Cú sút luân lưu thành công đưa Việt Nam lọt vào top 8 đội mạnh nhất châu Á giống như một cơn địa chấn. Từ những diễn viên hàng đầu Hàn Quốc cho tới cựu danh thủ đội tuyển Pháp, Yohan Cabaye cũng đã dành ra một post trên mạng xã hội của họ để nhắc tới Việt Nam.
Hiệu ứng ấy càng trở nên đặc biệt với những người Việt đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản – đất nước sẽ trở thành chướng ngại tiếp theo trên hành trình viết sử của bóng đá Việt Nam tại sân chơi Asian Cup.
Người Nhật thờ ơ với Asian Cup
Trong cơn phấn khích, tôi nhắn tin cho tất cả người bạn Nhật với ý định tạo ra một buổi xem bóng đá đáng nhớ. Còn trải nghiệm nào tuyệt vời hơn khi những CĐV Việt Nam xa tổ quốc được xem trận tứ kết lịch sử với ĐT Nhật Bản ngay trên đất Nhật Bản.
Trở lại một chút với ngày ĐT Việt Nam đăng quang tại AFF Cup hồi tháng 12 vừa qua. Ngày hôm sau, tôi mang tất cả hình ảnh và video ăn mừng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh khoe với anh bạn Takahashi một cách đầy tự hào. “Thấy gì không anh bạn, người Việt chúng tôi yêu bóng đá vô cùng”.
Người Nhật ăn mừng tưng bừng ở Shibuya sau khi lọt vào knock-out World Cup, nhưng Asian Cup thì họ gần như không để tâm. |
Takahashi hí hoáy một chút với chiếc điện thoại rồi cũng “phản đòn” bằng hình ảnh hàng nghìn người Nhật lấp kín ngã 6 huyền thoại Shibuya (Tokyo) sau khi Samurai xanh hạ Ba Lan để lọt vào vòng knock-out World Cup 2018. “Trận đấu kết thúc lúc 1h sáng (giờ Nhật), nhưng Tokyo vẫn nổ tung trong bữa tiệc ăn mừng”, Takahashi nói. Vậy còn gì tuyệt vời hơn khi chúng ta cùng xem bóng đá.
Nhưng kế hoạch “set up” một buổi xem bóng đá của tôi đã tan thành mây khói. Cậu sinh viên tên Kubotera là người đầu tiên trả lời: “Asian Cup? Là giải đấu nào nhỉ?”. Những câu trả lời sau đó cũng không có gì khác biệt là mấy.
Câu trả lời có tính chuyên môn cao nhất mà tôi nhận được là: “Nhật Bản tại giải lần này chơi bóng đá quá buồn ngủ. Tôi thà xem giải điền kinh còn hơn. Với ĐT Nhật thế này, các bạn có thể chiến thắng đấy”.
Quyết không để kế hoạch xem trận tứ kết cùng người Nhật đổ bể lãng xẹt, tôi cố gắng tìm hiểu sâu hơn về chuyện tại sao Asian Cup 2019 – giải đấu được ví như VCK EURO của châu Á – lại trở thành một mảng khuyết về kiến thức của người Nhật như vậy.
Cổ vũ bóng chày mới là văn hóa thịnh hành ở Nhật Bản |
Và kết quả là: về cơ bản thì ngoại trừ thủ đô Tokyo – nơi có sự giao thao mãnh liệt giữa văn hóa Nhật và văn hóa nước ngoài – các vùng miền khác ở Nhật Bản vẫn chỉ dành một tình yêu rất khiêm tốn cho bóng đá. Với họ, bóng chày mới là môn thể thao số 1. Theo kết quả thống kê từ trang Statista, số lượng người Nhật là fan bóng chày lên tới 44,91 triệu người vào năm 2015, trong khi đó số lượng người nhận mình là fan bóng đá chỉ khoảng 10,9 triệu người.
Với người Nhật, World Cup quả là một sự kiện lớn, nhưng Asian Cup thì không. Có thể nói, trong khi người Việt xem bóng đá vì tình yêu mãnh liệt với các chiến binh áo đỏ thì một bộ phận người Nhật dõi theo các Samurai xanh đơn giản chỉ vì tinh thần dân tộc.
Asian Cup khiêm tốn cả trên mặt báo
Smartnews là ứng dụng đọc báo phổ biến nhất ở Nhật. Tuy nhiên, thông tin về Asian Cup và trận đấu tiếp theo gặp ĐT Việt Nam lại chỉ chìm nghỉm trong biển thông tin thể thao tại xứ sở mặt trời mọc.
Truy cập vào mục Thể thao trên Smartnews vào 12h06 phút (giờ Nhật Bản), tức hơn chục tiếng sau trận đấu với Saudi Arabia, mới thấy lọt thỏm một bài viết về Asian Cup. Tôi lập tức bị hút vào mẩu tin được đặt trên đầu trang khi nhìn thấy hình ảnh ông Park Hang-seo được đặt cạnh HLV trưởng ĐT Nhật Bản, Hajime Moriyasu.
Hơn chục tiếng sau trận đấu với Saudi Arabia, Smartnews của Nhật mới xuất hiện đúng 1 tin về Asian Cup. |
Tuy nhiên, nội dung bài viết gần như không đả động gì tới ĐT Việt Nam. Thay vào đó, tác giả lại xoáy khá sâu vào chuyện “Đây là một trận đấu khác giữa Nhật Bản và… Hàn Quốc”. Tác giả này viết rằng, nhờ “chỉ huy Park mà Việt Nam sẽ nhận được sự cổ vũ từ người Hàn Quốc, tạo nên một trận chiến khác giữa Hàn Quốc và Nhật Bản (Another Japan-Korea Battle)”.
Có một chi tiết là những trang đưa tin về Asian Cup ở Nhật (như Gunosy, Soccerdigest, Yahoo News, Football Zone, Sportnavi…) đa phần bị coi là những trang web “lá cải”, có lượng độc giả thường xuyên khá thấp. Yahoo News là trang web có lượng khán giả tốt nhất. Ngay cả khi tìm kiếm thông tin về Asian Cup trên Google Nhật Bản, chúng ta có 5,3 triệu kết quả. Trong khi đó với từ khóa “Japanese Baseball League”, số lượng kết quả lên tới… 81 triệu.
CĐV của chúng ta ăn đứt đối thủ về độ máu lửa |
Có thể nói, nếu xét về chất lượng của “cầu thủ thứ 12”, Việt Nam đang vượt trội hoàn toàn so với đối thủ. Ngọn lửa hừng hực mà người hâm mộ và truyền thông nước nhà truyền tới cho thày trò Park Hang-seo có thể coi là một liều kháng sinh cực mạnh xua tan đi sự mệt mỏi sau một chặng đường dài.
Chúng ta có thể thua ĐT Nhật Bản về đẳng cấp và chất lượng cầu thủ. Nhưng riêng về yếu tố tinh thần, chúng ta đang dẫn trước đối thủ 1-0.