- “Chỉ công khai các ca dị ứng, còn các ca tai biến chết người thường bị né tránh”- GS.TS Phạm Mạnh Hùng nói.

Theo thống kê của Hội điều dưỡng Việt Nam, có 155 ca tai biến y khoa được báo cáo, nhưng số ca tai biến không được báo cáo lên tới 400 trường hợp.

Cắt nhầm chỗ, để quên gạc

Gần 20 năm trôi qua nhưng GS – TS khoa học Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam vẫn không thể nào quên được sự cố tai biến y khoa mà mình tai nghe, mắt thấy.

{keywords}

Để hạn chế xảy ra sai sót y khoa, các y bác sĩ không nên chủ quan, cần thường xuyên cập nhật, nâng cao kiến thức chuyên môn. Hình minh họa

Khi ấy, GS Hùng đang là Thứ trưởng Bộ Y tế. Trong bối cảnh HN và TP.HCM đã tiến hành được ghép thận, GS Hùng có trọng trách cùng hai GS bậc thầy khác giám sát, chỉ đạo, đem kỹ thuật ghép thận vào Bệnh viện Trung ương Huế.

Khi quả thận của người cho được bóc tách thành công, bác sĩ thực hiện việc lấy thận mặt mày tái mét vì cắt vào động mạch chủ của bệnh nhân.

“Nghe cắt vào động mạch chủ lập tức chân tôi khụy xuống. Người cho thận đang khỏe mạnh, bây giờ mà chết thì sự nghiệp ghép tạng của Việt Nam chấm hết. Bắc Triều Tiên triển khai ghép thận từ trước ta rất lâu (khoảng năm 1970) nhưng cũng vì người cho tạng chết nên từ đó tới nay nước này chưa làm thêm ca ghép thận nào”, GS Hùng nhớ lại.

Kiểm tra GS Hùng thấy máu phun từ động mạch chủ của bệnh nhân bắn lên tận trần nhà. GS phát hiện do lỗi chủ quan của bác sĩ. Trong y văn, trước khi lấy thận thì phẫu thuật viên phải lật quả thận lên rồi mới thao tác. Nhưng vị bác sĩ này lại để nguyên và cắt nên lẹm vào thành động mạch chủ.

Một tình huống sai sót y khoa khác cũng rất dễ xảy ra khi phẫu thuật cắt động mạch tử cung. Vì động mạch tử cung sờ cũng to như niệu quản, một số bác sĩ động mạch không cắt, lại đi cắt niệu quản của bệnh nhân. Chuyện bác sĩ để quên dụng cụ y khoa trong bụng bệnh nhân sau phẫu thuật cũng từng xảy ra.

"Đừng nghĩ ta ngang bằng thế giới"

Trong buổi làm việc với báo chí diễn ra ngày 19/10 tại TPHCM, GS Hùng cho rằng cần phải thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, bởi nếu che đậy các sai sót sẽ chỉ khiến tình trạng thêm trầm trọng.

Theo GS Hùng, tai biến y khoa xảy ra trước hết do nhiều bác sĩ chủ quan, tự  phụ: “Nhiều bác sĩ vừa ra trường cứ tưởng mình thế là giỏi. Ở các nước tiên tiến, muốn thành nghề bác sĩ phải học 9 năm mới ra nghề. Học như hệ đào tạo của ta mới chỉ tương đương cử nhân y khoa. Tôi không phủ nhận chúng ta có những đôi bàn tay vàng, nhưng đó chỉ là thiểu số. Đừng nhìn vào đó mà nghĩ ta đã ngang bằng về trình độ với thế giới”, GS Hùng nhận định.

GS Hùng dẫn chứng: tại các nước phát triển, nội soi là kỹ thuật phổ biến nhưng bác sĩ thực hiện kỹ thuật này phải là người mổ hở giỏi. Còn ở Việt Nam, nhiều nơi, bác sĩ phẫu thuật được đào tạo kỹ thuật có 6 tháng rồi mua máy về làm, nhỡ cắt trúng động mạch thì lúc đó làm thế nào?

Bên cạnh đó, các nguyên nhân về hệ thống xét nghiệm y khoa chưa được chuẩn hóa, mỗi bệnh viện một kiểu, điều kiện lao động của bác sĩ khắc nghiệt, căng thẳng (có những ca mổ kéo dài cả mười mấy tiếng đồng hồ) cũng là các nguyên nhân dẫn tới sai sót gây ra tai biến y khoa.

Thanh Huyền