- Ngày 29/9, VietNamNet nhận được đơn tố cáo của ông Nguyễn Ngọc Thành, giảng viên Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội tố cáo PGS.TS Trần Văn Tớp - hiệu phó kiêm Chủ nhiệm UBKT Đảng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội.
Trong đơn, ông Thành tố cáo ông Tớp về việc ông Tớp chép lại gần như 100% của gần hết các nội dung giáo trình “Một số vấn đề kỹ thuật điện cao áp ở siêu cao áp và cực cao áp” của PGS.TS Võ Viết Đạn, Hà Nội 1993.
GS Lê Văn Út (bên trái) và PGS.TS Nguyễn Đình Thắng (bên phải) trong buổi trao đổi với PV sáng 1/10. |
Biên bản thẩm định sách giáo trình của PGS.TS Trần Văn Tớp năm 2007. |
Sáng 1/10, PGS. Trần Văn Tớp – Hiệu phó Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, việc ông Nguyễn Ngọc Thành tố cáo ông, bản thân ông đã biết sự việc, đã có giải trình với Bộ GD-ĐT, mọi việc xin chờ kết luận, xử lí của Bộ GD-ĐT.
Bìa giáo trình của PGS.TS Võ Viết Đạn (bên trái) và sách của PGS.TS Trần Văn Tớp (bên phải). |
Bên trái là sách của PGS.TS Vũ Viết Đạn và bên phải là sách của PGS.TS Trần Văn Tớp. |
TS. Nguyễn Huy Phương –Viện trưởng Viện điện cho biết ngày 16/9 viện đã có buổi họp với sự tham gia của các giảng viên trong bộ môn hệ thống điện và PGS.TS Trần Văn Tớp. PGS.TS Trần Văn Tớp cũng đã có biên bản giải trình
Tập hợp buổi họp có 7 ý kiến về sự việc. Thứ nhất, PGS.TS Trần Văn Tớp biên soạn giáo trình là do yêu cầu của bộ môn và phân công trong nhóm chuyên môn nhằm đáp ứng nhu cầu cập nhật và phát triển giáo trình về kỹ thuật điện cao áp.
Bên trên là giáo trình của PGS.TS Vũ Viết Đạn. |
Phía dưới là sách của PGS.TS Trần Văn Tớp với nội dung giống hệt. |
Thứ hai, giáo trình được PGS.TS Trần Văn Tớp biên soạn theo đề cương đã được nhóm chuyên môn và bộ môn thống nhất thông qua.
Thứ ba, về hình thức, có thể thấy một số chương, mục trong giáo trình của tác giả Trần Văn Tớp có giống với tài liệu số 2. Điều đó là đương nhiên vì các chương, mục này đều trình bày về các kiến thức nền tảng, cơ bản của chuyên ngành.
Thứ tư, tài liệu số 2 (năm 1993) mà GS Võ Viết Đạn làm chủ biên là tổng hợp đóng góp công sức chung của nhóm kỹ thuật điện cao áp nên được xem là công trình chung của cả nhóm chuyên môn trong đó có PGS.TS Trần Văn Tớp. Hơn nữa, tài liệu số 2 chỉ là bài tập giảng cho lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ vận hành đường dây 500kV của Trung tâm điều độ quốc gia, được đặt hàng bởi Tổng công ty Điện lực VN, chỉ được đánh máy, photo và lưu hành nội bộ nhóm chuyên môn của bộ môn hệ thống điện.
Thứ năm, Tài liệu số 2 đã được tác giả Trần Văn Tớp giới thiệu rõ ràng trong lời nói đầu và trong danh mục tài liệu tham khảo của giáo trình “Kỹ thuật điện cao áp: Bảo vệ và chống quá điện áp”. Thứ sáu, về chuyên môn giáo trình của tác giả Trần Văn Tớp đã mở rộng và phát triển thêm nhiều nội dung mới, cập nhật, đáp ứng được yêu cầu đối với công tác nâng cấp, phát triển giáo trình.
Thứ bảy, sau khi biên soạn, giáo trình của tác giả Trần Văn Tớp đã được nhóm chuyên môn và bộ môn hệ thống điện thẩm định kỹ trước khi xuất bản. Về cuốn tập bài giảng năm 1993 của PGS. Đạn không xuất bản, do đó không phải là tài liệu tham khảo. Như vậy cuốn giáo trình của PGS. Tớp không vi phạm bản quyền, việc được thực hiện đã có cả quy trình.
Trao đổi với VietNamNet, GS. Lã Văn Út, nguyên trưởng bộ môn hệ thống điện cho rằng cần phân biệt thế nào là sao chép giáo trình khác hẳn với sao chép một luận án hay một đề tài nghiên cứu.
Luận án, đề tài nghiên cứu là công trình của cá nhân, thậm chí chỉ sao chép một định lý rồi bảo đó là của mình thì không chấp nhận được. Nhưng đối với sách giáo khoa là tài liệu tập hợp những kiến thức của nhân loại và thường xuyên phải được cập nhật mới, càng mới càng tốt để cho sinh viên học.
“Ở SGK chưa kể các câu của những giáo sư nước ngoài họ viết ngắn gọn, súc tích, cô đọng. Vậy bảo cấm không được viết giống của các thầy có nghĩa là chúng ta làm tồi đi. Do đó, việc kế cận tài liệu cũ là chuyện bình thường” – GS Út nêu ý kiến.
Cuốn tài liệu 1993 của PGS.TS Võ Viết Đạn giống như một thành quả của việc tiếp thu kiến thức mới cập nhật mà cuốn giáo trình năm 1972 chưa có. Cũng năm 1993 ngành điện muốn bộ môn đào tạo cho một lớp kỹ sư vận hành trung điện quốc gia, các trạm 500kV. Trong hợp đồng ký với ngành điện lúc đó yêu cầu phải có tài liệu giảng cho học viên. Lúc đó PGS. Võ Viết Đạn có tặng cuốn tài liệu cho PGS. Trần Văn Tớp với ý: “Cứ cập nhật nội dung này vào bài giảng trên lớp dạy kỹ sư đó”.
Lúc đó GS. Út đề nghị tổ chuyên môn cho tái bản quyền giáo trình năm 1972 để cập nhật thông tin. Nhưng cho tới sau năm 1993 PGS. Võ Viết Đạn cũng chưa có ý muốn tái bản cuốn giáo trình của mình. Tới năm 2003 PGS. Đạn qua đời.
Cho tới sau này nhóm cao áp vẫn thiếu một cuốn giáo trình cập nhật. Do đó, khoảng năm 2006 GS. Út có đề nghị PGS. Trần Văn Tớp, PGS. Nguyễn Đình Thắng và một số người khác nên viết chung hoặc như thế nào đó để ra được cuốn giáo trình cập nhật. Cuốn giáo trình của PGS. Trần Văn Tớp ra đời trong năm 2007.
Còn so với cuốn năm 1972, theo GS Út: “Giáo trình của thầy Tớp có hai cái mới làMô hình điện hình học dùng để tính toán vùng bảo vệ chống sét và chương về Hiệu quả của việc phân pha giữa đường dân cao áp và siêu cao áp để tăng hiệu quả truyền tải. Nếu thầy Tớp không cập nhật thì sẽ không có ai cập nhật”.
Đặt câu hỏi, liệu khi viết cuốn giáo trình ông Tớp tại sao không để tên mình cùng tên PGS. Đạn, GS Út cho biết, từ năm 1993-2003 PGS.TS Đạn không cập nhật giáo trình của mình. Chuyện viết chung PGS. Đạn cũng không mời ai. Vì vậy khi viết, PGS. Tớp đã chú thích ở đầu giáo trình.
“Tôi có suy nghĩ bỗng dưng có PGS. Đạn ở đây chắc ông ấy cũng hài lòng, vì những tài liệu của ông mà không có ai cập nhật cũng sẽ biến mất. Nhưng thầy Tớp có cập nhật và có nhắc tên PGS. Đạn là rất trân trọng” – GS Út chia sẻ.
- Đăng Duy