- Trước phát kiến của độc giả Phạm Xuân Anh "cần xây dựng một nền giáo dục trung thực" - rất nhiều "hiến kế" với mong mỏi giáo dục nước nhà trong tương lai không xa sẽ có thay đổi...Số đông ý kiến cho rằng cần phải thay đổi nhiều thứ. Nhưng trước mắt theo độc giả Phạm Kha, ngành giáo dục cần tập trung sắp xếp, phân bổ lại nguồn lực hiện có.

Các tin liên quan

Bộ trưởng nên 'vi hành'

'Là bộ trưởng, tôi cần 5 năm để thay đổi'

Nếu tôi là Bộ trưởng Bộ Giáo dục?

Ai cho giáo viên trung thực?

Độc giả Phạm Kha (khavissan@gmail.com): "Tập trung sắp xếp, phân bổ lại nguồn lực hiện có..."

Theo tôi, công việc trước mắt của Việt Nam hiện nay là tập hợp, sắp xếp, phân bổ tất cả các nguồn lực hiện có để tập trung xây dựng 2 ĐHQG chịu trách nhiệm đào tạo nhân tài cho đất nước. ĐHQG Hà Nội tuyển sinh toàn khu vực phía Bắc. ĐHQG HCM tuyển sinh khu vực phía  Nam.

{keywords}
Ảnh Lê Anh Dũng

7 trường ĐH Vùng gồm: Hà Nội - Tây Bắc bộ, Hải Phòng - Đông Bắc bộ, Vinh - Bắc Trung bộ, Đà Nẵng - Trung Trung bộ, Nha trang - Nam Trung bộ, TP HCM - Đông Nam bộ, Cần Thơ - Tây Nam bộ có trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

63 trường ĐH địa phương của 63 tỉnh thành, tuyển sinh trong tỉnh - đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho địa phương.

Và cuối cùng là 63 trường Trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) ở 63 tỉnh thành - đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề (thợ) cho địa phương). Quy mô sinh viên và số lượng tuyển hàng năm sẽ căn cứ vào nguồn lực giảng viên hiện có của từng trường (sau khi sắp xếp lại) quyết định theo tỷ lệ sinh viên/giảng viên quy đổi: ĐHQG = 10, ĐH vùng = 15, ĐH địa phương = 20, TCCN = 25.

Bãi bỏ kỳ thi ĐH hàng năm, mà thay vào đó là: căn cứ vào tổng thành tích đạt được của từng học sinh trong suốt 12 năm học phổ thông và kỳ thi tốt nghiệp cấp 3 sẽ quyết định. Mỗi học sinh sau khi tốt nghiệp cấp 3 sẽ nộp 1 bảng thành tích cá nhân và 3 nguyện vọng ngành của mình về ĐHQG của miền mình đang ở.

Ở đây ĐHQG sẽ xét từ trên xuống theo các trọng số trong bảng thành tích và nguyện vọng của sinh viên để tuyển 1 phần học sinh xuất nhất theo chỉ tiêu của trường. Sau đó ĐHQG sẽ chuyển số học sinh còn lại phân bổ về cho từng Vùng. ĐH Vùng sẽ làm công việc tương tự, rồi đến lượt ĐH Địa phương, TCCN…. để đến cuối cùng toàn bộ số học sinh tốt nghiệp cấp 3 hàng năm sẽ tuỳ theo trình độ hiện tại của mình được vào đúng cấp bậc trường tương ứng, và nếu càng giỏi sẽ dể dàng vào được ngành học đăng ký nguyện vọng 1 của mình….

Nếu sinh viên không hài lòng, muốn cải thiện thành tích có thể đăng ký học lại cả năm lớp 12 hoặc thi tốt nghiệp lại… để nâng cao sức cạnh tranh vào năm sau.

Độc giả Nguyễn Ngọc Hà (nguyenhahl@gmail.com): "Phải thay đổi nhiều thứ..."

Giáo dục muốn thay đổi hiệu quả thì phải thay đổi rất nhiều thứ, chứ không chỉ có trung thực. Chúng ta phải nhìn nhận thấu đáo vì sao Giáo dục Việt Nam chậm phát triển - là do có một số nguyên nhân lớn sau:

- Chỉ đạo của Nhà nước về giáo dục chưa sát, thiếu thực tế, thiếu quy hoạch, kế hoạch. Mỗi gia đình, mỗi nhà trường, mỗi địa phương phát triển theo kiểu mạnh ai nấy làm.

- Đội ngũ cán bộ quản lí các cấp chất lượng trình độ thấp, năng lực quản lí yếu kém, thụ động, không chấp nhận sáng tạo, không chịu đổi mới, đặc biệt là đội ngũ quản lí các cơ sở giáo dục.

- Chất lượng đội ngũ giáo viên khập khiễng cả về trình độ lẫn độ tuổi. Việc tự học, tự bồi dưỡng và bồi dưỡng thường xuyên của đội ngũ này hiệu quả rất thấp. Năng lực sư phạm yếu, không đổi mới, phần đông giáo viên không đáp ứng được yêu cầu dạy học hiện nay.

- Chương trình giáo dục, nội dung giáo dục không thống nhất, thường xuyên bổ sung chỉnh sửa, chắp vá, không ổn định. Yêu cầu kiến thức cao... Nhiều nội dung dạy học không thiết thực, thiếu tính nhân văn.

- Cơ sở vật chất dạy học chắp vá thiếu đồng bộ, đồ dùng thiết bị dạy học chất lượng kém, khó sử dụng gây lãng phí lớn.

- Lương và phụ cấp cho cán bộ giáo viên thấp, cào bằng thiếu tính động viên, không đúng theo năng lực, công sức dẫn đến chất lượng dạy thấp , giáo viên không nhiệt tình, không hăng say với nghề. Áp lực lớn cả về thời gian, lẫn công việc nhiều nên nhiều giáo viên không đáp ứng được có xu hướng bỏ bê.

- Đòi hỏi của xã hội, của phụ huynh quá lớn trong khi đó sự hợp tác, động viên đối với ngành GD lại không có. Chỉ thấy chê, khiển trách mà không thấy được trách nhiệm của họ vào quá trình giáo dục.

- Toàn xã hội có chung một biểu hiện đó là thiếu trung thực. Mọi cái đều được tô hồng, không thực chất, bệnh thành tích quá lớn.

- Quản lí các loại kinh phí giáo dục thất thoát, lãng phí lớn, không chú trọng đúng mục đích đầu tư. Đầu tư cái gì, đầu tư vào đâu?

- Các cấp quản lí không nghiêm, không kiên quyết. Thiếu tính khoa học, không thực tế.

Nếu thay đổi giáo dục phải chấp nhận hiện nay chúng ta đang bị bệnh rất nặng. Có uống thuốc không, uống thuốc chữa bệnh nào trước. Với căn bệnh đó phải chữa trong bao lâu thì khỏi để chữa tiếp bệnh khác.

Muốn cải cách giáo dục (CCGD) thành công đầu tiên đội ngũ cán bộ quản lí giáo dục phải giỏi, phải có tâm, phải làm được và phải sáng tạo. Giáo viên phải đáp ứng được yêu cầu. Các cấp quản lí nhà nước, nhân dân và các tổ chức xã hội, các đoàn thể phải hợp tác nhiệt tình để khắc phục các nguyên nhân trên.

Độc giả Hữu Lân Vũ (vuhuulan@ymail.com): "Cần đa dạng hóa các hình thức học..."

Theo tôi ngoài vấn đề xây dựng một nền giáo dục trung thực ra, chúng ta cần có các chủ trương và đường lối giáo dục tiên tiến trên cơ sở chọn lọc các tinh hoa của nền giao dục trong nước và nước ngoài.

Cần đa dạng hóa các hình thức học tập. Trên cơ sở chuẩn hóa chương trình cho từng lớp học và cấp học, trong đó cấp học (cấp 1, 2, 3 ...) là cơ bản.

Hàng năm sẽ tổ chức thi cứ trung thực theo dạng tín chỉ để tạo điều kiện cho mỗi người hoàn thành các cấp học của mình và giúp họ có thể học vượt cấp nếu họ đủ năng lực (thi đậu ) - chính yếu tố này sẽ phát huy được các tài năng cho đất nước .

  • Nguyễn Hiền (tổng hợp)