Theo Bloomberg, khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc, anh David Yang - 23 tuổi - bị mắc kẹt ở nhà và không thể tham gia các buổi phỏng vấn tại những trung tâm công nghệ của Trung Quốc.
"Bạn vẫn nghĩ rằng tương lai của mình sẽ rất tươi sáng, cho đến khi bạn bị cấm rời khỏi nhà, và tất cả công việc đều biến mất", anh chia sẻ.
Sau khi gửi sơ yếu lý lịch để ứng tuyển hàng chục vị trí, anh thấy thất vọng và đôi khi chỉ muốn "nằm yên, kệ đời".
Trào lưu "nằm yên, kệ đời" đang trở nên hấp dẫn ở Trung Quốc. Ngày càng nhiều người trẻ muốn rời bỏ thị trường lao động, nhất là trong lĩnh vực công nghệ. Một phần nguyên nhân là văn hóa làm việc khắc nghiệt, vắt kiệt sức khỏe tinh thần và thể xác của người lao động.
Didi - hãng gọi xe hàng đầu của đất nước tỷ dân - bị cáo buộc tính phí hoa hồng quá cao và vắt kiệt sức lao động của tài xế. Ảnh: Reuters. |
Việc không nhẹ, lương không cao
Theo Caixin, đằng sau sự tăng trưởng ấn tượng của các công ty như Meituan, Ele.me (thuộc sở hữu của Alibaba), nền tảng thương mại điện tử Taobao, JD.com, hãng gọi xe Didi Chuxing Technology là hàng triệu tài xế và nhân viên giao hàng, đồ ăn. Họ làm việc không mệt mỏi, bị chấm điểm gắt gao trong bối cảnh thị trường khốc liệt.
Hơn 95% nhân viên giao hàng tại Trung Quốc phải làm việc hơn 8 tiếng/ngày, 28% người làm đến 12 tiếng/ngày, theo báo cáo của Beijing Yilian Legal Aid and Research Centre of Labor. Hơn 44% tài xế giao hơn 800 đơn đặt hàng/tháng.
Ngoài thu nhập không ổn định, các nhân viên giao hàng Trung Quốc phải đối mặt thêm những rủi ro như tai nạn giao thông, thời tiết xấu, khó đến các địa điểm giao hàng, lịch trình dày đặc.
"Trong những giờ cao điểm, chúng tôi lái xe bằng một tay, tay còn lại bấm điện thoại nhận các đơn hàng đến", một nhân viên giao đồ ăn đã nghỉ việc kể lại.
"Các cuộc gọi cứ thế nối đuôi nhau. Điều đó khiến tôi cảm thấy mình đang bán mạng để giao hàng", người này chia sẻ.
Didi - hãng gọi xe hàng đầu của đất nước tỷ dân - bị cáo buộc tính phí hoa hồng quá cao và vắt kiệt sức lao động của tài xế bởi làm việc ngoài giờ.
Các nhân viên giao hàng và tài xế công nghệ của Trung Quốc có thu nhập không ổn định, dù đối mặt nhiều rủi ro trong quá trình làm việc. Ảnh: Reuters. |
Hơn 2 năm qua, dịch Covid-19 và các yêu cầu giãn cách xã hội đã thúc đẩy xu hướng chia sẻ xe và mua hàng trực tuyến. Nghịch lý nằm ở chỗ khi nhu cầu ngày càng gia tăng, những tài xế từ Jakarta đến Thượng Hải đều thừa nhận rằng họ phải làm việc nhiều hơn để kiếm số tiền tương tự, thậm chí ít hơn.
Trong vòng hơn 2 năm qua, nhiều bi kịch đã được lan truyền trên mạng xã hội. Cái chết hồi tháng 12/2020 của một tài xế họ Han ở Bắc Kinh đã tạo làn sóng phản ứng dữ dội sau khi công ty Ele.me đề nghị bồi thường chỉ 2.000 NDT (308 USD). Hãng giao hàng Ele.me được chống lưng bởi gã khổng lồ Alibaba của tỷ phú Jack Ma.
Sự việc vẫn chưa dừng lại ở đó. Tháng 1/2021, một đoạn video được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Trong đó, một tài xế Ele.me đã tự thiêu và được người qua đường ở tỉnh Giang Tô cứu kịp thời. Người này tên Liu Jin, khoảng 40 tuổi, là lao động nhập cư từ vùng nông thôn tỉnh Vân Nam.
Hàn Quốc cũng ghi nhận các trường hợp tài xế giao hàng, đồ ăn tử vong vì làm việc quá sức trong thời kỳ dịch bệnh.
Hồi tháng 10/2020, anh Kim Won-jong, một tài xế giao hàng của CJ Logistics, ngã gục tại nơi làm việc và sau đó tử vong ở bệnh viện.
Công ty đối mặt với làn sóng chỉ trích dữ dội từ dư luận. Giám đốc điều hành CJ Park Keun-hee tổ chức họp báo và xin lỗi về cái chết của anh Kim. Ông cũng khẳng định công ty sẽ cải thiện điều kiện làm việc cho tài xế và tránh bất cứ trường hợp tử vong nào khác.
"Điều khiến tôi buồn và tức giận là bất cứ ai cũng có thể thấy điều này xảy ra, nhưng không ai ngăn chặn nó", anh Park Seung-hwan, một tài xế giao hàng khác của CJ, chia sẻ.
Chi phí nhiên liệu tăng cao
Trong vòng hơn 2 năm qua, các tài xế công nghệ trên toàn cầu liên tục than vãn vì không được hưởng những quyền lợi như an sinh xã hội, bảo hiểm y tế, lương ngoài giờ, trong khi phí hoa hồng ngày càng tăng cao.
Giờ, các tài xế công nghệ trên toàn cầu còn phải đối mặt với một vấn đề khác. Đó là chi phí nhiên liệu tăng cao bởi tác động từ xung đột Nga - Ukraine và những lệnh trừng phạt nhắm vào Moscow.
Ông Sergio Avedian, 55 tuổi, sống tại Mỹ, bắt đầu làm tài xế cho Uber và Lyft vào năm 2016. Ông từng kiếm tới 3.000 USD/tiền. "Giờ, mức thu nhập đó là bất khả thi", CNBC dẫn lời ông Avedian chia sẻ.
Theo cuộc khảo sát của The Rideshare Guy, gần 50% tài xế công nghệ Mỹ, bao gồm tài xế của những hãng gọi xe như Uber, Lyft và nhân viên giao hàng của các ứng dụng giao đồ ăn Grubhub, DoorDash, Uber Eats, đã bỏ việc hoặc làm việc ít đi vì giá xăng tăng cao.
Giá xăng tại Mỹ đã tăng lên mức cao kỷ lục, đóng góp phần lớn vào đà tăng lạm phát nói chung. Giá dầu thế giới cũng tăng cao sau khi Nga đổ quân vào Ukraine hồi cuối tháng 2.
Uber đã áp dụng mức phụ phí nhiên liệu khi giá xăng tăng cao, nhưng điều này là không đủ với các tài xế công nghệ. Ảnh: Reuters. |
Để hỗ trợ các tài xế, Uber và Lyft đã áp dụng mức phụ phí nhiên liệu tạm thời. Tuy nhiên, một số tài xế cho rằng điều này là không đủ để bù đắp chi phí nhiên liệu tăng kỷ lục.
Riêng tại Trung Quốc, theo CNN, việc chính quyền Bắc kinh chấn chỉnh ngành công nghiệp công nghệ của đất nước đã khiến lĩnh vực này đối mặt với làn sóng mất việc làm nghiêm trọng.
Ngành công nghiệp này từng đóng góp lớn vào thị trường việc làm của Trung Quốc. Nhưng giờ, một số công ty lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc, chẳng hạn Alibaba, Tencent và Pinduoduo, đã báo cáo mức tăng trưởng doanh thu thấp kỷ lục. Giá cổ phiếu của những doanh nghiệp này cũng lao dốc 50% kể từ khi Trung Quốc bắt đầu trấn áp ngành này.
Dựa theo các cuộc khảo sát việc làm, số việc làm đã giảm đáng kể trên toàn bộ nền kinh tế 1,4 tỷ dân, nhưng ngành công nghiệp công nghệ chứng kiến mức giảm lớn nhất.
(Theo Zing)