- Tình yêu, sự hâm mộ không bao giờ sai. Đó là một khái niệm hoàn toàn cá nhân và mang tính cá nhân tuyệt đối. Nhưng sự phẫn nộ của người nghe với thế giới giải trí chính là việc đẩy tên tuổi người nổi tiếng lên bằng mối quan hệ và sức ảnh hưởng của tiền bạc, cố tình khiến người ngoài nhìn vào lầm tưởng nó xuất phát từ sự hâm mộ thực sự, độ "hot" thực sự, và tình yêu.

Tương tự như vụ việc Thanh Lam nhận định về khả năng trên chiếc ghế HLV The Voice, lần này, khi nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đưa ra quan điểm của mình về năng lực chuyên môn của Đàm Vĩnh Hưng, thì lượng khán giả không nhỏ của anh lại tiếp tục trở trành một câu đố đầy thách thức. Mà đúng là Đàm Vĩnh Hưng có nhiều người hâm mộ.

{keywords}


Tại sao Đàm Vĩnh Hưng có nhiều fan?

Hâm mộ Đàm Vĩnh Hưng ngoài người nghe nhạc thông thường còn có cả những người hoạt động trong giới giải trí (như người mẫu, ca sĩ, diễn viên...) và giới truyền thông, báo chí. Là người hiểu sâu về mối liên hệ truyền thông - ca sĩ - khán giả, Đàm Vĩnh Hưng biết cách vận dụng nó một cách nhuần nhuyễn, thúc đẩy sự nổi tiếng của mình.

Đàm Vĩnh Hưng yêu chiều người hâm mộ hết mực, không chỉ bằng lời nói, ánh mắt, nụ cười, những bài hát có phần tận hiến trong khả năng của anh. Anh còn chăm sóc họ từ những việc nhỏ như cắt tóc, nấu ăn, hỏi han, động viên, có mặt khi cần thiết. Đàm Vĩnh Hưng cũng là một người nhiệt tình với các hoạt động thiện nguyện, chịu khó xắn tay giúp đỡ khi cần. Dù một người ghét nhạc Đàm Vĩnh Hưng, nhưng nếu gặp Đàm Vĩnh Hưng ngoài đời bằng thái độ vô tư, có lẽ sự yêu chiều của anh sẽ khiến người đó mềm lòng. Đàm Vĩnh Hưng không tiếc công sức và tiền bạc với hào quang của tình yêu.

Vì thế, khán giả hô ứng xung quanh Đàm Vĩnh Hưng cũng từ tập hợp của nhiều nguyên do như đã nói. Có những người hâm mộ Đàm Vĩnh Hưng một cách hoàn toàn trong sáng, vô vị lợi, vì ưu điểm mà bỏ qua nhược điểm; có những người ở bên cạnh Đàm Vĩnh Hưng ngoài tình cảm còn thêm sự gắn kết về quyền lực truyền thông, tính ekip và lợi ích trong thế giới giải trí.

Tình yêu, sự tận tình và chăm sóc bằng nhiều cách là vũ khí không bí mật, nhưng hiệu quả và không phải ai cũng làm được của Đàm Vĩnh Hưng. Và Đàm Vĩnh Hưng là một trong những người làm điều đó giỏi nhất với cộng đồng khán giả của mình.

Nhưng khi truyền thông "không giữ mình"

Lý do cho sự nổi lên trên mặt báo của cái tên Đàm Vĩnh Hưng hay một số người nổi tiếng khác, ngoài thực lực trên sân khấu và ứng xử ngoài đời, ngoài chiêu trò thu hút đám đông vốn vẫn thuộc về thế giới giải trí, còn một tỉ lệ "đen" chưa xác định xuất phát từ sự vị lợi qua lại giữa giới truyền thông và giải trí. Hay chính xác hơn là sự "không giữ mình" của giới truyền thông. 

Có thể nói phần lớn người làm báo ở showbiz Việt đang bị cám dỗ ghê gớm bởi hai điều: quan hệ gần gũi với người nổi tiếng và khả năng kiếm tiền từ người nổi tiếng. 

Mối quan hệ gần gũi giữa nhà báo - người nổi tiếng được mặc định chỉ là vui vẻ, thân tình, dễ tiếp cận nguồn tin nhưng thực chất tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tạo ra sự thiếu khách quan và không công bằng khi lựa chọn tin, cung cấp thông tin cho độc giả. Những cây bút bị phụ thuộc vào kiểu này sẽ không đưa ra bất cứ thông tin bất lợi nào cũng như thường ưu tiên tin bài cho các ngôi sao giải trí thân quen.

Sự vi phạm nguyên tắc khách quan và trung thực trong nghề nghiệp còn tiếp tục khi phóng viên bị tiền bạc cám dỗ hàng ngày. Công nghệ truyền thông showbiz đã phát triển và vô cùng yêu chiều nhà báo. Phong bì trong sự kiện đã trở thành tất yếu, hình thành nên một nếp nghĩ phổ biến của cả người đưa tiền lẫn người nhận tiền. Dù chỉ là vài trăm ngàn cảm ơn cho mỗi lần tin bài được lên, nhưng với tần suất dày đặc của hoạt động giải trí, việc phóng viên cố đi tham dự hết sự kiện này đến sự kiện khác để lấy phong bì, không đủ thời gian nên làm việc một cách nông cạn cũng là điều dễ hiểu. 

{keywords}

Chỉ cần nhìn vào bài viết, nó sẽ phản ánh được khả năng phóng viên đó có sức chống lại được sự cám dỗ của đồng tiền hay không? Bài viết nông hay sâu, câu chữ trên đó có giống câu chữ bài viết khác trên nhiều tờ báo khác hay không?

Bởi sau sự kiện, dù phóng viên không có mặt tại hiện trường, nhân viên truyền thông chuyên nghiệp (thường thì cũng chính là nhà báo chuyên nghiệp) cũng sẽ gửi hình ảnh và cả nội dung chi tiết (tất nhiên bình luận nếu có thì chỉ toàn lời khen) tới danh sách thư điện tử của các nhà báo giải trí. 

Thay vì sử dụng nó như một nguồn tin riêng lẻ mang tính tham khảo và buộc phải thẩm định lại nếu cần thiết theo đúng quy tắc nghề nghiệp - thì phóng viên có thể sử dụng ngay phần lớn nội dung có sẵn, giật tít và làm thành bài viết của mình. Như thế, không thiếu những thông tin về show diễn hay album được tung lên các trang tin/báo hiện nay đã không hề có sự thẩm định/quan sát từ người chịu trách nhiệm kí tên trên bài viết. Có những sản phẩm không hề được nghe qua, xem qua, nhưng vẫn được khen một cách hồn nhiên trước hàng ngàn bạn đọc. Và tin bài cứ xuất hiện trên trang báo là tiền từ ca sĩ được chuyển vào tài khoản phóng viên. Một phương pháp tốn rất ít công sức, không gia tăng giá trị lao động từ cá nhân, tạo ra thông tin ảo như thể góc nhìn riêng của tờ báo, và phóng viên thu về một khoản tiền dễ dãi từ hai phía: ca sĩ và tòa soạn. 

Đó là chưa kể những điều như: có những ca sĩ đang thực sự trả lương cho người cầm bút trong lĩnh vực giải trí trên báo chí, và truyền thông mạng (vốn đang miễn phí) đôi khi phải đi theo hiệu ứng đám đông để tồn tại. 

Mà ở hiệu ứng đám đông này, Đàm Vĩnh Hưng là người khéo léo hơn nhiều ca sĩ thị trường khác, chịu hy sinh cuộc sống cá nhân hơn. Theo nhận định của một số người, anh biết cách chủ động "tặng" cho truyền thông showbiz những câu chuyện, những câu trả lời phỏng vấn có thể giúp giật tít câu view. Đó là có lẽ là một trong những cách đặc biệt, mang màu sắc riêng của Đàm Vĩnh Hưng, đã khiến cho "mối duyên" của quan hệ hai bên bền vững đến bây giờ.

Trong lúc đó, trên truyền thông thiếu vắng hẳn một đội ngũ phê bình nhạc chuyên nghiệp, công tâm, khách quan để nói về chất lượng hay dở của mỗi thể loại/sản phẩm âm nhạc.

Cứ thế, ngày qua ngày, với những cây bút đã đánh mất sự tự chủ của chính mình, họ đã cố tình để độc giả nuôi dưỡng tình yêu với thần tượng bằng những thông tin không còn thuần khiết. Cuộc chạy đua "phong trào hâm mộ" cứ thế được nhân lên mà không hề có ai cảnh báo bởi nó không phải là những nguy cơ hiển hiện trước mắt như đổ tiền vào chứng khoán hay nuôi ốc bươu vàng. Chỉ có những người am hiểu âm nhạc thực sự là "bức xúc" vì cả một thế hệ trẻ đang mất đi quyền được nghe, hưởng thụ, tìm hiểu âm nhạc theo đúng nghĩa.


Kết

Năng lực ca hát của Đàm Vĩnh Hưng vốn là của Đàm Vĩnh Hưng. Khán giả yêu thích Đàm Vĩnh Hưng cũng thuộc về không gian đó. Thực ra, một người như Đàm Vĩnh Hưng có khả năng xoay chuyển toàn bộ thẩm mĩ đại chúng không? Điều đó lại phụ thuộc nhiều hơn vào giới truyền thông xung quanh anh và hiệu ứng đám đông của người nghe nhạc.

Trở lại câu chuyện về khởi nguồn cho những cuộc tranh cãi; mỗi người có thể không chia sẻ được cùng nhau một hệ thống thang giá trị về chuẩn mực cao thấp trong nghệ thuật hay giải trí, nhưng cộng đồng có thể chia sẻ một giá trị về sự trong sạch, khả năng biết tôn trọng người khác và không để đồng tiền vấy bẩn chức năng nghề nghiệp của mình.

Vân Sam