Viettel muốn khẳng định không chỉ thành công ở thị trường nghèo

Năm 2006, khi thị trường viễn thông trong nước bắt đầu bùng nổ, khát vọng số 1 của Viettel còn chưa thành hiện thực, người dân Việt Nam và ngay cả không ít người Viettel ngạc nhiên trước những bước đi đầu tiên cho con đường đầu tư ra nước ngoài, chinh phục thị trường quốc tế. Đến năm 2009, Viettel lần lượt khai trương mạng viễn thông Metfone ở Campuchia và Unitel ở Lào. Tín hiệu thành công khi 2 mạng viễn thông nhanh chóng vươn lên dẫn đầu thị trường này. Sau đó, Viettel có mặt ở Haiti đúng thời điểm động đất khủng khiếp năm 2010 và Mozambique năm 2011. Từ những thị trường đầy khó khăn đó, Viettel với chiến lược mạng lưới rộng khắp và bán hàng đến tận nhà thuê bao đã viết nên những câu chuyện cổ tích ở trên lục địa Đen.

Hầu hết ở các thị trường này, chỉ sau một thời gian ngắn Viettel đã vươn lên trở thành mạng di động số 1 về thuê bao và vùng phủ sóng. Sau những thành công ở thị trường Mozambique, Haiti, Cameroon… nhiều chính phủ các nước ở khu vực Châu Phi đã đến Việt Nam và muốn mời Viettel sang đầu tư vào quốc gia của họ.

Tuy nhiên, nhìn những bước đi và kết quả của Viettel ở thị trường nước ngoài, nhiều người vẫn cho rằng Viettel chỉ có thể thành công ở thị trường nghèo, thậm chí là những nơi mà các tập đoàn viễn thông lớn không dám tới.   

Thế nhưng, với sự kiện khai trương chính thức cung cấp dịch vụ viễn thông tại Peru, Viettel đã đánh dấu bước chuyển dịch quan trọng về chiến lược đầu tư ra nước ngoài sang một giai đoạn mới. Lần đầu tiên, chúng ta kinh doanh ở một thị trường có GDP bình quân đầu người cao gấp 3 lần Việt Nam và hơn hẳn các nước đã đầu tư khác. Dân số khoảng 30 triệu người, trong khi diện tích gấp 9 lần Việt Nam. Đây cũng là thị trường nước ngoài đầu tiên của Viettel có tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại di động vào ngưỡng bão hòa.

Ông Hoàng Sơn, Phó Tổng giám đốc Viettel chia sẻ: “Suy nghĩ Viettel chỉ làm được ở những nước kém phát triển đã tồn tại trong tâm thức không chỉ của xã hội mà của cả nhiều người Viettel. Nhưng thực ra, chưa bao giờ Viettel có quan điểm chỉ đầu tư vào các thị trường kém hơn hay nghèo hơn Việt Nam. Cơ hội mở ra ở đâu, Viettel sẽ cố gắng nắm bắt ở đó, không kể đó là châu Á, châu Phi, châu Âu hay châu Mỹ, không kể đó là nước nghèo hay nước giàu, đông dân hay ít dân”.

Ông Hoàng Sơn cho biết, Viettel đang hướng đến mục tiêu trở thành Tập đoàn toàn cầu, lọt vào Top 10 công ty viễn thông lớn nhất thế giới về đầu tư ra nước ngoài. Để làm được việc này, không còn cách nào khác, Viettel phải mở rộng quy mô, không dừng lại ở các nước kém phát triển mà chủ động  đi tìm “cánh cửa mới” vào các quốc gia bằng mình và hơn mình. Peru là “cánh cửa” đầu tiên, là phép thử quan trọng để Viettel kiểm nghiệm lại các công thức kinh doanh của mình và thử nghiệm các cách làm mới mà trước đây chưa áp dụng. Nếu thành công ở Peru sẽ mở ra cơ hội cho Viettel xâm nhập vào thị trường Châu Âu.

Peru là phép thử cho Viettel

Ông Hoàng Sơn cho biết, khi đến Peru, Viettel “chạm trán” hai mạng viễn thông Movistar và Claro là những đối thủ sừng sỏ trên thế giới, giàu kinh nghiệm quản lý, tiềm lực tài chính mạnh, đi trước Viettel hàng chục năm. Những công ty viễn thông này nằm trong tay các tỷ phú. Các tỷ phú đó còn nắm rất nhiều ngành nghề khác như hệ thóng đài truyền hình, đài phát thanh, ngân hàng, siêu thị. Các đối thủ cũng sáng tạo ra cách liên kết các dịch vụ này một cách chặt chẽ nên rất khó để một thuê bao chuyển sang dùng mạng di động mới. Khi Viettel khai trương mạng Bitel thì các đối thủ cũng xuất hiện tràn ngập trên các kênh truyền thông để lấn át hình ảnh quảng bá của mạng Bitel. Trước khi Viettel triển khai cung cấp dịch vụ tại Peru, hai mạng viễn thông Movistar và Claro lập tức đầu tư 4G khắp Peru nhằm tạo lợi thế cạnh tranh.

Môi trường cạnh tranh ở Peru sòng phẳng và khốc liệt. Cho dù nắm trong tay các kênh truyền thông mạnh, nhưng hệ thống truyền thông này không bị thiên lệch mà luôn lấy yếu tố khách quan trong tác nghiệp.

Peru cũng là nơi đầu tiên Viettel quyết định đầu tư thẳng công nghệ 3G, không có 2G. Hệ thống luật pháp chặt chẽ và phức tạp; các nguyên tắc, quy định về sản xuất kinh doanh mức chuyên nghiệp; nguồn nhân lực trình độ cao... chính là phép thử đủ mạnh để Viettel tự kiểm chứng xem mình có đủ năng lực trở thành một nhà đầu tư quốc tế chuyên nghiệp, một công ty đa quốc gia và toàn cầu thực thụ hay không.

Ban đầu Viettel mới vào thị trường Peru rất bỡ ngỡ. Do thị trường đã bão hòa nên Peru đã triển khai chính sách chuyển mạng giữ nguyên số từ mấy năm trước. Tất cả dữ liệu của nhà mạng được kết nối vào cơ quan quản lý, vì vậy cơ quan quản lý có thể giám sát rất chặt chẽ kể cả sự cố trên mạng lưới. Khi bị sự cố trên mạng lưới sau một thời gian nhất định không khắc phục xong, nhà mạng sẽ bị phạt rất nặng. Dữ liệu quản lý nhân sự của doanh nghiệp cũng được kết nối với Bộ Lao động và Bộ Tài chính. Vì vậy, chỉ cần chậm lương mấy ngày là lập tức có văn bản nhắc nhở, thậm chí là bị phạt tiền.

Theo ông Hoàng Sơn, việc kinh doanh viễn thông ở Peru cũng khác hoàn toàn so với những gì Viettel triển khai ở Việt Nam và nhiều thị trường khác. Chẳng hạn, trước khai trương, Viettel thường triển khai chiến dịch bán hàng lan tỏa. Tại các thị trường Việt Nam, Campuchia hay Lào, Mozambique, Viettel thường mang SIM đi tặng, phát miễn phí cho những nhóm khách hàng như quan chức chính phủ, người thân, học sinh, sinh viên, bộ đội, công an… Chương trình này rất thành công và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía xã hội. Thế nhưng, ở Peru chuyện lại hoàn toàn khác. Thời gian đầu, cả công ty và các chi nhánh hào hứng đi tặng, đi cho, đi phát SIM nhưng… không ai lấy. Người dân ở đây không có thói quen nhận đồ cho không và coi đó là sự thiếu tôn trọng với khách hàng. Khi Bitel quay sang bán SIM thì họ lại đón nhận tích cực.

Ông Hoàng Sơn cho hay, tâm lý mua sắm của người dân Peru rất khác biệt. Lúc đầu, nhân viên Bitel đi tìm hiểu thị trường thấy chi phí mua hoặc thuê mặt bằng ở các khu vực trung tâm, siêu thị rất đắt, khoảng 700 - 800 USD/m2. Công ty nghĩ  đến cách đi thuê cửa hàng ở ngoài trung tâm, vị trí cũng đẹp, giá vừa phải và khá đông người qua lại. Nhưng sau khi phân tích kỹ văn hóa, hành vi tiêu dùng của người dân Peru, thấy rằng, người dân Peru hay mua hàng tại ở siêu thị, trung tâm thương mại, không có “văn hóa mặt phố” (cửa hàng ngay mặt đường). Đặc biệt, tính chủ đích trong tiêu dùng của họ rất cao. Khi cần mua loại hàng gì, trong đầu họ luôn định hình sẵn địa điểm phải đến. Vì vậy, khi những cửa hàng mặt phố được mở ra không có khách đến mua, lãnh đạo Bitel đi đến quyết định phải đầu tư một số cửa hàng hiện đại, quy mô lớn, không cần mặt phố nhưng phải ở khu vực trung tâm nhất, rộng từ 300 - 400m2, Wi-Fi miễn phí để bán hàng, trải nghiệm dịch vụ và giới thiệu các ứng dụng, tiện ích mới của Bitel.

Niềm tin chiến thắng!

Ông Hoàng Sơn cho biết, để cạnh tranh được với các đối thủ, Peru sẽ là thị trường đầu tiên của Viettel đầu tư triển khai (thương mại điện tử e-commerce); cửa hàng đa dịch vụ quy mô lớn; thay đổi chất lượng cung cấp dịch vụ và chăm sóc khách hàng để người dân không phải xếp hàng như ở các nhà mạng khác… Viettel cũng xã hội hóa việc bán hàng, khuyến khích người thân của cán bộ, nhân viên cùng tham gia bán hàng để tạo không khí sôi nổi và góp phần lan tỏa hình ảnh thương hiệu Bitel. Bên cạnh đó, Viettel còn “đánh sâu” bằng cách xây dựng lực lượng bán hàng, phát triển các điểm bán tới những vùng sâu, vùng xa của Peru. Sắp tới, khách hàng có thể có cơ hội thưởng thức café Việt Nam ở cửa hàng Bitel. Cuối tuần, nhân viên công ty sẽ ra cửa hàng tự phục vụ, tổ chức giao lưu, tạo không gian thực sự thoải mái, thân thiện cho khách hàng.

Chiến lược của Viettel tại Peru là data làm gốc, nhưng sẽ tạo ra hệ sinh thái các tiện tích tăng thêm để thu hút khách hàng như dịch vụ nhạc chờ, chat… Đây là các dịch vụ mà đối thủ còn “bỏ ngỏ”. Chẳng hạn với dịch vụ nhạc chờ, hiện nay chủ yếu được cung cấp bởi các nhà mạng. Họ là những công ty kinh doanh viễn thông tại khu vực Châu Mỹ nên dùng nhạc phổ biến tại khu vực này. Bitel đang nghiên cứu hợp tác với các ban nhạc nổi tiếng trong nước, đồng thời tìm kiếm những bài hát hay của Peru làm nhạc chờ cho điện thoại. Với cách đó, Viettel sẽ tự tạo ra thị trường cho mình, xa hơn là đánh thức tinh thần tự hào dân tộc trong mỗi người dân Peru.