- Hà Nội cần học hỏi cách điều hành giao thông của TP.HCM, không thủ đô nào trên thế giới cho phép ô tô dàn hàng ngang lấn hết cả phần đường xe đạp, xe máy - độc giả Đỗ Tường Hiệp viết.

Hàng trăm phản hồi của độc giả VietNamNet bày tỏ bức xúc với tình trạng giao thông hỗn loạn của Hà Nội.

{keywords}
Ô tô các loại dàn hàng ngang gần hết đường, khiến xe máy phải leo vỉa hè và len vào giữa các ô tô. (Ảnh chụp trên đường Láng sáng 6/9: Trần Thương)

Ý thức ở đâu?

Độc giả Việt nhận xét "ý thức giao thông của người Hà Nội kém hơn người TP.HCM".

"Ở Sài Gòn mọi người chạy đúng làn xe, chỉ khi có tắc đường mới lộn xộn. Còn Hà Nội lúc nào cũng lộn xộn, ý thức rất không tốt" - bạn nguyên viết.

Bạn Vũ Tuấn bày tỏ: "Tôi đọc bài tình trạng giao thông ở HN, tại sao ô tô lại lấn sang làn xe máy? Thứ nhất, ý thức tham gia của người lái xe; thứ hai, khi bị cơ quan chức năng phạt thì mấy anh tài xế xuống gọi điện xin. Như vậy, không đủ răn đe, phải phạt thật nặng".

Còn độc giả Nguyễn Hồng Lĩnh kể câu chuyện khi vào TP.HCM thăm cháu. "Một lần đi taxi, thấy xe này nhích bên phải định vượt xe tải thì CSGT tuýt còi, taxi phải nộp phạt. Như vậy, ngoài việc tự giác chấp hành luật, cần phải xử lý nghiêm hành vi "vô văn hóa khi tham gia giao thông" ở Hà Nội. Dù không tắc đường, ô tô dàn hàng ngang thì không đường nào thông thoáng được. Nhất là taxi ở Hà Nội".

{keywords}
Tình trạng taxi bát nháo khiến nhiều người bức xúc. (Ảnh: VTC News)

Theo độc giả Pham Ngoc Hung, thói quen luồn lách, chen lấn khiến người đi ô tô vẫn nghĩ mình đang đi xe máy, lúc chờ đèn đỏ lấn hết sang làn xe máy.

Bạn Vinh Viên viết: "Sự tự do thiếu ý thức và phong cách đi tắt đón đầu, chơi ngông đã làm trật tự giao thông bát nháo. Đặc biệt thú chơi khác người như không đội nón bảo hiểm, chở ba, tư, vượt đèn đỏ...; lối sống vội vã, hấp tấp đã làm nhếch nhác giao thông. Đừng nên đổ lỗi cho hạ tầng giao thông, mà nên hỏi ý thức con người ở đâu".

Độc giả Lê Phương cho rằng, quy hoạch ở Hà Nội tùy tiện nên nhà cao tầng quá nhiều trong nội đô. Các công trình thi nhau đào đường, chặn đường dân đi, góp phần khiến giao thông ùn tắc.

Độc giả Philong nhận định nguyên nhân là do nhờn luật. Do đó, cần có chế tài cấm việc đi lung tung, vô tổ chức của ô tô: "Cứ phạt nặng vào là ổn ngay". Độc giả Ngọc Thao bổ sung: Xử lý nghiêm công an, thanh tra giao thông nếu bao che.

Độc giả Trần Văn Hùng đồng tình: Xử phạt nghiêm những ai vi phạm, kể cả ô tô hay xe máy, xe công hay xe tư, quan chức hay dân thường. 

Phân làn dứt khoát

Theo bạn Thúy, giải quyết nạn tắc xe không thể nóng vội theo cảm tính, mà phải từ từ từng bước, từng khâu. Trước hết chọn khâu nào yếu nhất, có khả năng thực hiện nhất để giải quyết.

{keywords}
Hình ảnh trên đường Thái Hà, Hà Nội. (Ảnh: Diệu Bình)

"Theo tôi, đầu tiên là phân làn dứt khoát tách riêng 2 đối tượng ô tô và xe máy, tập trung vào ô tô. CSGT cứ bắt lỗi phạt nặng ô tô lấn làn, để tạo được thói quen các bác tài đã. Ô tô có thể tắc không đi được, nhưng xe máy phải không bị ô tô chắn lối. Khi ô tô đã vào nếp rồi, mới xử đến xe máy chen vào ô tô, lấn vỉa hè. Về ứng xử, CSGT phải gương mẫu trước, thái độ ôn hòa, văn minh, hướng dẫn tận tình, giải quyết sáng tạo và nhằm có lợi cho dân, để làm dịu tình hình" bạn Thúy viết.

Tôi xin được góp 2 ý nhỏ:

1/ Về mặt luật pháp, nên chăng sửa bỏ điều quy định phương tiện có nguy cơ cao phải có trách nhiệm bồi thường cho phương tiện có nguy cơ thấp hơn khi có va chạm giao thông. Như thế, may ra những xe máy mới bớt tạt đầu xe ô tô. Đỡ những va chạm gây tắc đường.

2/ Những nơi có nguy cơ ùn tắc cao cần yêu cầu CSGT và lực lượng chức năng cơ động xuống cuối đoàn xe phải dừng chờ thông đường, kiên quyết không cho bất cứ phương tiện nào tự lách lên. Nếu không chấp hành dùng biện pháp cưỡng chế không cho tiếp tục tham gia giao thông. Thời gian đầu sẽ phải huy động nhiều lực lượng, sau thành nếp sẽ giảm dần.

(Từ Nguyễn Hồ Phương)

Chung quan điểm trên, bạn Phạm Hiền bày tỏ" "Cũng là con người đó nhưng nếu vào Sài Gòn thì sẽ chấp hành đi đúng làn đường. Vậy phải chăng do Hà Nội chưa phân định rõ làn đường của mỗi loại xe và chưa xử phạt nặng nên mới để tình trạng giao thông lộn xộn như vậy".

Độc giả Khanh87 nhắc lại một giải pháp đã được đưa ra từ rất lâu đến nay vẫn chưa thực hiện được: Chuyển các cơ quan trung ương, cơ quan bộ, ngành, các trường đại học, cao đẳng, bệnh viện... ra ngoại thành.

Theo độc giả Thanh Thanh Pham, còn phải cải tạo lòng đường vỉa hè, nâng cao chất lượng phương tiện giao thông công cộng, từng bước giảm phương tiện cá nhân và nâng cao ý thức người dân.

Độc giả Tino Nguyễn thấy Công an Hà Nội đã có lực lượng 141 để trị xe máy bất chấp luật giao thông thì cũng nên có lực lượng 142 để trị xe ô tô. Độc giả Trần Lâm phụ họa: Thêm lực lượng 143 để trị hàng quán lấn chiếm lòng lề đường.

Độc giả Minh Phương mong mỗi người tham gia giao thông nhận thức tốt hơn để thành phố văn minh hơn.

Mời bạn chia sẻ những câu chuyện, ngẫm nghĩ về giao thông Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Hiến kế, gợi ý để có thể cải thiện giao thông Hà Nội tốt hơn. Chia sẻ gửi về banxahoi@vietnamnet.vn. Bài viết phù hợp sẽ được đăng tải.

C.Hoàng - Bảo Anh