- Là một trong hai giảng viên cao cấp của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Thông tin-thư viện Lương Định Của nhưng suốt mấy chục năm qua PGS.TS Hoàng Đức Liên vẫn duy trì thói quen đến trường bằng xe bus.

35 năm gắn bó với Học viện Nông nghiệp Việt Nam (trước là Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội), PGS.TS Hoàng Đức Liên vẫn duy trì thói quen đến trường bằng xe bus. Ngoài lí do sợ đường đông, ý thức người giao thông kém và tay lái yếu, ông cũng chia sẻ: “Trên xe bus mình có thêm nhiều thời gian để chuẩn bị bài giảng hoặc cập nhật tin tức hay đơn giản là nghỉ ngơi trước khi vào làm việc”.

{keywords}
PGS.TS Hoàng Đức Liên hàng ngày đến trường bằng xe bus. (Ảnh: Văn Chung)

Một ngày của vị PGS bắt đầu 5h30 ông thức dậy, cùng vợ chuẩn bị bữa sáng, 6h lên xe bus vượt gần 20km đi từ phố Đoàn Thị Điểm sang trường rồi 20h30 xuống xe bus về nhà.

Ông để lại ấn tượng với mọi người từ trang phục giản dị cho đến phương tiện sử dụng đi làm như sinh viên và sự chính xác về giờ giấc của nhà khoa học.

Duyên với đồng ruộng, nông dân

Thi đại học năm 1973 với số điểm cao nhất nhì huyện lúc bấy giờ, đủ điều kiện được xét đi học ở nước ngoài hoặc lựa chọn một số trường danh giá nhưng cuối cùng ông lại chọn Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội với suy nghĩ mình sinh ra từ đồng ruộng nên muốn giúp đỡ quê hương, người nông dân bớt cực khổ.

{keywords}
Suốt mấy chục năm nay, PGS.TS Hoàng Đức Liên vẫn duy trì thói quen sử dụng xe bus đi làm. (Ảnh: Văn Chung).

Học ở khoa Cơ điện nông nghiệp, một trong những khoa rất mới thời đó, chàng sinh viên Hoàng Đức Liên như được mở mang đầu óc khi sớm được học và thực hành trên những máy móc hiện đại do Liên Xô cũ (nay là CHLB Nga) viện trợ. Những chiếc máy gặt đập liên hoàn, máy kéo, máy cày lớn,…với hiệu suất bằng cả chục, cả trăm lao động quần quật mỗi ngày đã thay đổi hoàn toàn nhận thức của chàng sinh viên bước ra từ vùng quê nghèo.

Ông nhớ có những lần trường chạy trình diễn mô hình máy gặt đập liên hoàn bà con xung quanh khu vực Trâu Quỳ đến xem như trẩy hội.

Niềm đam mê khoa học, lòng hiếu học và nhiệt huyết tuổi trẻ thúc giục ông phải cố gắng học tốt, chiếm lĩnh kiến thức ngay từ trên giảng đường đại học.

“Ngày ấy học đại học ở trường là 5 năm, không phải 4 năm như bây giờ, sinh viên có đến gần 5 tháng thực tập. Chúng tôi được thực tập trên những mô hình sản xuất lớn nên ai cũng háo hức. Nhớ những vụ mùa anh em sinh viên chạy máy thay các bác công nhân để cả đêm. Vừa làm vừa học từ thực tế nên kiến thức ngấm dần.

{keywords}
PGS.TS Hoàng Đức Liên trong chuyến khảo sát thực tế tại huyện Lục Ngạn, Bắc Giang năm 2014. (Ảnh: NVCC)

Tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu, ông là một trong số ít người được giữ lại làm cán bộ giảng dạy.

Mọi phát minh đều phải xuất phát từ cuộc sống, không thể ngồi phòng lạnh để tự vẽ cái này cần, cái kia tốt cho người nông dân được. Lĩnh vực cơ điện lại mới mẻ nên giảng viên trẻ Hoàng Đức Liên càng tích cực tham gia các hoạt động tập thể, nhất là những chuyến đi thực tế, nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Đáng nhớ nhất là những lần đi về Tây Bắc theo chủ trương đưa cán bộ xây dựng, giúp đỡ các tỉnh miền núi, vùng cao.

Để đi lên với đồng bào Tây Bắc, ông và những sinh viên, cán bộ trẻ chủ yếu đi bộ, có những chuyến đi vào Mường Tè (Lai Châu) mất 3-4 ngày đường, sau đó cùng ăn cùng làm cùng ở với bà con dân tộc, cán bộ vùng cao hàng tháng trời.

Vượt qua khó khăn, ông và đồng nghiệp đã cho ra những bản quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH, nhất là lĩnh vực nông nghiệp hết sức cụ thể, có ý nghĩa định hướng cho địa phương trong những giai đoạn tiếp theo.

Sản phẩm đầu tiên của ông là chiếc “Máy phục tráng đồng cỏ” giúp xới tơi đất phía dưới mà không ảnh hưởng bề mặt phía trên của đất, nâng chất lượng cỏ chạy được trên địa hình đá gồ ghề, có độ dốc lớn đã giúp Nông trường quốc doanh Mộc Châu (Sơn La) thời đó nâng năng suất, chất lượng cỏ cho bò ăn lên nhiều lần.

Công trình trong ba năm ròng rã, tưởng chừng không thể hoàn thành đã giúp ông có được những đơn đặt hàng giá trị từ giám đốc nông trường cũng như đoạt Giải thưởng Khoa học trẻ của Bộ Nông nghiệp năm 1983.

{keywords}

PGS.TS Hoàng Đức Liên trong một lần thử nghiệm máy tại nông trường cao su Thanh Hóa. (Ảnh: NVCC)

Cuộc sống nhà khoa học khó khăn đã buộc ông và các đồng nghiệp phải suy nghĩ, sáng tạo để cho ra đời các sản phẩm như ông nói là “bán được, bán tốt, được nông dân hồ hởi đón nhận”, giá đến vài chỉ vàng/sản phẩm.

Những sản phẩm như máy bơm cánh gạt, máy bơm hứng trục,… giúp tăng năng suất, giảm chi phí và tiện lợi cho nông dân thời đó do ông làm ra đều cháy hàng. Gần Tết vẫn làm hăng say. Người dân và nhà khoa học như ông gần gũi như người thân trong nhà, có con cá ngon nhất, to nhất đều gọi mời ông. Trục trặc gì về máy móc chỉ cần gọi, đêm hôm ông cũng không ngại.

Nâng giá trị sản xuất

Năm 1989, ông thi đỗ chương trình nghiên cứu sinh tại Bulgaria và hoàn thành xuất sắc luận án Tiến sĩ chuyên ngành Năng lượng và chế tạo máy (Đại học tổng hợp kỹ thuật Sofia – Bulgaria). 

Đề tài của ông về “Mô hình và nghiên cứu tính toán số dòng phun hai pha không đẳng nhiệt” được công nhận cấp Nhà nước của Bulgaria vì có tính ứng dụng rất cao và rộng rãi trong cơ khí nông nghiệp như hệ thống tưới tiêu, máy sấy bảo quản nông sản, kể cả đối với giao thông vận tải, hàng không vũ trụ… 

{keywords}
PGS.TS Hoàng Đức Liên trên giảng đường học viện. (Ảnh: NVCC).

Trở về nước, được nhiều đơn vị, cơ sở có danh giá mời về làm việc nhưng ông vẫn nặng lòng với nơi đã chắp cánh cho mình từ những ngày đầu gian khó.

Nhiều đề tài, dự án cấp Bộ và Nhà nước vẫn được ông thực hiện thành công, có tính ứng dụng cao như: Mô phỏng số lực tương tác giữa dòng chất lỏng thực 3D và vật rắn; Nghiên cứu một số công nghệ và thiết bị cơ điện phục vụ kinh tế nông hộ và trang trại; Giải một số bài toán mô phỏng các thông số dòng khí trong buồng sấy nông sản trên cơ sở ứng dụng phần mềm tính toán thủy khí động lực học; Nghiên cứu công nghệ và hệ thống thiết bị để cơ giới hóa thu gom, vận chuyển, rửa, đánh đống muối… tại các đồng muối công nghiệp; Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật thị giác máy tính vào tự động hóa máy phun thuốc bảo vệ thực vật…

Ông còn chủ biên, đồng chủ biên hàng chục đầu sách chuyên khảo, giáo trình; hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh.

Sinh ra ở Bắc Giang, ông cũng thường xuyên trở về quê hương mang kiến thức giúp đỡ bà con. Gần đây nhất, ông giới thiệu một số máy phun thuốc bảo vệ thực vật cho cây công nghiệp, cây ăn quả trên địa bàn huyện Lục Ngạn nhằm giúp nông dân tiết kiệm chi phí, bảo vệ sức khỏe và môi trường.

PGS.TS Hoàng Đức Liên cũng là 1 trong 2 giảng viên cao cấp của toàn Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Giám đốc Trung tâm thông tin - Thư viện của Học viện, phó Chủ tịch Liên hiệp thư viện các trường đại học khu vực phía Bắc. Ông cũng là thành viên Ban giám khảo các cuộc thi sáng tạo khoa học nhà nông do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức.

  • Văn Chung