Muối rất cần thiết cho cơ thể con người và bộ não chúng ta được lập trình để cảm thấy "thèm" khoáng chất này. Tuy nhiên, khi lỡ tay bỏ cả vốc muối vào nồi canh, bữa tối của chúng ta coi như "đi tong" vì lưỡi không chịu nổi độ mặn quá mức.
Như vậy, chắc chắn có thứ gì đó đang diễn ra trong bộ não, ngăn cản chúng ta hấp thu quá mức chất khoáng thiết yếu này.
Cơ thể chúng ta sử dụng muối (natri clorua) để điều phối các chất dịch và tạo ra các xung thần kinh. Song, không giống các khoáng chất thiết yếu khác, chẳng hạn như canxi (chất chúng ta tích trữ trong xương), chúng ta không thể cất trữ muối cho sử dụng về sau.
Muối cho vào thực phẩm khiến món ăn thêm đậm đà. Tuy nhiên, chỉ mình vị mặn không thể lý giải đầy đủ sự ám ảnh của chúng ta với muối. Theo Viện khoa học quốc gia Mỹ, natri clorua còn đóng vai trò như một thứ gia vị "cải thiện cảm nhận về tình trạng sền sệt của sản phẩm, tăng cường vị ngọt, che giấu các biểu hiện hóa chất hoặc kim loại và lấp đầy hương vị tổng thể, đồng thời cải thiện độ mạnh của hương vị".
Tuy nhiên, quá nhiều muối chắc chắn không tốt cho con người. Uống nước biển thường xuyên sẽ giết chết chúng ta và một chế độ dinh dưỡng lâu dài chứa nhiều muối cũng đã được phát hiện có liên quan đến bệnh tim, đột quỵ và áp huyết cao. Hấp thu quá nhiều natri clorua cũng tạo gánh nặng lên các quả thận của chúng ta và có thể dẫn đến bệnh sỏi thận.
May mắn là, cơ thể của chúng ta có một cơ chế ngăn cản chúng ta ăn quá nhiều muối một lúc.
Theo lí giải của các chuyên gia, 2 trong 5 hương vị cơ bản đối với con người - vị ngọt và vị umami (vị ngọt của protein) - gây cảm giác thèm ăn, đồng nghĩa với việc chúng có thể gia tăng cảm giác thèm của chúng ta với những thực phẩm giàu calo như quả ngọt hoặc thịt thơm ngon. Hai hương vị khác - vị đắng và vị chua - nhìn chung gây cảm giác khó chịu và ngăn cản chúng ta ăn những loại cây, con độc hại.
Muối đặc biệt ở điểm nó có thể kích hoạt các phản ứng cả thèm ăn và khó chịu, phụ thuộc vào lượng muối chúng ta hấp thu. Chẳng hạn như, một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Nature phát hiện, lượng muối cao xâm chiếm các cảm thụ quan về vị đắng và chua, khiến thực phẩm chứa nhiều muối có hương vị khó chịu.
Cũng giống như nhiều cảm nhận hương vị khác, tình yêu với muối giúp chúng ta vượt qua sự khan hiếm tự nhiên của khoáng chất này trên cạn. Song, không giống xu hướng phàm ăn thực phẩm ngọt và béo của chúng ta thời hiện đại, việc "ghiền" muối của đại đa số mọi người còn bị xu hướng ghét mặn quá mức kiềm chế.
Tuấn Anh (Theo Tech Insider)