Công ty vừa được Rakuten mua lại với giá 900 triệu USD một năm trước ban đầu giới thiệu 3 game cho người dùng tại Belarus, Malaysia, Israel, Singapore và Ukraine vào tháng 12/2014. Các tựa game Viber Candy Mania, Wild Luck Casino và Viber Pop cho phép người dùng Viber chơi, chia sẻ tỉ số, thách đấu nhau và tương tác với nhau. Về lý thuyết, game có thể gia tăng sự gắn bó giữa người dùng với dịch vụ và quan trọng nhất chính là giúp Viber kiếm tiền thông qua các khoản mua sắm trong ứng dụng (in-app purchase) của người chơi.

Tổng Giám đốc Viber Talmon Marcos cho biết ông muốn đưa các tựa game đến cộng đồng quốc tế của mình, hiện đã có 236 triệu người dùng hàng tháng. Marcos từ chối cung cấp chi tiết về giai đoạn thử nghiệm song khẳng định kết quả “đáng khích lệ”. Trong tương lai, sẽ có các tựa game mới cho người dùng Viber.

Viber hi vọng game sẽ trở thành nguồn doanh thu quan trọng giống như các đối thủ khác đã làm được. In-app purchase từ game chiếm hơn một nửa doanh thu của Line, trong khi Tencent cũng chứng kiến doanh thu di động tăng vọt nhờ vào danh mục game của WeChat. Game còn giúp KakaoTalk sinh lời kể từ năm 2013.

Game rõ ràng mang lại nhiều hứa hẹn cho các dịch vụ nhắn tin song cũng cần cẩn trọng. Naver, công ty mẹ của Line, không đạt được doanh thu như dự tính trong quý gần đây nhất sau khi một số game chủ lực trên nền tảng Line hoạt động kém. Từ đó, Line bắt đầu tập trung vào các dịch vụ ngoại tuyến bằng quỹ đầu tư mới và một loạt sáng kiến mới bao gồm dịch vụ taxi Tokyo, chuyển phát đồ tạp hóa và dịch vụ tivi.

Viber hiện đang kiếm tiền từ game, sticker và dịch vụ gọi quốc tế như Skype. Năm 2014, công ty giới thiệu nền tảng giống mạng xã hội dành cho các nhân vật nổi tiếng. Một điều đáng chờ đợi nữa là Viber sẽ giới thiệu dịch vụ thương mại dựa vào Rakuten vào năm nay.