Ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh - sinh viên (Bộ GD-ĐT) đã có những chia sẻ về điểm mới trong khen thưởng và kỷ luật học sinh được xây dựng trong dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Ông Linh cho hay, trong dự thảo thông tư lần này, Bộ GD-ĐT hướng đến việc khen thưởng học sinh phải tạo động lực cho người học trong việc đổi mới sáng tạo, tự đổi mới phương pháp học tập,...

Theo ông Linh, thời gian qua, việc khen thưởng tràn lan, thậm chí khen cho cả các học sinh khá được báo chí phản ảnh. Điều này cũng dẫn đến việc khen thưởng không còn nhiều ý nghĩa, học sinh không còn động lực trong việc cố gắng.

{keywords}
Ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD-ĐT). Ảnh: Thanh Hùng

Diện khen thưởng sẽ 'hẹp' hơn

Ông Linh nhấn mạnh, theo dự thảo thông tư mới, việc khen định kỳ của nhà trường sẽ chỉ được tổ chức vào dịp cuối năm, thay vì từng học kỳ như hiện nay.

Đối tượng được khen cũng sẽ “hẹp” hơn chỉ có các học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện đối với tiểu học; học sinh đạt danh hiệu Giỏi đối với THCS và THPT.

“Như vậy đối tượng “theo từng mặt”, hay đạt kết quả học lực khá và hạnh kiểm khá sẽ không nằm trong diện được tặng giấy khen. Qua đó, không xảy ra hiện tượng khen tràn lan và các học sinh được khen mà kể cả các em chưa được khen đều có thêm động lực phấn đấu”, ông Linh nói.

Theo ông Linh, đối với việc khen thưởng, học sinh phải thực sự vượt trội, phải có sự tiến bộ, kết quả đối với một phẩm chất nào đó.  

Hoặc có thành tích xuất sắc, đột xuất thì được hiệu trưởng nhà trường tặng giấy khen. “Ví dụ học sinh cõng bạn đến trường, cứu người đuối nước, nhặt được của rơi trả lại người đánh mất,... thì hiệu trưởng nhà trường có thể tặng giấy khen. Hoặc kết quả môn học nào đó của học sinh vượt trội năm này so với năm ngoái. Như vậy, chúng tôi tin rằng việc khen thưởng sẽ không thể diễn ra tràn lan như trước được”, ông Linh nói.

{keywords}
Ảnh minh họa:Thanh Hùng

Khuyến khích khen thường xuyên

Tuy nhiên, theo ông Linh, dự thảo thông tư này chỉ hạn chế việc tặng giấy khen định kỳ cuối năm học của hiệu trưởng, chứ không hạn chế các hình thức khen thưởng khác. Ngược lại, Bộ rất khuyến khích việc khen thường xuyên và đặc biệt nhấn mạnh cần kịp thời khen ngợi, biểu dương học sinh trước lớp, trước toàn trường khi các em có kết quả học tập, rèn luyện hay việc làm tốt, dù là nhỏ.

"Với các hình thức khen này, sẽ do hiệu trưởng và hội đồng nhà trường, giáo viên và phụ huynh chủ động thực hiện. Ví dụ như hình thức thư khen thì hiệu trưởng hoặc giáo viên có thể thực hiện trong quá trình học tập; hoặc giáo viên khen động viên trong lớp đối với học sinh,...”.

{keywords}
 

Bà Nguyễn Hồng Thuận, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý học và Giáo dục học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho hay, dự thảo xây dựng theo hướng tiếp cận mới của chương trình phổ thông mới. Việc khen thưởng thể hiện rõ tính cá nhân hóa, cụ thể là sự phát triển của từng học sinh.

“Tinh thần là việc khen thưởng cần kịp thời hơn để tạo động lực, do đó việc khen thưởng định kỳ cuối năm học sẽ được hạn chế hơn. Thay vào đó sẽ có những hình thức động viên, khen thưởng thường xuyên". 

Dự thảo thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông mà Bộ GD-ĐT vừa giới thiệu quy định về việc tặng giấy khen như sau:

1. Cuối năm học, hiệu trưởng nhà trường sẽ xem xét tặng giấy khen cho học sinh đảm bảo điều kiện một trong các điều kiện:

- Học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện (đối với cấp tiểu học), học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi (đối với cấp THCS, THPT).
- Học sinh có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc về ít nhất một môn học hoặc năng lực, phẩm chất; học sinh có nhiều đóng góp cho tập thể lớp, nhà trường và công tác Đoàn, Đội được giáo viên chủ nhiệm giới thiệu và tập thể lớp công nhận.

2. Học sinh có thành tích xuất sắc, đột xuất được hiệu trưởng nhà trường xem xét tặng giấy khen hoặc đề nghị các cơ quan, tổ chức khác xem xét, khen thưởng theo thẩm quyền.
3. Căn cứ quy chế chi tiêu nội bộ của nhà trường, Hiệu trưởng quy định mức thưởng (bằng tiền hoặc vật chất tương đương) kèm theo giấy khen đối với từng thành tích cụ thể đạt được của học sinh.

Thanh Hùng

Bộ GD-ĐT lý giải việc bỏ quy định đuổi học sau hơn 30 năm

Bộ GD-ĐT lý giải việc bỏ quy định đuổi học sau hơn 30 năm

Theo dự thảo thông tư mới đang xây dựng, Bộ GD-ĐT dự kiến bỏ hình thức kỷ luật đuổi học 1 năm đối với học sinh. Thay vào đó, mức kỷ luật cao nhất đối với học sinh mắc khuyết điểm là “tạm dừng học tập trên lớp".

Sẽ không còn chuyện phê bình học sinh trước lớp

Sẽ không còn chuyện phê bình học sinh trước lớp

Bộ GD-ĐT vừa giới thiệu dự thảo thông tư quy định về khen thưởng và kỉ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông, dự kiến thay thế thông tư 08 do Bộ này ban hành từ năm 1988.