Cả Iraq và Libya đều bị tấn công sau khi từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, còn Triều Tiên không từ bỏ thì không thể bị tấn công.

Iraq và Libya bị lật đổ sau khi từ bỏ chương trình vũ khí

"Thực tế là cả Iraq và Libya đều bị xâm lược sau khi từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình, và một nước Triều Tiên còn theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân thì không thể bị tấn công, đây là một bài học không ai có thể lãng quên".

Trên đây là nhận định của Richard Haass, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại của Mỹ, theo báo The National Interest.

{keywords}
Ảnh:

Hội đồng Quan hệ Đối ngoại của Mỹ thường xuyên cung cấp nhiều thông tin quan trọng để Bộ Ngoại giao Mỹ tham khảo nhằm điều chỉnh hay định hình lại chính sách đối ngoại. Chính vì vậy lời nhận xét của ông Haass là rất đáng lưu tâm.

Theo vị học giả này, những nhà lãnh đạo Mỹ và phương Tây luôn thuyết giáo cho người khác về tầm quan trọng của việc tuân thủ các thỏa thuận quốc tế, về việc phải tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia có chủ quyền. Bên cạnh đó, họ luôn phản đối việc một quốc gia thực hiện tấn công một quốc gia khác. Tuy nhiên, trong thực tế hành động của họ lại ngược lại.

Richard Haass đã lấy việc Mỹ và đồng minh lật đổ chính quyền Iraq và Libya để chứng minh cho nhận định của mình.

Theo đó, mặc dù chính quyền Tổng thống Saddam Hussein khẳng định không sở hữu vũ khí huỷ diệt hàng loạt (WMD), song Washington và London vẫn quy kết ngược lại, và yêu cầu Liên Hợp Quốc thanh tra.

Ngày 5/12/2002 khi Ủy ban Thanh sát vũ khí của LHQ (UNMOVIC) do Hans Blix đứng đầu chuẩn bị kết thúc điều tra và được dự báo là sẽ đưa ra kết luận chính quyền Baghdad không sở hữu WMD, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là Donald Rumsfeld tuyên bố Washington không hài lòng với kết quả như vậy.

Người đứng đầu Lầu Năm Góc khuyến cáo, một khi Washington không hài lòng với báo cáo về vũ khí hủy diệt hàng loạt của Iraq dự kiến được đệ trình lên Hội đồng Bảo an LHQ vào ngày 7/12/2002, thì một cuộc tấn công Iraq sẽ được phát động mà không cần LHQ cho phép.

Ngày 20/3/2003 Tổng thống George W. Bush ra lệnh tấn công Iraq và đến ngày 1/5/2003 thì chính thức lật đổ chế độ Saddam Hussein. Việc LHQ thanh sát vũ khí huỷ diệt hàng loạt của Iraq trở nên vô giá trị.

Một năm sau ngày Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld ra lời đe doạ, ngày 20/12/2003, Tổng thống Libya Muammar Gaddafi tuyên bố dỡ bỏ chương trình vũ khí bí mật của quốc gia này. Nhà lãnh đạo Libya cũng cam kết tầm bay tác chiến của tất cả các loại tên lửa ở Libya sẽ được giới hạn ở mức dưới 300 km.

"Cam kết của Đại tá Gaddafi khiến cho đất nước an toàn hơn, thế giới hoà bình hơn. Những nhà lãnh đạo nào từ bỏ việc theo đuổi các loại vũ khí hạt nhân, sinh học và hóa học sẽ tìm được con đường dẫn tới mối quan hệ tốt đẹp hơn với Mỹ và các nước khác", Tổng thống George W.Bush đã nhận định.

Thủ tướng Anh khi đó là Tony Blair nói: “Quyết định này đã cho phép Libya quay trở lại với cộng đồng quốc tế. Nó cũng cho thấy các quốc gia có thể từ bỏ chương trình vũ khí bí mật của mình một cách tự nguyện để đổi lấy bình yên cho Tổ quốc mình".

Lực lượng thanh tra vũ khí quốc tế đã ngay lập tức tới Libya thực hiện thanh sát và hỗ trợ quá trình dỡ bỏ chương trình vũ khí bí mật của Libya.

Sau khi chương trình vũ khi bí mật của Libya hoàn tất việc dỡ bỏ thì cuộc nội chiến tại Libya đã nổ ra, đại tá Gaddafi bị cáo buộc phạm tội ác chống lại loài người và phương Tây - mà cụ thể là lực lượng NATO - đã ra tay ngăn chặn hành động đó.

Ngày 20/20/2011, gần 8 năm sau khi tuyên bố từ bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt, Tổng thống Gaddafi đã bị lật đổ và bị tước bỏ sinh mạng.

Giới phân tích cho rằng, nếu chính quyền của Saddam Hussein và Muammar Gaddafi không từ bỏ dễ dàng chương trình vũ khi của mình thì sinh mệnh chính trị và tính mạng của họ không thể kết thúc bi thảm như vậy. Và đất nước Iraq và Libya không phải rơi vào tình trạng bất ổn và hỗn loạn như hiện nay.

Phương Tây gây nên căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên?

Mới đây, trong bài phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới (SPIEF) ngày 2/6 tại Saint Petersburg, Tổng thống Nga Putin cũng cho rằng việc phương Tây sử dụng quyền lực can thiệp vào một số quốc gia Trung Đông và Bắc Phi đã khiến các nước nhỏ như Triều Tiên phải phát triển vũ khí hạt nhân để tự bảo vệ mình.

“Nếu những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế không được thực thi nghiêm túc, chúng ta sẽ phải đối mặt với những vấn đề như tình hình căng thẳng tại Triều Tiên hiện nay”, ông Putin phát biểu tại một phiên họp của SPIEF-2017.

Nhà lãnh đạo Nga nhận định, Triều Tiên không thể tìm cách khác để tự vệ mà buộc phải phát triển chương trình hạt nhân, nhiều quốc gia khác cũng đã, đang và sẽ theo đuổi xu hướng này.

Theo Đất Việt