Với việc mua lại Motorola với giá 2,9 tỷ USD từ Google, nhà sản xuất máy tính hàng đầu thế giới tỏ ra thực sự nghiêm túc về thị trường điện thoại. Tuy nhiên, xét đến mảng điện thoại đang “phất” tại châu Á và mảng máy tính lợi nhuận hơn, nhiều người băn khoăn vì sao công ty này lại muốn mua Motorola Mobility đang gặp trắc trở về tiền bạc. Dù vậy, tại một hội thảo, Tổng Giám đốc Lenovo Yang Yuanqing chia sẻ ông tin rằng với đầu tư đúng mức, Motorola có thể bán được tới 100 triệu điện thoại mỗi năm. Mục tiêu có vẻ xa vời song có 5 lý do khiến chúng ta nên tin tưởng mối lương duyên giữa hai hãng công nghệ Mỹ - Á có thể kết quả.

1. Motorola được Lenovo “cưng chiều” hơn

“Mẹ kế” của Motorola dường như tốt hơn hẳn Google. Khi Google mua lại Motorola năm 2011, lý do chính là vì kho bằng sáng chế đồ sộ của hãng điện thoại, phần lớn tài sản này Google sẽ giữ lại dù đã “bán con” cho Lenovo.

Trong chưa đầy 2 năm tiếp quản, Google đã sa thải hàng ngàn nhân công, năm 2013, Giám đốc tài chính Google còn nhận xét thẳng thừng sản phẩm của Motorola thiếu nhân tố bất ngờ cần thiết để thành công. Tệ hơn, Google chọn LG là đối tác phần cứng sản xuất Nexus thay vì dùng công ty mình đang có.

Việc Google sở hữu Motorola cũng là “gai trong mắt” đồng minh Android như Samsung, HTC, LG, Sony. Nếu đặt quá nhiều nguồn lực vào Motorola, đối tác của Google hẳn không thể vui, kéo theo nguy cơ đổ vỡ của cả nền tảng Android.

Tuy nhiên, với Lenovo, Motorola hoàn toàn có cơ hội xỏ chân vào đôi giày đỏ và trở thành con cưng của tập đoàn Trung Quốc. Tổng Giám đốc Yuanqing cho biết sẽ đối xử với Motorola như mảng ThinkPad của IBM mà hãng mua lại năm 2005. Ngày nay, Lenovo đang là nhà sản xuất máy tính hàng đầu thế giới bất chấp thị trường ngày càng bấp bênh.

2. Lenovo có được phân phối tại Bắc, Nam Mỹ

Lenovo đang bán điện thoại Android tại Trung Quốc từ vài năm nay song không gặt hái được thành công tại thị trường nước ngoài. Tại Mỹ, rất khó để tạo quan hệ với nhà mạng và nếu không được 4 ông lớn viễn thông để mắt, sản phẩm dù tốt tới đâu cũng dễ chìm nghỉm. Trong khi đó, Motorola lại đã bán thiết bị thông qua tất cả các nhà mạng lớn tại Mỹ, thậm chí còn có quan hệ phân phối bền chặt tại Canada và Mỹ Latinh.

Lenovo có ý định tiếp tục sử dụng và xây dựng thương hiệu Motorola tại các thị trường này thay vì thay thế mảng điện thoại hiện tại của Lenovo. Như vậy, gần như ngay lập tức, Lenovo đã đặt được một chân vào thị trường smartphone Mỹ, dễ dàng hơn nhiều so với đối thủ cùng quê như ZTE và Huawei.

3. “Sát thủ” BlackBerry?

ThinkPad là nhãn hiệu có tiếng trong giới doanh nghiệp, nhiều công ty lớn trang bị cho nhân viên các sản phẩm của Lenovo. Thêm smartphone vào danh mục sản phẩm cho phép công ty cung cấp gói sản phẩm hoàn chỉnh cho khách hàng doanh nghiệp, đối tượng đang dần bỏ chạy khỏi nền tảng BlackBerry.

Dù đang xu hướng mang thiết bị cá nhân thay vì thiết bị doanh nghiệp phát đến nơi làm việc, các doanh nghiệp đi theo con đường truyền thống chắc chắn sẽ chào đón giải pháp trọn bộ từ A đến Z. Cả Dell và HP đều từng thử bán điện thoại kèm theo gói doanh nghiệp nhưng thất bại, song không hãng nào có được trợ lực tốt như Motorola với Lenovo.

4. Bảo vệ bản quyền

Theo Tổng Giám đốc Lenovo, thương vụ mua lại Motorola cho phép công ty sử dụng chéo 2.000 bằng sáng chế Google. Để sống được tại Mỹ, Lenovo cần có bằng sáng chế để bảo vệ khỏi các vụ kiện từ đối thủ như Apple.

5. Danh mục sản phẩm mạnh

Truyền thống nghiên cứu và phát triển của Motorola đặc biệt phù hợp với Lenovo. Thực tế, Motorola luôn được đánh giá cao ở sản phẩm sáng tạo, độc đáo và chất lượng. Điện thoại Moto X mới nhất là thiết bị đầu tiên mang đến điều khiển giọng nói không chạm và thiết kế tùy chỉnh linh hoạt; mẫu Droid RAZR Maxx lại là một trong những điện thoại “pin trâu” nhất thế giới trong khi Moto G lại là thiết bị giá rẻ lý tưởng.

Điều gì sẽ xảy ra khi các nhà thiết kế tại Lenovo làm việc cùng đồng nghiệp tại Motorola? Chúng ta có thể có được mẫu điện thoại ThinkPad mang âm hưởng doanh nghiệp từ Lenovo và sự bền bỉ, pin khỏe, hệ điều hành Android sạch sẽ từ Motorola.

Triển vọng

Trong họp báo, Tổng Giám đốc Lenovo còn lúng túng khi phải trả lời câu hỏi sự kết hợp giữa Motorola và Lenovo cạnh tranh như thế nào đến Apple, Samsung. Ông chỉ nhắc đến quy mô và khả năng cung ứng linh kiện để hạ giá thành sản phẩm. Điều đó chắc chắn chưa đủ để hạ gục thế lưỡng quyền trên thị trường smartphone của hai đại gia kể trên. Tuy nhiên, với các lý do trên đây, cuộc hôn nhân giữa Lenovo và Motorola có xu hướng kết thành “quả ngọt”.