Là một thẩm phán trẻ ở vùng tây nam kém phát triển của Trung Quốc, Li Ting đã vô cùng bất ngờ khi được biết nhiều cặp vợ chồng lao động di cư đang cố gắng kết thúc cuộc hôn nhân của mình.

TIN BÀI KHÁC:

Cuộc sống ở thành phố lớn là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự đỗ vỡ trong hôn nhân của lao động di cư. (Ảnh minh họa: Xinhuanet)

"Tôi nhớ chỉ trong vòng một tuần đã có 26 trong số 28 cặp vợ chồng, những người tới tòa làm đơn ly hôn, là lao động di cư"-Li, một thẩm phán mới ra trường tại Tiandeng, khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây cho biết.

Sau khi trao đổi với các thẩm phán tới từ những tòa án khác, Li nhận thấy rằng những gì mà cô chứng kiến không phải là hiện tượng hiếm.

Theo một thẩm phán tới từ Guangyang, số lượng các vụ ly hôn liên quan tới các cặp vợ chồng trẻ từ nông thôn lên thành phố mà tòa án của anh tiếp nhận đã tăng lên gấp ba lần từ năm 2007-2010.

Tiandeng, một huyện với hơn 400.000 cư dân, có tới 1/4 trong số đó bỏ nhà lên thành phố kiếm việc.

Trong một thời gian dài, sự gia tăng dân số bị đổ lỗi là nguyên nhân chính dẫn tới các cuộc hôn nhân thất bại tại những khu vực nghèo khó của Trung Quốc, những nơi mà ly hôn từng bị coi là hiện tượng hiếm do những giá trị truyền thống thâm căn cố đế, Sun Xiaoying, một chuyên gia tới từ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Quảng Tây cho biết.

Bà Sun giải thích rằng nhiều trường hợp, chỉ có chồng lên thành phố làm việc, trong khi vợ phải ở nhà để chăm sóc cha mẹ và con cái.

Một cuộc điều tra gần đây của Ủy ban cách mạng Quảng Đông cho thấy gần 70% vợ của những lao động ngoại tỉnh ở phía nam tỉnh Quảng Đông có vấn đề về tâm lý.

Cũng theo nghiên cứu này, hiện có khoảng 4 triệu phụ nữ có chồng đi lên thành phố kiếm ăn và 50,6% nói rằng họ cảm thấy lo lắng thường trực và 39% thậm chí còn rơi vào tình trạng chán nản.

Với một người ở nhà và cảm thấy cô đơn, trong khi người kia đang háo hức với cuộc sống mới ở thành phố, hôn nhân có thể dễ dàng đổ vỡ, Sun nói.

Cũng có một vài trường hợp chị em phụ nữ thay đổi số phận của mình bằng cách bỏ lại sau lưng cuộc sống quá khứ và bỏ người chồng của mình sau khi họ đã trải qua cuộc sống ở những thành phố lớn.

"Môi trường khiến con người thay đổi"-Sun nói. "Nếu như một người mẹ rời khỏi nhà để có cuộc sống tốt hơn thì điều đó thực sự tồi tệ đối với những đứa trẻ."

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc và tâm lý tự do, con người bây giờ đòi hỏi nhiều hơn trong hôn nhân và khi một mối quan hệ bị phá vỡ, họ sẽ thích ly dị hơn là cố "ngậm bồ hòn làm ngọt" như những thế hệ trước.

Không giống như thời xưa, ly dị là một điều gì đó thật khủng khiếp và mọi người sẽ không ủng hộ nếu như bạn chọn cách ly dị, Sun nói.

Năm 2011, có hơn 2,1 triệu cặp vợ chồng tại Trung Quốc đã quyết định kết thúc cuộc hôn nhân của họ, một sự đột biến lớn so với năm 2003 với 1,33 triệu cặp ly hôn.

Tứ Xuyên, một tỉnh xuất khẩu lao động lớn, cũng là địa phương có nhiều đôi vợ chồng ly dị nhất vào năm ngoái.

Trong khi đó, những người mai mối vẫn giữ một vai trò lớn trong chuyện hôn nhân ở nông thôn Trung Quốc. Dưới sức ép của gia đình, những người trẻ tuổi dường như có thể gắn kết với nhau trước khi có một mối quan hệ thật sự vững chắc-đây cũng là một nguy cơ tiềm ẩn dẫn tới sự thất bại của các cuộc hôn nhân.

Li Ting cho biết các thẩm phán đặc biệt quan tâm khi nghe tới các trường hợp ly hôn của lao động ngoại tỉnh. Họ luôn cố gắng giúp những người này giải quyết vấn đề ổn thỏa và thuyết phục họ không nên kết thúc cuộc hôn nhân của mình một cách quá dễ dàng.

Sun Xiaoying đề nghị rằng chính quyền và các cơ quan, doanh nghiệp nên quan tâm nhiều hơn tới lao động di cư như cho họ nhiều kỳ nghỉ hơn và tạo ra nhiều cơ hội để các cặp vợ chồng có thời gian đoàn tụ.

Sầm Hoa (Theo China Daily)