Ngôi đình duy nhất ở miền Đông Nam Bộ được thờ cụ như một vị Thành Hoàng, đình Tương Bình Hiệp.
Ngôi đình làng và sắc phong của vua
Đình Tương Hình Hiệp nằm trên ngọn đồi thấp. Tọa lạc tại phường Tương Bình Hiệp, TP Thủ Dầu Một (Bình Dương), ngôi đình có tuổi thọ hàng trăm năm, hàng ngày vẫn im lìm dưới bóng cây râm mát.
Cổng vào đình Tương Bình Hiệp. |
Khuôn viên ngôi đình rộng chừng 2000m2. Qua khỏi cổng tam quan, du khách được đi vào khu đất rộng với hàng trăm cây cổ thụ bao quanh. Bên trái, tấm biển công nhận di tích ghi rõ tiểu sử của Thành Hoàng.
Qua nhiều lần trùng tu, đình vẫn giữ nguyên kiến trúc cũ - kiến trúc đình làng đặc trưng Nam bộ. Tường gạch bao quanh. Cột, đòn tay, rui mè đều bằng gỗ sao. Mái ngói phủ rêu xanh mang đậm dấu ấn của thời gian.
Giữa điện thờ, một tấm biển lớn sơn son thiếp vàng dòng chữ "Phan Tướng Công Linh Thần". Có lẽ đây là một trong rất ít các ngôi đình có ghi rõ danh tánh Thành Hoàng được thờ tự.
Bên trong sân đình. |
Chân dung Thành Hoàng được đặt trang trọng giữa điện. Ông Lê Minh Trí, người giữ đình cho biết bức phù điêu này chính là sắc phong của vua Khải Định, phong cho cụ Phan làm Thành Hoàng ở ngôi đình này vào năm 1924. Vì là sắc phong của vua nên phải đặt ở vị trí cao nhất và chỉ được mở mỗi năm một lần vào dịp cúng đình ngày 12.10 âm lịch.
Nội dung tấm sắc phòng này ghi bằng chữ Hán được lược địch như sau: "Nay sắc cho xã Tương Bình Hiệp, tổng Bình Phú tỉnh Thủ Dầu Một phải phụng thờ Tam giác tiến sĩ Hiệp tá đại học sĩ... Trẫm ban bửu chiếu phong cho ông vào bậc Đoan túc dực bảo trung hưng tôn thần, chuẩn cho phụng thờ ông làm thần để che chở và giúp đỡ dân...
Ông Trí cho biết thêm, sắp tới sẽ tổ chức cho bà con đi Bến Tre để viếng mộ cụ Phan. Cụ Phan được thờ ở nhiều nơi trong đó có Văn thánh miếu Vĩnh Long nhưng chỉ có ở Tương Bình Hiệp mới được công nhận là Thành Hoàng của vùng đất Bình Dương này.
Nỗi oan khó giải
Vị Thành Hoàng của đất Bình Dương chính là cụ Phan Thanh Giản. Cụ sinh năm 1796, quê ở làng Bảo Thạnh huyện Ba Tri, Bến Tre, năm 1826 cụ được bổ làm quan dưới triều Minh Mạng sau khi đã đỗ tiến sĩ và tiếp tục dưới các triều Thiệu Trị, Tự Đức.
Điện thờ. |
Dưới triều Tự Đức, cụ từng được cử đi sứ ở nhiều nước châu Á và châu Âu. Tuy nhiên, cụ đã thất bại trong sứ mệnh qua Pháp để chuộc lại 3 tỉnh miền Đông. Khi về nước, cụ được phong làm Tổng đốc Vĩnh Long kiêm kinh lược sứ 3 tỉnh miền Tây.
Trước sức mạnh về quân sự, Pháp quyết tâm đánh chiếm 3 tỉnh miền Tây. Thành Vĩnh Long bị bao vây, Phan Thanh Giản liệu sức mình không thể chống lại được nên đã tìm cái chết. Sau khi nhịn ăn 17 ngày, ngày 4/8/1867 cụ uống thuốc độc quyên sinh. Trước khi chết, cụ dặn dò con cháu không được hợp tác với Pháp. Từ lời dặn này, sau đó các con của cụ, Phan Liêm, Phan Tôn, Phan Ngữ đã chống Pháp quyết liệt.
Bên trong sân đình |
Trong bức sớ gửi cho vua Tự Đức có đoạn cụ viết: "Tội tôi đáng chết không dám sống cẩu thả để cái nhục lại cho quân phụ". Tình thế đất nước đang lúc rối bời, cả triều đình lẫn vua Tự Đức đều gán tội làm mất thành, mất đất cho cụ và ban lệnh xử trảm, mặc dù cụ đã chết. Cụ còn bị xóa hết phẩm hàm, đục bỏ tên trên bia tiến sĩ. Mãi đến năm 1886, cụ mới được khôi phục lại chức vị. Năm Khải Định thứ 9, cụ được sắc phong làm Thành Hoàng ở Tương Bình Hiệp đến nay.
Hàng năm cứ đến ngày 12 thang 10 âm lịch, người dân khắp nơi đổ về đình Tương Bình Hiệp để viếng cụ Phan. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hiếu Học cho biết, một văn thư chính thức của viện Sử học phúc đáp cục Di sản văn hóa đã xác nhận Phan Thanh Giản có nhiều đóng góp lớn đối với lịch sử dân tộc trên lĩnh vực ngoại giao, chính trị, văn học, sử học. “Với nhận thức mới trên quan điểm lịch sử cụ thể, nhân vật Phan Thanh Giản xứng đáng được tôn vinh bằng nhiều hình thức khác nhau”, viện Sử học kết luận.
Cầm 200 đô sang Hàn, mẹ đơn thân vừa học tiến sĩ vừa nuôi con
Là nghiên cứu sinh, làm mẹ đơn thân, lại vừa được bầu chọn là ‘Công dân danh dự của thành phố Seoul’, Minh Phương cùng lúc thực hiện nhiều vai trò khác nhau.
Trần Chánh Nghĩa