Trong gần hai năm qua, đại dịch đã tác động mạnh đến chuyển đổi số nói chung và thanh toán không tiền mặt nói riêng. Hầu như mọi doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, thanh toán số đều ghi nhận tăng trưởng cả người dùng lẫn đối tác và doanh thu.
Thanh toán số tăng mạnh trong khoảng hai năm qua, một phần do đại dịch. (Ảnh: MoMo) |
Trả lời ICTnews, ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch – đồng sáng lập Ví điện tử MoMo, cho hay mặt tích cực của dịch bệnh trong 2 năm qua là góp phần đẩy mạnh lượng người dùng các hình thức thanh toán kỹ thuật số.
Một mặt do giãn cách xã hội, mặt khác mọi người cũng dần e ngại sử dụng tiền mặt vì nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Do đó, người ta tìm đến các giải pháp thanh toán số nhờ sự an toàn, thuận tiện và vô cùng rẻ, nếu không muốn nói hầu hết là miễn phí.
Trong đó, số liệu của MoMo cho thấy có sự dịch chuyển và gia tăng rõ rệt các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua MoMo của người dùng cuối, đặc biệt là những người có thu nhập trung bình và thấp.
Song song đó, ở các doanh nghiệp là đối tác, nền tảng này ghi nhận mức tăng mạnh mẽ về số lượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ và các hộ kinh doanh sử dụng giải pháp thanh toán của họ.
“Dễ nhận thấy rằng có sự gia tăng mạnh mẽ ở những dịch vụ thiết yếu phục vụ cho đời sống trong năm vừa qua. Đặc biệt một số mảng tăng mạnh trong mùa dịch như: chuyển tiền, mua sắm online, thanh toán điện nước, dịch vụ tài chính, giải trí tại nhà…”, ông Diệp cho ví dụ.
Theo Phó chủ tịch MoMo, ngay cả những người dùng và doanh nghiệp trước đây vẫn thoải mái với việc thanh toán bằng tiền mặt thì nay đã thay đổi thói quen do tác động của dịch bệnh.
Những tác động tích cực lên chuyển đổi số trong giai đoạn dịch bệnh nói chung hầu như chuyên gia nào cũng thừa nhận. Tuy nhiên khi Covid-19 được kiểm soát hoàn toàn, liệu chuyển đổi số nói chung, thanh toán không tiền mặt nói riêng có bị ảnh hưởng?
Trả lời câu hỏi này, nhà đồng sáng lập MoMo khẳng định dịch bệnh giảm xuống sẽ không khiến tỷ lệ thanh toán kỹ thuật số giảm đi.
“Lý do đơn giản là một khi đã quen với thanh toán không tiền mặt và bị thuyết phục bởi sự tiện lợi, an toàn thì người dùng khó có thể quay về các hình thức thanh toán cũ”, ông Diệp phân tích.
Chưa kể tình hình kinh tế cải thiện sẽ là cú hích cho thói quen mua sắm, chi tiêu của mọi người. Và đương nhiên khi đó các hình thức thanh toán không tiền mặt sẽ được ưu tiên nhờ trải nghiệm vượt trội.
Riêng về thanh toán trên thiết bị di động, ông Diệp dẫn số liệu từ Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết, phương thức này tăng trưởng mạnh hằng năm với 90% về số lượng và 150% về giá trị.
Theo xu hướng này, năm 2022, MoMo nói riêng, các phương tiện thanh toán không tiền mặt nói chung dự kiến sẽ tiếp tục bứt phá cả về số lượng người dùng và giá trị giao dịch.
Tác động lạc quan của thị trường thể hiện rõ qua những tăng trưởng từ phía MoMo. Tính đến 21/12, ví điện tử này đạt 31 triệu người dùng, tăng 11 triệu người dùng so với tháng 9/2020 (tăng 55%) và tăng 20 triệu so với năm 2019. Như vậy, trung bình mỗi năm MoMo có thêm 10 triệu người dùng mới.
Cùng với đó, số điểm chấp nhận thanh toán đạt 140.000 điểm trên khắp cả nước, trải rộng nhiều lĩnh vực, tăng 20.000 điểm so với cuối năm 2020. Số đối tác kinh doanh đạt 50.000, tăng 10.000 đối tác so với tháng 9/2020 (tăng 33%).
Nhờ gia tăng cả về số lượng người dùng, điểm chấp nhận thanh toán lẫn đối tác kinh doanh, ông Diệp cho hay doanh thu công ty ước tính tăng gần gấp đôi so với năm 2020.
Hiện nền tảng này có hơn 50 đối tác tài chính bao gồm ngân hàng, công ty tài chính, bảo hiểm. Trong đó, liên kết trực tiếp với 32 ngân hàng trong và ngoài nước thuộc hệ thống ngân hàng nội địa và kết nối với cổng Napas.
Có thể thấy dịch bệnh tác động tích cực lên xu hướng thanh toán kỹ thuật số ở nhiều ngành nghề. Song ông Diệp đánh giá một số lĩnh vực như đi lại - du lịch, xem phim, giải trí, ăn uống - cafe ở các cửa hàng… do dịch bệnh phải dừng hoạt động, ảnh hưởng mạnh đến các giao dịch thanh toán không tiền mặt.
Hải Đăng
Thanh toán kỹ thuật số, mua bán online tăng mạnh cuối năm
Mua sắm online và thanh toán kỹ thuật số tiếp tục tăng giai đoạn cuối năm cho thấy người dân vẫn giữ thói quen vốn đã hình thành trong giai đoạn giãn cách.