Apple hôm nay 20/9 sẽ mở bán iPhone 11 tại nhiều quốc gia nhưng không có Việt Nam. Nhiều cửa hàng trong nước đang cử nhân viên và thuê người xếp hàng mua iPhone tại Singapore để mang về bán kiếm lời. Nguồn hàng iPhone giai đoạn này đều được nhập về từ Singapore, Hồng Kông, Mỹ, Úc, Trung Quốc,... Vì sao iPhone "hot" như vậy nhưng Apple vẫn không mở bán sản phẩm này tại Việt Nam sớm như các thị trường khác? 

Khách hàng tham khảo sản phẩm bên trong Apple Store ở Singapore. Ảnh: Hải Đăng

Mặc dù Apple không chính thức cho đặt iPhone trước tại Việt Nam lúc này nhưng ngay sau sự kiện ra mắt hôm 11/9, các hệ thống bán lẻ lớn như Thế Giới Di Động, FPT Shop, Viettel Store đã cho khách hàng "đặt gạch" - một hình thức đặt hàng không chính quy.

Đến thời điểm viết bài này,  thegioididong.com và FPT Shop đều chỉ đạt số lượng "đặt gạch" iPhone 11 khoảng 3.000 lượt. Thử so sánh với số lượng đặt trước tại Trung Quốc, quốc gia trên tỷ dân láng giềng của chúng ta, thì chỉ riêng trang JD.com số lượng đơn đặt trước iPhone 11 đã đạt mốc 500.000. Rõ ràng lượng đặt hàng iPhone tại Việt Nam quá nhỏ bé so với nhiều thị trường. Thêm vào đó, với quy mô dân số nước ta gần 100 triệu người thì số lượng đơn đặt hàng iPhone như thế là rất khiêm tốn.   

Một người dùng tại Việt Nam thử cầm iPhone 7 khi máy vừa mới về Việt Nam. Ảnh: Hải Đăng

Tìm hiểu thêm một chút về doanh số iPhone chính hãng được bán ra tại Việt Nam trong thời gian qua để có thể phác họa tỉ mỉ hơn về “miếng bánh” thị phần smartphone mà Apple đã chiếm lĩnh được. 

Thống kê của GfK cho thấy, từ đầu năm đến nay iPhone chiếm thị phần khá khiêm tốn tại Việt Nam, xoay quanh mức 6%. Cụ thể là iPhone đạt khoảng 6,3% thị phần tháng 7/2019, xếp thứ 4 sau Samsung, Oppo và Realme. Nhưng cũng lưu ý rằng ở phân khúc smartphone trên 15.000.000 đồng thì Apple chiếm hơn 66% thị phần, gấp đôi so với mức 32% của kình địch Samsung. 

Theo thống kê của GfK thì trong tháng 6/2019, sức tiêu thụ của phân khúc giá này chỉ đạt 58.000 máy, sụt giảm đáng kể so với con số 74.000 máy hồi tháng 5. Đây lại là phân khúc mà các sản phẩm iPhone thế hệ mới đang được Apple kinh doanh chủ yếu. Từ đó, có thể tính ra xấp xỉ hàng tháng doanh số hàng chính hãng của iPhone tại Việt Nam chỉ là vài chục ngàn máy. 

Với doanh số bán hàng nhỏ bé này, rất khó để Việt Nam lọt vào bản đồ ưu tiên của Apple khi ra mắt iPhone mới. Bên cạnh đó, iPhone chính hãng chịu sự cạnh tranh gay gắt từ hàng xách tay vốn có mức giá cạnh trạnh hơn. 

Theo số liệu do FPT Retail công bố vào cuối năm 2017, quy mô các sản phẩm Apple tại Việt Nam khoảng 900 triệu USD thì hàng chính hãng chỉ xấp xỉ 550 triệu USD, khá sát với kết quả kinh doanh của Apple Việt Nam và phần còn lại 350 triệu USD thuộc về thị trường điện thoại xách tay. 

Vẫn chưa có Apple Store Việt Nam

Có một thực tế là Việt Nam chỉ được xem là thị trường xếp vào nhóm thứ 3 trong hệ thống bán hàng của Apple nên chưa phải là thị trường trọng điểm để hãng bán iPhone trong đợt đầu, cũng khó có khả năng hãng mở Apple Store tại Việt Nam.

Ngoài việc bán hàng, Apple Store đóng vai trò quảng bá sản phẩm và văn hoá Apple. Dù người Việt có “phát cuồng” vì các sản phẩm quả Táo nhưng thực tế doanh số iPhone tại thị trường Việt Nam vẫn rất khiêm tốn bởi giá bán các sản phẩm mới chính hãng thực sự còn rất cao, quá tầm với so với mức thu nhập của đại đa số người Việt. 

Ngoài ra, iPhone chính hãng được bán ra từ Apple Store tại Việt Nam (nếu có) sẽ phải chịu sức ép cạnh tranh từ chính thị trường xách tay vốn có thế mạnh về giá, thời gian lên kệ. 

Bởi vì, không phải cứ Apple Store có mặt thì iPhone sẽ chính thức xuất hiện ở nước ta sớm nhất, mà điều đó còn phụ thuộc vào chính sách bán hàng của Apple. 

Ví dụ như với iPhone XS năm ngoái thì Singapore được bán ra vào 21/9, trước gần 1 tháng so với Thái Lan (26/10) dù cả hai nước đều đã có Apple Store. 

Bên trong Apple Store tại Thái Lan. Ảnh: Hải Đăng

Trong khi đó, các cửa hàng xách tay vẫn có thể linh hoạt nhập hàng sớm hơn từ những thị trường khác để đáp ứng nhu cầu của khách hàng thay vì chờ đợi sự xuất hiện chậm chạp của hàng chính hãng. Như vậy, thị phần chính hãng của iPhone vốn đã nhỏ nay lại còn bị cạnh tranh nhiều hơn bởi hàng xách tay khiến Apple vơi dần hứng thú với việc mở Apple Store tại Việt Nam.

Tiếp theo, ta cần nhắc đến giá trị cốt lõi của Apple Store. Sự hiện diện của Apple Store ngay từ ban đầu chính là đóng vai trò cầu nối giúp nhà sản xuất quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, tạo kênh giao tiếp, tương tác, phục vụ khách hàng tốt hơn thay vì nhắm vào mục tiêu bán hàng, tăng doanh số và trực tiếp tranh giành “miếng bánh” doanh thu của các đối tác bán lẻ. 

Điều này thể hiện qua việc cho dù iPhone đã có mặt ở hàng trăm quốc gia nhưng số lượng quốc gia có sự hiện diện của Apple Store chỉ là 25 nước. Ở gần nước ta - trong khu vực Đông Nam Á - Apple Store chỉ mới có mặt ở Singapore và mới đây nhất là Thái Lan. 

Nếu Apple Store chỉ đóng vai trò quảng bá và gây ảnh hưởng tại Việt Nam thì có lẽ hãng táo không cần phải xây dựng một cửa hàng như vậy, chủ yếu để tối ưu chi phí.

Một minh chứng cụ thể, trong ngày 9/9  - trước thời điểm iPhone mới được giới thiệu - thì từ khóa có liên quan đến iPhone 11 đã đạt mức 100.000 lượt tìm kiếm (theo thống kê của Google Trends), trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều top 2 tại Việt Nam và số lượng tìm kiếm không ngừng gia tăng vào ngày tiếp theo. Công cụ thống kê của Google cũng xếp Việt Nam đứng đầu danh sách các nước có mức độ quan tâm đến iPhone 11 cao nhất thế giới (Mỹ đứng thứ 13). 

Điều này cho thấy ngay cả khi không quảng bá mạnh tại Việt Nam thì Apple đã tạo được ảnh hưởng quá lớn đến một bộ phận lớn người dùng ở đây. Do đó, việc mở một Apple Store tại đây không cần thiết, nếu xét về yếu tố quảng bá.

Dù vậy, vẫn có khả năng ngược lại rằng khi người Việt đã quá quan tâm đến iPhone như vậy sẽ có lúc Apple đặt tầm quan trọng của thị trường này ngang với các nước hàng đầu khác ở Đông Nam Á. Câu trả lời đang nằm ở phía trước...