Chỉ 5 ngày trước thềm WWDC 2016, Phó Chủ tịch phụ trách Tiếp thị toàn cầu Phill Schiller của Apple đã thông báo nhiều thay đổi lớn sẽ đến với kho ứng dụng App Store, trong đó, được quan tâm nhiều hơn cả là mô hình ăn chia lợi nhuận với nhà phát triển.

Trước đây tỉ lệ giữa Apple và lập trình viên là 30-70, duy trì trong suốt vòng đời sản phẩm. Tuy nhiên, theo quy định mới, mức ăn chia sẽ ưu tiên nhà phát triển kể từ năm thứ 2 trở đi. Cụ thể, tỉ lệ thay đổi thành 15-85, áp dụng cho tất cả các ứng dụng và thuê bao hiện có, không chỉ dành riêng cho ứng dụng mới, bắt đầu từ ngày 13/6 tới đây.

Đây chắc chắn là một tín hiệu tốt. Điều đó có nghĩa là các nhà phát triển của những ứng dụng bạn yêu thích, đặc biệt là các ứng dụng hỗ trợ hiệu suất và game, sẽ có thể kiếm ra nhiều tiền hơn, và đổi lại những ứng dụng đó sẽ rẻ hơn và trụ lại trên App Store lâu hơn.

Quảng cáo ứng dụng mới làm thứ khiến các nhà phát triển đau đầu. Apple từ nay sẽ cho phép những nhà phát triển trả tiền để đưa ứng dụng của mình lên đầu kết quả tìm kiếm. Một vài nhà phát triển lo ngại rằng những kết quả tìm kiếm được trả tiền sẽ chỉ giúp ích cho những nhà phát triển có túi tiền to, giống như Facebook mà thôi.

Đây là những thay đổi lớn nhất đối với App Store trong suốt nhiều năm qua. Những thay đổi này xuất hiện chỉ 7 tháng sau khi ông chủ mới, Phil Schiller, lên nắm quyền điều hành kho ứng dụng này. Thứ 4 vừa rồi (9/6), một báo cáo nghiên cứu đã tiết lộ, App Store hiện bị thống trị bởi Facebook và Snapchat, tổng số lượt tải ứng dụng trên toàn cầu giảm 3% so với cùng kỳ năm 2015. Tệ hơn nữa, trong tháng 5 vừa qua, 94% doanh thu kiếm được từ App Store đổ dồn vào 1% các nhà phát triển.

Thế nhưng vấn đề là những thay đổi vừa được Apple công bố cũng chẳng làm nên sự khác biệt lớn nào bởi các công ty vốn dĩ được xây dựng trên nền tảng web như Facebook và Amazon, đang dần dần làm suy yếu toàn bộ khái niệm về ứng dụng smartphone.

Vấn đề vẫn còn đó

Những thay đổi này là rất lớn nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề thường được gọi bằng cái tên “khả năng khám phá”. Không xử lý được vấn đề này, các mô hình thuê bao mới giống như chỉ khiến người giàu càng giàu thêm mà thôi.

Apple App Store có tổng cộng 1,5 triệu ứng dụng. Để được chú ý đến là một việc rất khó. Theo bài viết trên trang The Verge hồi tháng 3, chi phí marketing để một ứng dụng hấp dẫn được một người dùng dao động khoảng 4 - 16 USD. Rất khó để hòa vốn nếu bạn bán ứng dụng với giá 1 USD và thậm chí càng khó để tìm được người tải nếu bạn rao giá ứng dụng là 10 USD.

Đó là lý do vì sao thuê bao là một hướng đi tiềm năng, có thể khuấy đảo mọi thứ: Bạn sẽ không bị mất quá nhiều tiền để khởi đầu và sau đó theo thời gian số tiền bạn phải trả sẽ ít hơn một chút. Chi phí marketing sẽ được tự bù đắp.

Nhưng điều đó không thể thay đổi thực tế là bạn vẫn phải trả số tiền tương đương ngay từ đầu để sản phẩm của mình được chú ý. Dù kể cả Apple không buộc bạn phải bỏ tiền đầu tư để ứng dụng của mình dễ tìm kiếm hơn thì số tiền 4 - 16 USD vẫn là một khoản chi phí cố định cần thiết đối với các nhà phát triển ứng dụng.

Với số ít những người đủ may mắn được để mắt tới, đây là một cách tuyệt vời để kiếm về khoản doanh thu bền vững. Nhưng với những người còn lại, biến ứng dụng thành tiền vẫn là một chuyện khó khăn như trước kia.

Apple cho biết những quảng cáo tìm kiếm này sẽ giúp ứng dụng của các nhà phát triển dễ kết nối với người dùng hơn. Nhưng dường như chính sách này lại ưu tiên những nhà phát triển có khả năng bỏ tiền quảng cáo hơn những người làm ra các ứng dụng mà người sử dụng thực sự cần.

Trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Lauren Goode của trang The Verge, ông Schiller cho biết Apple có nhắc đến các tính năng có thể giúp những nhà phát triển nhỏ lấp được chỗ trống, bao gồm cả việc cho phép sử dụng bản dùng thử miễn phí của ứng dụng trong một thời gian ngắn thành bản đầy đủ. Thế nhưng, phía công ty vẫn chưa đưa ra bất cứ tuyên bố nào.

Hòn đá ngáng đường

Còn một vật cản lớn nữa trong vấn đề này, đó là các nhà phát triển ứng dụng ngày càng thận trọng khi chi tiền cho Apple, kể cả khi tỉ lệ ăn chia lợi nhuận có là 85-15 đi chăng nữa.

Một ví dụ điển hình của việc này là Amazon từ lâu đã không cho phép mua các nội dung kỹ thuật số như sách Kindle hoặc các bộ phim video trên Amazon từ điện thoại iPhone và iPad. Thay vào đó, Amazon buộc bạn phải sử dụng website để mua những nội dung đó, để Apple không được ăn chia chút lợi nhuận nào. Đó là lý do vì sao các dịch vụ như Spotify sẽ đắt hơn nếu bạn đăng ký thuê bao từ một chiếc iPhone (13 USD/tháng) so với đăng ký trên một chiếc PC hoặc Mac (9,99 USD/tháng). Các công ty này phải bù đắp vào chi phí ăn chia cho Apple để có thể đưa dịch vụ tới tay người dùng.

Nhờ làm như vậy, Apple kiếm được khoản lời lớn. Nhưng bạn cũng đừng quên rằng giả sử các nhà phát triển ứng dụng sử dụng những mô hình thuê bao dài hạn thì Apple thì vẫn kiếm được tiền cho dù phí thuê bao có thấp hơn. Thế nên, dẫu những thay đổi của App Store sẽ đem đến nhiều cơ hội mới cho các nhà phát triển thì ở bất cứ thị trường nào, kiếm tiền - động lực chính của Apple vẫn không hề thay đổi.

Khi các thiết bị như trợ lý ảo thông minh Amazon Echo hay trào lưu chatbot của Facebook Messenger xuất hiện và thay thế cho các mô hình kho ứng dụng di động hiện tại, Apple có thể cuối cùng sẽ phải đối mặt với tình thế hoặc là thay đổi lớn hơn nữa hoặc bị các nhà phát triển ứng dụng từ bỏ hệ điều hành của mình hoàn toàn.

Sự thay đổi này là dấu hiệu tốt, chứng tỏ Apple đang suy nghĩ đúng hướng, nhưng vẫn còn một chặng đường khá dài để xử lý được những yêu cầu và mong muốn của các nhà phát triển.