AEC đặt mục tiêu đưa ASEAN trở thành một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất với sức cạnh tranh cao, phát triển kinh tế cân bằng và hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu.

Tuyên bố Băng Cốc

Kể từ khi Tuyên bố Băng Cốc được Bộ trưởng Ngoại giao năm nước Đông Nam Á là In-đô-nê-xia, Ma-lai-xia, Xinh-ga-po, Thái Lan và Phi-lip-pin ký kết vào ngày 08/8/1967, ASEAN đã có những bước chuyển mình vượt bậc trong thời gian qua.

Từ một khu vực bị chia rẽ bởi các quan điểm chính trị khác nhau, ASEAN đã trở thành một khối thống nhất, đoàn kết, gắn bó và hữu nghị với sự tham gia của cả 10 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Từ những quốc gia phải đối mặt với đói nghèo, đến nay ASEAN đã trở thành một Cộng đồng phồn vinh với các quốc gia thành viên phát triển nhanh chóng, được ví là những “con rồng”, “con hổ” kinh tế của khu vực.

Trong bức tranh phát triển chung của ASEAN nửa thập kỷ qua, hợp tác kinh tế ASEAN là những mảng màu rực rỡ và sống động nhất với những kết quả cụ thể và thiết thực. Từ một tổ chức đặt ưu tiên cho mục tiêu chính trị, chưa bàn thảo đến hợp tác kinh tế cho đến những năm 1990 (Trong suốt 25 năm từ 1967 đến 1992, ASEAN không thực sự chú trọng tới hợp tác kinh tế.

{keywords}
Các bộ trưởng Kinh Tế ASEAN chụp ảnh lưu niệm sau cuộc họp ngày 12/11/2018 tại Singapore. Ảnh RFI

Trong khi ký kết hàng loạt văn kiện tăng cường hợp tác an ninh (ZOPFAN năm 1971, TAC năm 1976, SEANWFZ năm 1984, DOC năm 1992), ASEAN chỉ tiến hành một số hoạt động hợp tác kinh tế khiêm tốn như thành lập Phòng Thương mại và Công nghiệp ASEAN (ASEAN CCI) nhằm tham khảo ý kiến của khu vực tư nhân trong hợp tác kinh tế ASEAN năm 1972, thành lập Ủy ban Geneva của ASEAN để phối hợp chính sách chung của ASEAN tại các diễn đàn đa phương năm 1973, thông qua Bản tuyên bố về Hòa hợp ASEAN (Tuyên bố Bali I) trong đó có đưa ra một số chương trình hành động để tăng cường hợp tác kinh tế năm 1976 và ký Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư ASEAN năm 1987), xu hướng hợp tác kinh tế mới nổi lên trong Hiệp hội.

Đến nay, ASEAN đã trở thành một liên kết kinh tế mạnh mẽ với mức độ tự do hóa cao trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư, đồng thời cũng là một nền kinh tế lớn, trung tâm thương mại quan trọng trong bản đồ kinh tế toàn cầu, vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 của thế giới và thứ 3 ở châu Á với tổng sản phẩm quốc nội đạt 2550 tỷ USD năm 2016. Với đà tăng trưởng hiện nay, đến năm 2050, ASEAN được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 toàn cầu.

Là một trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được thành lập vào ngày 31/12/2015, thể hiện quyết tâm chính trị và nỗ lực cao nhất từ tất cả các quốc gia thành viên trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế ASEAN với một mô hình liên kết cao và toàn diện, là điểm hội tụ của các chính sách ưu việt và cầu thị, các quy định thuận lợi nhất cho sản xuất kinh doanh trong khu vực. AEC đặt mục tiêu đưa ASEAN trở thành một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất với sức cạnh tranh cao, phát triển kinh tế cân bằng và hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu.

Thúc đẩy một cộng đồng dung nạp và tự cường hơn

Năm nay, 2018 Việt Nam đã đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế CLMV lần thứ 10 được tổ chức bên lề Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN tại Singapore. Bên cạnh đó còn rất nhiều việc cần làm ngay để chuẩn bị cho năm 2020 khi Việt Nam là nước Chủ tịch ASEAN.

Năm 2018, Singapore là nước Chủ tịch ASEAN đã đề ra ưu tiên trong hợp tác ASEAN gồm Hiệp định ASEAN về thương mại điện tử và hội nhập số; thành lập mạng lưới sáng tạo ASEAN; đưa vào vận hành cơ chế tự chứng nhận xuất xứ toàn ASEAN và cơ chế một cửa ASEAN; ký kết Hiệp định thương mại dịch vụ ASEAN; tăng cường hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN; tuyên bố ASEAN về du lịch hành trình trên biển; tăng cường hợp tác và thương mại về khí tự nhiên hoá lỏng trong ASEAN; ký Biên bản ghi nhớ với Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế; xây dựng Quy tắc ứng xử về xây dựng xanh của ASEAN; tiếp tục đẩy mạnh quan hệ đối ngoại của ASEAN.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh,Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2025 của chúng ta sẽ là một cộng đồng gắn kết và liên kết chặt chẽ; cạnh tranh, sáng tạo và năng động; cùng với tăng cường kết nối kinh tế cũng như hội nhập và hợp tác liên ngành; trong khi thúc đẩy một cộng đồng dung nạp và tự cường hơn, hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm, đồng thời hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu.

“Bên cạnh đó, thống nhất các nội dung còn vướng mắc trên cơ sở đảm bảo Hiệp định RCEP mang lại kết quả cân bằng về lợi ích, có tính đến sự chênh lệch về trình độ phát triển của tất cả các nước và đề nghị các nước đối tác của ASEAN điều chỉnh tham vọng xuống mức khả thi cho tất cả các bên nhằm kết thúc đàm phán hiệp định này trong năm 2018”, ông Trần Tuấn Anh nói.

Cũng theo người đứng đầu Bộ Công thương, Việt Nam cần phối hợp với các nước ASEAN tiếp tục rà soát, thực thi cam kết trong  FTA ASEAN+1; trong đó, có việc rà soát Hiệp định AANZFTA giai đoạn hai và tích cực thực hiện các chương trình làm việc, hợp tác với các đối tác khác của ASEAN.

{keywords}
Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 50 (AEM 50) cùng các hội nghị liên quan diễn ra tại Singapore từ 29/8-1/9. Ảnh: TTXVN

Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong thời điểm 6 tháng đầu năm 2018, mức độ tận dụng C/O ưu đãi trong xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam đối với các FTA ASEAN và ASEAN cộng ở mức độ trung bình với Trung Quốc (23%), Nhật Bản (29%), mức độ khá với Australia - New Zealand (30%), ASEAN (33%), Hàn Quốc (33%) và ở mức độ tốt với Ấn Độ (44%).

Ngoài ra, các doanh nghiệp FDI và các Tập đoàn lớn có xu hướng vận dụng ưu đãi tốt hơn doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Xét từ góc độ ngành, các ngành dệt may, da giày, cơ khí, nông sản chế biến vận dụng ưu đãi tương đối tốt để xuất khẩu.

Tuy nhiên, để tận dụng tốt các cơ hội của việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN đến năm 2025 và đảm bảo có thể hội nhập một cách chủ động, tích cực và phù hợp với lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình cạnh khu vực và quốc tế, khai thác tốt hơn các ưu đãi trong các FTA trong khuôn khổ ASEAN các doanh nghiệp Việt Nam cần cải thiện năng lực cạnh tranh, tìm ra cơ cấu sản phẩm hợp lý và nâng cao nhận thức về quyền lợi và nghĩa vụ của Việt Nam khi tham gia các FTA.

Hơn nữa, các Bộ, ngành trong hội nhập kinh tế ASEAN cần nâng cao hiệu quả công tác điều phối, phối hợp; cải tiến cơ chế tham gia các cuộc họp cấp kỹ thuật trong ASEAN để tiết kiệm nguồn lực và ngân sách cũng như xác định chủ trương về vấn đề đối xử đặc biệt và khác biệt trong đàm phán các FTA trong giai đoạn từ năm 2018 trở đi.

Ngọc Châu - Lê Thu Hương