Không giống những năm trước đây, khái niệm smartphone cao cấp ngày càng thay đổi - dù ở tốc độ chậm. Chúng ta bắt đầu thấy xuất hiện các smartphone cao cấp nhưng được bán ở một mức giá hợp lý, vừa túi tiền người dùng. Moto X Style của Motorola giá 399 USD, Axon Pro của ZTE giá 449 USD hay giá của Mi Note đến từ Xiaomi là 270 USD. Trong khi đó, hãng smartphone lớn nhất thế giới Samsung vừa giới thiệu bộ đôi smartphone "đỉnh" của mình với tên gọi Galaxy Note 5 và Galaxy S6 Edge+. Dù giá bán của 2 điện thoại này sẽ có sự chênh lệch giữa các nhà mạng khác nhau nhưng nhìn chung giá Note 5 sẽ "loanh quanh" ở mốc 700 USD, còn S6 Edge+ lên tới 800 USD. 

Samsung, cũng như các hãng smartphone "có tiếng" khác như HTC và LG, đang ngày càng gặp nhiều khó khăn khi kỳ vọng của người dùng về mức giá đối với một chiếc smartphone cao cấp dần thay đổi. Điều này lại càng đúng đối với các smartphone chạy nền tảng Android của Google. Đây cũng là một phần hệ quả của việc thị trường smartphone đang phát triển chậm lại trong khi điện thoại thông minh ngày càng thiếu các tính năng nổi bật. "Người dùng có dấu hiệu mệt mỏi với các mẫu smartphone", Tom Moss, Giám đốc điều hành của Nextbit, một startup đang chuẩn bị giới thiệu ra thị trường một model điện thoại thông minh "nổi bật", cho biết. 

Samsung là nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới, phần lớn là nhờ việc hãng này sản xuất hàng loạt model ở đủ mọi phân khúc. Tuy nhiên, Galaxy S và Galaxy Note - hai dòng smartphone cao cấp - mới là những sản phẩm chủ lực mang về doanh thu và lợi nhuận cho công ty. Chúng cũng là các sản phẩm giúp làm nên thương hiệu Samsung. Do đó, việc người dùng thay đổi quan điểm về mức giá đối với smartphone cao cấp có thể sẽ khiến công ty Hàn Quốc này gặp khó. Nếu muốn bán được Galaxy Note 5 hay S6 Edge+, Samsung phải giải thích được cho người dùng vì sao họ lại bỏ ra một khoản tiền cao hơn đáng kể so với smartphone của các đối thủ. Nếu không làm được, hãng có thể phải giảm giá Note 5 và S6 Edge+ giống như vừa làm với Galaxy S6.

"Chúng tôi thấy thoải mái với cách mình tạo sự khác biệt trên thị trường. Dòng Galaxy của chúng tôi được trang bị các công nghệ mới nhất và tuyệt vời nhất", Justin Denison, Giám đốc Chiến lược sản phẩm và martketing của Samsung tại Mỹ, cho hay. 

Trên thực tế, S6 Edge và S6 Edge+ vẫn là những sản phẩm ấn tượng. Samsung về cơ bản cũng chính là công ty đã tạo ra thị trường smartphone màn hình lớn - còn gọi là phablet. Hàng tỷ USD đã được Samsung chi ra để xây dựng nên thương hiệu riêng. Tuy nhiên, một thực tế khác không thể phủ nhận là người dùng smartphone trên toàn thế giới ngày càng kỳ vọng vào mức giá hợp lý đối với một chiếc smartphone cao cấp; và Samsung sẽ gặp khó khi người dùng nhận định rằng điện thoại của công ty này có giá bán đắt. 

Có thể nói, trong thời gian qua, Samsung cũng như các công ty smartphone khác, phần nào chịu sự ảnh hưởng bởi xu thế mới. Công ty Hàn Quốc phát hành báo cáo tài chính quý II/2015 với kết quả thất vọng: lợi nhuận giảm quý thứ 7 liên tiếp. Samsung cũng dự đoán tình hình kinh doanh còn khó khăn trong thời gian tới.

Các công ty chú trọng vào smartphone cao cấp khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. LGtụt giảm 60% lợi nhuận, chủ yếu do doanh số điện thoại thông minh thấp. HTCtừng nằm trong top 5 nhà sản xuất smartphone cũng bị "bật bãi", chịu thua lỗ và phải cắt giảm nhân sự. "Thứ bậc của các công ty sản xuất Android đang thay đổi", Giám đốc của Nextbit nhận định. Moss trước đây là một nhân viên của Google - chịu trách nhiệm phát triển dự án Android - hiện hợp tác với cựu nhà thiết kế của HTC để chuẩn bị ra mắt một smartphone cao cấp có mức giá từ 300 USD đến 400 USD. 

Trung Quốc - nơi khởi nguồn của "smartphone cao cấp giá rẻ"

Nếu như có một cuộc chiến về giá cho smartphone ở phân khúc cao cấp thì nguồn gốc của cuộc chiến này là xuất phát từ Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc như Xiaomi, Huawei, Lenovo (hiện đã sở hữu cả Motorola) và ZTE, là những công ty đã và đang tạo ra khái niệm "smartphone cao cấp giá rẻ".

Trong số đó, Xiaomi là cái tên đáng chú ý nhất. Là một startup có giá trị thuộc hàng lớn nhất thế giới, Xiaomi có thể coi là hãng đã tạo ra tiêu chuẩn cho khái niệm mà chúng ta đang nói tới. Xiaomi đã xây dựng được một lượng người dùng trung thành lớn ở Trung Quốc, Đông Nam Á và Ấn Độ. Khi tổ chức sự kiện ra mắt sản phẩm ở Sao Paolo, Brazil hồi cuối tháng 6/2015, rạp hát quy mô 1.000 chỗ ngồi đã bị quá tải khi lượng người dùng đến tham dự là quá lớn. Xiaomi sau đó phải tổ chức thêm sự kiện thứ hai để bổ sung. "Đó là một trong những ngày tuyệt vời nhất trong cuộc đời tôi", Hugo Barra, Giám đốc kinh doanh quốc tế của Xiaomi cho biết trong một cuộc phỏng vấn. Xiaomi mới đây cũng vừa ra mắt smartphone Redmi 2 với giá bán chỉ 155 USD (áp dụng cho phiên bản có bộ nhớ 32 GB).

OnePlus, một startup khác đến từ Trung Quốc và cũng là "thần tượng" của các fan hâm mộ Android. Chiếc One Plus 2 với thiết kế kim loại, cảm biến vân tay cùng cấu hình mạnh mẽ, được công ty này bán với giá chỉ 330 USD. Alcatel OneTouch, một đơn vị thuộc công ty sản xuất TV Trung Quốc TCL, cũng muốn chen chân vào phân khúc điện thoại cao cấp với mức giá phải chăng: chỉ 300 USD. Chiếc Idol 3 của công ty này được bán với giá 250 USD. 

Mô hình bán hàng trực tiếp

Khi nói về mô hình bán hàng, các công ty smartphone thường có hai phương án. Bán qua các kênh phân phối; hoặc hợp tác với các nhà mạng viễn thông. Samsung từng cho biết mô hình bán smartphone bằng cách trả phí theo hàng tháng đã giúp công ty tăng doanh số smartphone cao cấp bởi người dùng dễ dàng chấp nhận trả dần chi phí smartphone trong thời gian lên tới 2 năm. Nhưng khi giá smartphone cao cấp giảm xuống, người dùng có thể xem xét lại mức phí họ phải bỏ ra hàng tháng. Để sở hữu Galaxy Note 5, người dùng phải trả 29 USD trong 24 tháng. Con số này của S6 Edge+ là 32,49 USD. Trong khi đó, họ chỉ mất 16,67 USD cho Moto X Style. Dù chênh lệch không quá lớn nhưng cũng không phải là không đáng kể. 

Các công ty như Motorola, ZTE, Huawei và Alcatel OneTouch đang bắt đầu mô hình bán hàng trực tiếp tới người dùng. Họ đã tạo ra các website của riêng mình, đồng thời hợp tác với các nhà bán lẻ như Best Buy và Amazon để bán điện thoại, bỏ qua nhà mạng viễn thông. Bằng cách này, smartphone đến tay người dùng là các smartphone không bị khóa mạng (unlock), người dùng không bị bó buộc vào một nhà mạng nào đó. 

Nếu Samsung muốn cạnh tranh, hãng nên tấn công vào phân khúc tầm trung với các model có cấu hình "chấp nhận được" và giá bán hợp lý. Một lợi thế của công ty Hàn Quốc là họ đang có sẵn mối quan hệ với các nhà mạng", chuyên gia Jefferson Wang của  IBB Consulting nhận định. Trên thực tế, hầu hết người dùng vẫn mua điện thoại từ nhà mạng khi đăng ký sử dụng mạng viễn thông. Wang tin rằng xu hướng này sẽ giúp Samsung được an toàn, không bị ảnh hưởng khi nhu cầu điện thoại của thị trường bỗng nhiên tụt giảm. Tuy nhiên, nhiều công ty đang "đánh cược" tương lai vào mô hình bán hàng trực tiếp tới người dùng. "Thời kỳ của những chiếc smartphone đủ tốt đang đến", Wang nói thêm và Samsung vẫn cần quyết định liệu mình có thuộc về kỷ nguyên mới đó hay không.