Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, bán Vinamilk nằm ngoài ý chí của SCIC và thể hiện sự quyết liệt trong việc thực hiện kế hoạch cổ phần hóa của Nhà nước.
Được ví là "con gà đẻ trứng vàng" hay "con bò sữa tỷ đô" của Tổng công ty kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk - VNM) có 45,1% vốn do đơn vị này nắm giữ. Theo thị giá ngày 14/10, phần vốn của SCIC tại Vinamilk có giá trị khoảng 57.000 tỷ đồng, tương ứng gần 2,6 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo văn bản mới được Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh ký, trả lời SCIC về việc nắm giữ vốn, đầu tư dài hạn đối với 19 doanh nghiệp tại đề án tái cơ cấu, Vinamilk lại là một trong 10 cái tên mà SCIC sẽ không được tiếp tục nắm giữ cổ phần, dù thời hạn để thoái vốn chưa được công bố.
Đây được xem là một quyết định bất ngờ với thị trường. Không tính tới việc Vinamilk từng đem lại hơn 1.500 tỷ đồng cổ tức về cho SCIC trong năm 2014, và khoảng hơn 2.000 tỷ đồng trong năm 2015, SCIC đã từng thể hiện việc kiên quyết giữ nguyên tỷ lệ sở hữu tại Vinamilk không chỉ một lần.
Vinamilk sẽ không còn nằm trong danh sách giữ vốn dài hạn của SCIC, theo quyết định mới được Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh ký. Ảnh: Vinamilk. |
Năm 2013, SCIC phủ quyết kế hoạch phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên của Vinamilk được cho là do lo ngại tỷ lệ cổ phần của Nhà nước bị pha loãng, dù con số tính toán chỉ khoảng 1,2%. Trong khi các cổ đông khác và cả Chủ tịch kiêm CEO của Vinamilk lúc bấy giờ, là bà Mai Kiều Liên, cho rằng tỷ lệ pha loãng này là quá nhỏ so với lượng sở hữu của SCIC, thì cổ đông Nhà nước này vẫn kiên quyết phản đối.
Tháng 6/2015, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên lại đề xuất Chính phủ xem xét về tỷ lệ sở hữu vốn Nhà nước trong công ty cổ phần ở một mức hợp lý. Theo bà Liên, việc cơ cấu lại tỷ lệ này sẽ giúp hài hòa lợi ích các bên liên quan, đặc biệt là trong các công ty cổ phần đang có tỷ lệ vốn Nhà nước lớn, nhưng lại không cần thiết như ngành sữa, thực phẩm.
Tuy nhiên, khi đề nghị này chưa được thực hiện thì tháng 8/2015, bà Liên từ chức Chủ tịch Vinamilk với lý do tuổi tác, nhường chỗ cho một nữ lãnh đạo khác nhiều hơn bà 6 tuổi.
Trao đổi với PV, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, việc phải bán vốn tại Vinamilk vốn dĩ nằm ngoài ý chí của SCIC.
"SCIC phải thực hiện yêu cầu của Chính phủ, chứ họ không được lựa chọn hay ra quyết định. Văn bản này thể hiện rõ tinh thần là Chính phủ sẽ rút khỏi những doanh nghiệp có hoạt động mang tính chất thương mại thuần túy, và đây là một tín hiệu tốt đối với công cuộc cải cách ở Việt Nam", ông nói.
Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, cần bỏ đi quan điểm Nhà nước phải giữ cổ phần doanh nghiệp tốt mà bán đi những doanh nghiệp yếu.
"Bán cái yếu ai mua? Suy nghĩ này là sai, và ai giữ quan điểm này nghĩa là không biết kinh doanh... Doanh nghiệp tốt, có giá mới bán, còn công ty nào đang yếu thì phải nuôi cho khỏe rồi mới bán, đó là nguyên tắc. Nên theo tôi, việc bán VNM là hoàn toàn tích cực", ông chia sẻ.
Ông Hiển cũng đánh giá, thông tin Nhà nước thiếu tiền nên phải bán VNM là không đúng.
Theo ông: "Có nguồn thu thì phải có mục đích sử dụng. Khi chúng ta thấy việc bán cổ phần doanh nghiệp Nhà nước để đầu tư một công trình nào đó thì là bình thường, bán mà không làm gì thì mới là bất thường".
Nói về tác động của quyết định này tới Vianmilk, ông Lê Đăng Doanh chia sẻ, việc SCIC bán cổ phần Vinamilk vốn chẳng ảnh hưởng gì tới Công ty sữa Việt Nam, bởi đơn vị này sẽ dễ dàng thu hút được các nhà đầu tư.
Ông bày tỏ: "Theo văn bản mà tôi biết, Nhà nước sẽ bán cổ phần của VNM cho nước ngoài. Có lẽ Chính phủ đánh giá năng lực của khối ngoại cao hơn so với các nhà đầu tư trong nước. Điều này cũng đã tác động lên thị trường, vì ngay sau thông tin SCIC thoái vốn, giá cổ phiếu của Vinamilk tăng mạnh, nhưng mấy hôm nay, giao dịch đã lại ổn định".
Cho rằng không nên đặt vấn đề về việc nếu bán cổ phiếu cho khối ngoại thì VNM còn là công ty của Việt Nam hay không, chuyên gia Lê Đăng Doanh khẳng định, Vinamilk vẫn là sản phẩm của Việt Nam.
"Khó có nhà đầu tư nào gom đủ số cổ phần để chi phối hoàn toàn hoạt động của VNM. Lấy ví dụ như Alibaba của Trung Quốc, phần của nhà sáng lập và thuộc Trung Quốc chỉ còn chưa đầy 10%. Đã là công ty niêm yết phải chấp nhận luật chơi thôi", ông nói.
(Theo Zing)