Không hoàn thành nhiệm vụ vẫn được bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng
Kết luận công bố ngày 5/3 của Thanh tra Chính phủ về việc giải quyết tổ cáo một số nội dung liên quan đến Trường ĐH Ngoại thương cho thấy, trong thời gian dài, trường này đã vi phạm về quy trình, điều kiện, tiêu chuẩn trong công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại.
Cụ thể, trong giai đoạn 2005-2013, Trường ĐH Ngoại thương không có quy định về quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức và miễn nhiệm viên chức quản lý các đơn vị trực thuộc trường.
Đến tháng 10/2013, Hiệu trưởng ký quyết định ban hành quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức và miễn nhiệm viên chức quản lý các đơn vị trực thuộc lại vi phạm quy định về độ tuổi đã được quy định trong các quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Giai đoạn từ năm 2005 – 2015, nhà trường không có quy hoạch đối với chức danh Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng là chưa thực hiện đúng quy định của Đảng về quy hoạch cán bộ. Trường ĐH Ngoại thương cũng không tiến hành quy hoạch cán bộ thuộc thẩm quyền của nhà trường.
Cũng tại thời điểm này Hiệu trưởng, Đảng ủy Trường ĐH Ngoại thương đã thực hiện quy trình, đề xuất và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã quyết định bổ nhiệm lại chức danh Phó Hiệu trưởng nhiệm kỳ 2015-2020 đối với bà Đào Thị Thu Giang, trong khi bà Giang không hoàn thành nhiệm vụ được giao nhiệm kỳ 2010- 2015.
Tương tự, bà Lê Thị Thu Thủy không hoàn thành nhiệm vụ được giao nhiệm kỳ 2010-2015, nhưng Hiệu trưởng, Đảng ủy Trường ĐH Ngoại thương vẫn thực hiện quy trình, đề xuất và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã quyết định bổ nhiệm chức danh Phó Hiệu trưởng nhiệm kỳ 2015-2020.
Bổ nhiệm cán bộ không có quy hoạch, sai quy trình
Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra, giai đoạn từ 2006 - 2015, trường này đã bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 190 lượt người đối với chức danh quản lý.
Trong số đó 148/153 cán bộ được bổ nhiệm không có quy hoạch; 90/153 trường hợp không có tờ trình của đơn vị; 67/153 trường hợp không có tờ trình của Phòng Tổ chức Hành chính; 120/153 trường hợp không thông qua Đảng ủy; 109/153 trường hợp không thông qua Hội nghị lấy phiếu tín nhiệm lần 1; 120/153 trường hợp không tổ chức Hội nghị liên tịch Ban giám hiệu- Đảng ủy để lấy phiếu tín nhiệm lần 2,…
Còn 37 trường hợp bổ nhiệm lại không tiến hành đánh giá nhận xét cán bộ trước khi bổ nhiệm lại, không có tờ trình đơn vị, không lấy phiếu tín nhiệm, không thông qua Đảng ủy, không họp bàn ban giám hiệu trước khi bổ nhiệm là vi phạm nghiêm trọng về quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Tương tự, giai đoạn từ 4/2015 đến tháng 9/2018, trường này cũng vi phạm trong bổ nhiệm, bổ nhiệm lại khi có 34 trường hợp bổ nhiệm trước khi có quy hoạch được duyệt; 14 trường hợp không có quy hoạch; 5 trường hợp điều động bổ nhiệm mới không thông qua Hội nghị viên chức lấy phiếu tín nhiệm lần 1; 12 trường hợp đã có khuyết điểm trong nhiệm kỳ 2010 – 2015,…
Trường ĐH Ngoại thương còn tiến hành quy trình bổ nhiệm lại chức vụ Phó trưởng khoa Tài chính Ngân hàng nhiệm kỳ 2015-2020 đối với bà Mai Thị Thu Hiền, đánh giá hàng năm và toàn nhiệm kỳ thiếu thống nhất làm phát sinh khiếu nại kéo dài 2 năm 3 tháng.
Những ai liên đới tới sai phạm?
Theo thông báo kết luận của Thanh tra Chính phủ, trong 10 năm (2005-2015), Trường ĐH Ngoại thương đã có nhiều vi phạm trong quản lý đào tạo, mua sắm, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, quản lý tài chính và công tác cán bộ.
“Những vi phạm trong công tác quản lý tài chính, kế toán là nghiêm trọng. Việc để ngoài sổ sách số tiền thu từ liên kết đào tạo với Trung Quốc, quản lý đầu tư tại nhà A có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự; Quản lý tại nhà B vi phạm luật, phòng chống tham nhũng.
Đặc biệt trong thời gian dài các quy định về quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý theo quy định của Đảng không được thực hiện. Quy định về quy trình, điều kiện, tiêu chuẩn, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thể hiện sự độc đoán của hiệu trưởng ĐH Ngoại thương”, Thanh tra chỉ rõ.
Giai đoạn 2015-2017, công tác cán bộ đã được ban hành quy định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, tuy nhiên vẫn còn một số trường hợp chưa đúng quy định về trình tự thủ tục.
Theo Thanh tra Chính phủ, trách nhiệm xảy ra vi phạm tại Trường ĐH Ngoại thương đầu tiên là trách nhiệm của lãnh đạo trường giai đoạn 2005-2015, trực tiếp là Hiệu trưởng Hoàng Văn Châu, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Quy, Phó Hiệu trưởng Đào Thị Thu Giang, Trưởng phòng Tổ chức hành chính, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính và các cán bộ tham mưu khác.
Vi phạm trong công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, xử lý kỷ luật gia đoạn năm 2015-2017 thuộc về Hiệu trưởng, Trưởng phòng Tổ chức hành chính gia đoạn này.
Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ trách nhiệm quản lý của Bộ GD-ĐT; cụ thể đã thiếu trách nhiệm trong quản lý, kiểm tra, giám sát, không sớm phát hiện, ngăn chặn và xử lý các sai phạm về tài chính, về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và đặc biệt là công tác quy hoạch, quản lý cán bộ.
Ngoài ra không tiến hành thụ lý, giải quyết tố cáo, thuộc thầm quyền giải quyết theo Luật; tiến hành thanh tra nhưng chưa xem xét, đánh giá toàn diện các nội dung phản ánh; thiếu trách nhiệm trong việc xem xét, xử lý sau thanh tra…
Bán cán sự Bộ GD-ĐT nhiệm kỳ năm 2010-2015 thiếu trách nhiệm trong phối hợp với Đảng ủy khối các trường ĐH, CĐ Hà Nội xem xét trách nhiệm cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý sau kiểm tra của Ủy ban kiểm tra Thành ủy Hà Nội.
Ngoài ra, để xảy ra sai phạm ở Trường ĐH Ngoại thương cũng có trách nhiệm của Cục thuế Hà Nội, Đảng ủy khối các trường ĐH, CĐ.
Về xử lý trách nhiệm, đối với Ban cán sự Đảng Đảng Bộ GD-ĐT, Thanh tra Chính phủ kiến nghị các cơ quan Đảng, Nhà nước có thẩm quyền xem xét, kiểm điểm trách nhiệm đối với Ban cán sự Đảng Bộ GD-ĐT giai đoạn 2005-2015 trong việc lãnh đạo, quản lý để xảy ra các vi phạm tại ĐH Ngoại thương.
Kiểm điểm trách nhiệm trong việc kiểm tra, giải quyết tố cáo, xử lý kỷ luật tại ĐH Ngoại thương để tố cáo kéo dài.
Đối với các cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ GD-ĐT, yêu cầu Bộ GD-ĐT phối hợp với ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội tổ chức kiểm điểm, xử lý đối với lãnh đạo ĐH Ngoại thương có vi phạm được nêu trong các kết luận thanh tra, kiểm tra trước đây nhưng kiểm điểm, xem xét trách nhiệm chưa khách quan…
Bộ GD-ĐT tổ chức kiểm điểm trách nhiệm, có hình thức xử lý đối với các cá nhân có trách nhiệm trong việc tham mưu, quản lý tài chính, đầu tư cơ sở vật chất, quản lý cán bộ.
Đối với các cá nhân thuộc quyền quản lý của ĐH Ngoại thương, cụ thể là các cá nhân có trách nhiệm trước đây và những cá nhân liên đới mà việc kiểm điểm, xém xét trách nhiệm chưa khách quan thì cần được xem xét xử lý lại. Như vậy, mới đảm bảo công bằng, kỷ cương, kỷ luật.
Thúy Nga - Lê Huyền
Thanh tra Chính phủ kết luận nhiều sai phạm của ĐH Ngoại thương
Thanh tra Chính phủ vừa chuyển hồ sơ cho Bộ Công an tiếp tục làm rõ, xử lý theo pháp luật việc Trường ĐH Ngoại thương để ngoài sổ sách 197.200 USD (tương đương 3,2 tỷ đồng).