tại Nhật, nếu chúng tôi có thời gian làm việc là 8 tiếng thì mọi người sẽ làm việc khoảng 10 tiếng, nhưng tại Việt Nam, thời gian làm việc 8 tiếng là 8 tiếng và chưa hết giờ thì họ đã muốn về rồi”, ông cho biết và nhận xét rằng văn hoá làm việc, cách suy nghĩ về công việc của người Việt Nam và Nhật có nhiều khác biệt.

“Tôi muốn góp phần tạo ra những bạn trẻ tài năng, giới trẻ sẽ là động lực để Việt Nam có một tương lai tốt, tôi sẽ ở Việt Nam cho đến khi nào tôi không có công việc để làm nữa”, Gondai khẳng định.

Gondai Shoichi quê ở tỉnh Yamaguchi (Nhật Bản), ông có một con gái và một con trai đã trưởng thành, nhưng đã ly hôn với vợ. “Tôi rất nhớ con, mỗi lần về Nhật thì cha con lại gặp nhau, nhưng không phải năm nào tôi cũng về nhà”, công việc tại Việt Nam khá bận rộn, hơn nữa lại là niềm yêu thích của ông. Trong công ty với 10 nhân viên người Việt, chỉ có 2 người có thể nói được tiếng Nhật, tất cả đều biết tiếng Anh ở trình độ khác nhau.

Trước khi đến Việt Nam, vị giảng viên hoạt động tình nguyện trong tổ chức Jica tại Philipin trong vòng 2 năm, ông không ăn được đồ ăn Philipin, nhưng đến Việt Nam thì rất yêu thích đồ ăn, yêu các món rau Việt, ông cũng thích ăn phở.

Điều khiến Gondai yêu thích Việt Nam nhất là tình cảm con người, ông nói người Việt Nam rất thân thiện, luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác, đặc biệt là người nước ngoài. Trong gia đình Việt, mọi người có nhiều dịp tiếp xúc với nhau, khác hẳn ở Nhật, khi 18 tuổi trở lên là mỗi người đều có cuộc sống riêng của mình. “Thỉnh thoảng, tôi đi mua đồ, cũng bị người ta bán đắt hơn, tôi đi dạo có người níu tôi lại mua hàng, rồi họ im lặng... nhưng cuối cùng tôi vẫn trả tiền, tôi không nghĩ rằng tôi bị họ lừa nhưng có thể đó không phải là điều mà họ muốn làm, là vì cuộc sống, tôi biết người Việt Nam rất tốt”.

Năm nay, Gondai Shoichi 53 tuổi và chủ nhật hàng tuần, ông vẫn bước bộ 6.2 km đo bằng GPS từ khu Đại học Quốc gia Hà Nội nơi ông sống để đến Văn Miếu gom rác, Gondai có một chiếc mô tô phân khối lớn tại Nhật, nhưng ở Việt Nam thì ông vẫn sợ giao thông, chỉ di chuyển bằng xe bus, taxi hoặc đi bộ.

Tình cờ thì tác giả cuốn tiểu thuyết nổi tiếng "Betonamu no Kaze ni Fukarete" (Hoà cùng làn gió Việt) là bà Komatsu Miyuki cũng là bạn của Gondai. Tác phẩm của Komatsu Miyuki về một cô giáo người Nhật tại Việt Nam đã được dựng thành phim, đây là bộ phim điện ảnh đầu tiên do Việt Nam và Nhật Bản hợp tác sản xuất. Khi có những khoảng thời gian khác, Gondai lại đọc sách và ông đang đọc cuốn tiểu thuyết nói trên. Xem ra, Gondai có nhiều mối duyên với Việt Nam.

Đối với chuyện nhặt rác, Gondai Shoichi chỉ nói đây là một việc mà ông nên làm. Tại Nhật, ông chưa bao giờ làm công việc thu gom rác cho cộng đồng, nhưng ở Việt Nam thì cho đến nay ông đã làm điều đó được 5 năm và tất nhiên, ông vẫn tiếp tục làm mặc dù thời gian cá nhân cho một người Nhật vốn luôn là một thứ xa xỉ.

"Các bạn trẻ tài năng, ứng dụng những công nghệ phát triển trong khi biết quan tâm đến môi trường sẽ là những điều kiện để Việt Nam phát triển, tôi nghĩ Việt Nam có thể hoá rồng trong tương lai. Nhưng nếu không có những yếu tố này, các bạn sẽ không có gì cả hoặc có ít hơn những điều các bạn sẽ nhận được, còn tôi vẫn sẽ làm những việc mà mình nên làm", ông cho biết.