- Ngày 1/7, TAND TP.HCM mở phiên tòa sơ thẩm lần 2 xét xử bị cáo Hoàng Văn Tính (SN 1983, Lâm Đồng) về tội “hiếp dâm trẻ em”. Đây được coi là một trong những vụ “kỳ án” vì sau khi bản án sơ thẩm đầu tiên bị hủy, tòa đã lên lịch xử 7 lần nhưng sau đó phiên tòa hoãn lại vì nhiều lý do. Hôm nay, phiên tòa tiếp tục bị hoãn.

Giở trò đồi bại?

Theo cáo trạng, khoảng đầu năm 2011, Hoàng Văn Tính cùng gia đình hành nghề bán đậu hũ, đến thuê trọ ở phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TP.HCM. Quá trình ở trọ tại đây, Tính quen biết hai cháu là N.T.H.(SN 2004) và P.T.H.(SN 2005).

{keywords}
Bị cáo Tính sau một phiên tòa trước đây

Khoảng 13h ngày 27/4/2011, trong lúc mẹ cháu P.T.H. đang ngồi may đồ thì cháu N.T.H. đến chơi. Khi thấy Tính đi ngang qua, cháu H. nói “chú này đểu lắm, hôm trước chú chơi trò “hai người yêu nhau” với cháu và bạn H.”. Từ lời nói của cháu bé, người nhà gạn hỏi thì hai đứa trẻ kể lại việc bị Tính xâm hại. Tức giận, mẹ cháu H. sang hỏi Tính cho ra lẽ thì bị cáo chỉ im lặng, không phản ứng. Sau đó, gia đình hai đứa trẻ đã làm đơn tố cáo.

Quá trình điều tra, Tính khai nhận hành vi phạm tội. Tháng 1/2012, TAND TP.HCM mở phiên tòa sơ thẩm xét xử lần đầu. Tại tòa, Tính bất ngờ chối tội, bị cáo một mực kêu oan, phủ nhận toàn bộ những lời khai trước đó và cho rằng mình bị ép cung. Kết thúc phiên tòa, TAND TP.HCM cho rằng không có cơ sở chấp nhận lời phản cung của bị cáo, tuyên phạt Hoàng Văn Tính mức án 15 năm tù về tội “hiếp dâm trẻ em”.

“Kỳ án” hiếp dâm

Sau phiên tòa sơ thẩm, Tính kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tháng 7/2012, phiên tòa phúc thẩm được mở. Một lần nữa, Tính thay đổi toàn bộ nội dung kháng cáo từ xin giảm nhẹ hình phạt sang kháng cáo kêu oan. Bị cáo cho rằng mình không quen biết hai nạn nhân, hoàn toàn không thực hiện hành vi đồi bại.

Sau khi xem xét, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM nhận định bản án sơ thẩm có nhiều vi phạm nghiêm trọng về tố tụng nên tuyên hủy toàn bộ án để điều tra, xét xử lại từ đầu.

Những vi phạm tố tụng cụ thể như: trong cùng một thời điểm vào lúc 16h30p nhưng một điều tra viên lại lấy lời khai của nhiều người, quá trình lấy lời khai có sự tham gia của luật sư thuộc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhưng luật sư lại được xác định là người làm chứng cho quá trình lấy lời khai, không phải là người bào chữa cho bị cáo hay bảo vệ cho phía bị hại theo quy định; cáo trạng và hồ sơ vụ án có nhiều mâu thuẫn.

Sau đó, phiên tòa sơ thẩm lần 2 được lên lịch xét xử đến 7 lần nhưng cả 7 lần đều hoãn xử. Mới đây, tòa dự kiến đưa vụ án ra xét xử lần 2. Tuy nhiên, do một thẩm phán trong HĐXX lần này từng là thành viên của HĐXX ở phiên tòa hồi năm 2012 nên phiên tòa lại phải tạm hoãn.

Hôm nay, phiên tòa được mở. Quá trình xét hỏi, HĐXX nhận thấy cần hội ý. Sau khi hội ý, HĐXX tiếp tục tuyên hoãn phiên tòa.

Trước đó, bị cáo Tính và gia đình cũng liên tục làm đơn kêu oan, cầu cứu gửi nhiều cơ quan chức năng. Đoàn giám sát tình hình oan sai của Quốc hội đã từng đưa ra chất vấn. Trong đơn cầu cứu cho con, ông Hoàng Văn Sinh – cha bị cáo Tính cho rằng Tính làm việc suốt ngày thì không thể có chuyện phạm tội vào những thời điểm như cáo buộc. Ông cũng cho rằng con mình bị ép cung bởi tối hôm đầu tiên Tính bị bắt, khi con bị áp giải về nhà tìm vật chứng, ông thấy con mình không tự đi được mà phải có người dìu…

Hơn 4 năm dài đằng đẵng theo con đến các cơ quan tố tụng với mong muốn đòi lại công bằng cho con, gia đình 2 nạn nhân tỏ ra vô cùng mệt mỏi. Họ khẳng định việc con trẻ bị xâm hại là điều không ai mong muốn và không một bậc cha mẹ nào lại đặt ra chuyện này để “hại” con người khác bởi đó chính là “hại” con mình. Đối với 2 cháu bé, chẳng lẽ 1 cháu bé 7 tuổi, một cháu bé 9 tuổi có thể bàn bạc nhau để đặt ra câu chuyện này (?)

Bậc cha mẹ nào không khỏi đau lòng khi nghĩ đến con gái - từ khi mới 7 tuổi đời phải nhiều lần lấy lời khai, nhắc đi nhắc lại những chuyện vô cùng đáng tiếc, làm khuấy động, vẩn đục tâm hồn con trẻ. Không biết sau này tương lai các em sẽ ra sao? Thế nhưng, đến nay, vụ án vẫn chưa có hồi kết.

M.Phượng