Dưới đây là 2 chuyện như vậy, được rút ra từ cuốn sách "Chuyện của chúng tôi” do ông là tác giả. Tuần Việt Nam xin trân trọng giới thiệu.
Chuyện thứ nhất: “Thà nhìn mặt con trâu còn sướng hơn!”
Ngày hè rỗi rãi, lại nhớ về mùa hè ngày xưa, xin kể lại câu chuyện vui mùa hè năm ấy:
Đầu tháng 5/2002, tôi đi vận động bầu cử ở Lào Cai. Hôm đó, đến xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai. Đón chúng tôi ngoài cổng trụ sở Ủy ban Nhân dân xã có Bí thư Đảng ủy xã Sùng Seo Nhà, một cái tên đến nay tôi vẫn không thể nào quên được. Sùng Seo Nhà lúc đó tầm 50 tuổi, dáng người thấp nhỏ, đứng chỉ ngang vai tôi, nhưng lại rất nhanh nhẹn, năng nổ, nói năng chân chất, theo kiểu nói của đồng bào Mông. Khi gần vào Hội trường, qua chỗ dán ảnh và tiểu sử các ứng cử viên, Sùng Seo Nhà đột ngột với tay vỗ vai tôi và nói:
- Mấy thằng thợ in nó chơi xấu mày, mày nhìn trẻ đẹp mà nó in ảnh mày xấu quá!
Khi đi qua trường tiểu học xã, chúng tôi thấy một câu khẩu hiệu to:
“Non sông Việt Nam sau này có sánh vai cùng các cường quốc năm châu được hay không, đấy là nhờ ở sự cố gắng học hành của các cháu học sinh xã Cán Cấu”.
Anh Giàng Seo Phử, khi đó là Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai, cười và bảo:
- Sản phẩm của Sùng Seo Nhà.
Sùng Seo Nhà nhìn tôi cười:
- Phải viết lại như thế, dân tao mới hiểu.
Trưa hôm đó, chúng tôi về nhà Sùng Seo Nhà ăn cơm. Sùng Seo Nhà hỏi tôi:
- Mày ăn được “thắng cố” không?
Tôi nói:
- Cái gì mọi người ăn được thì tôi cũng ăn được. Tôi đã ăn canh thịt chuột nấu với rau cải.
Bữa trưa có thắng cố, lợn “cắp nách”, mèn mén, rượu Bắc Hà.
Rượu được vài ly, cười nói vui vẻ. Sùng Seo Nhà vỗ lưng tôi bảo:
- Phúc à, nhìn cái mặt mày rất đẹp, mày nói hôm nay cũng rất đẹp, rất hay. Nhưng dân người Mông tao bảo: nhìn cái mặt đẹp chưa phải là con người tốt, nghe lời nói hay chưa phải là con người tốt. Nhìn cái mặt đẹp, nghe lời nói hay, nhưng việc làm mà xấu thì dân Mông tao THÀ NHÌN CÁI MẶT CON TRÂU CÒN SƯỚNG HƠN!
Mọi người cùng cười.
Trong nhiệm kỳ đó, anh em trong Đoàn Đại biểu Quốc hội chúng tôi mỗi lần đi tiếp xúc cử tri lại kể câu chuyện cũ và vẫn nhắc nhau: Đừng để dân quay mặt để nhìn mặt con trâu!
Hết nhiệm kỳ, chúng tôi đi tiếp xúc và chào tạm biệt cử tri, về lại Cán Cấu, Si Ma Cai. Lúc phát biểu tạm biệt, anh Phử nói:
- Nhiệm kỳ tới, anh Phúc chắc không được ứng cử ở Lào Cai nữa vì Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh ta có quá nhiều Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Hôm nay cũng là chia tay anh Phúc. Nhiệm kỳ tới anh Phúc đi ứng cử ở tỉnh khác.
Hôm đó, rượu Bắc Hà uống liên tục. Sùng Seo Nhà tiễn chúng tôi đến giáp giới Bắc Hà, tưởng là chỉ bắt tay chào nhau, nhưng lại chào nhau bằng rượu. Lại uống. Sùng Seo Nhà bảo tôi:
- Bây giờ thì dân tao thích nhìn cái mặt mày rồi, bọn tao còn muốn mày ở lại, nhưng cấp trên lại không cho mày ở lại.
Thời gian thoi đưa, 20 năm rồi. Anh Giàng Seo Phử đã trở về thiên cổ. Tôi đã 77, Sùng Seo Nhà ngoài 70. Gọi điện lên Si Ma Cai hỏi thăm, Sùng Seo Nhà vẫn khỏe, vẫn đi nương và uống rượu ngô.
-----
Chuyện thứ hai: Dân nhớ lâu lắm
Đây là câu chuyện ngày tôi đi tiếp xúc cử tri ở Lào Cai. Hồi đó, tôi đã kể lại cho một số anh em cán bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Các anh lãnh đạo cũ của tỉnh Lào Cai cũng biết chuyện này. Định không kể lại nữa, nhưng nhiều người bảo tôi nên kể cho mọi người biết để biết DÂN họ nghĩ gì trước mỗi việc làm của người “cán bộ nhà nước”.
Năm 2002, tôi được giới thiệu về ứng cử Đại biểu Quốc hội ở tỉnh Lào Cai. Tôi được phân công về đơn vị bầu cử gồm các huyện Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai, Bảo Yên, Bảo Thắng. Số giới thiệu là 4, bầu chọn 3. Trên gợi ý chọn 3 người trúng cử là anh Giàng Seo Phử, Bí thư Tỉnh ủy; chị Lan, Phó giám đốc Sở Tư pháp; và tôi. Như vậy thì trúng cử là chắc. Nhưng tỉnh lại muốn chúng tôi trúng cử với tỷ lệ phiếu phải cao. Khi đi tiếp xúc với cử tri thì huyện cuối cùng là huyện Bảo Thắng. Các cuộc tiếp xúc ở 4 huyện trên đều vui vẻ, tốt đẹp vì đa phần là đồng bào dân tộc ít người, phần lớn là đồng bào Mông, đất của anh Phử.
Về đến Phố Lu, huyện Bảo Thắng, anh Phử hơi lo. Anh bảo tôi:
- Anh Phúc ơi, sáng mai lên hội trường, bọn mình phát biểu phải chặt chẽ, thận trọng, không như ở 4 huyện kia vì đây là huyện nhiều đồng bào đi kinh tế mới dưới xuôi lên. Dân trí cao, nhiều ý kiến lắm.
Sáng hôm sau lên hội trường, sau khi làm xong các thủ tục, đến mục cử tri phát biểu. Khi ông Chủ tịch Mặt trận huyện vừa dứt lời mời cử tri phát biểu thì không theo trình tự kịch bản, một cử tri ngồi ở hàng ghế cuối cùng đi thẳng lên bục và xin phát biểu luôn. Anh ta ăn mặc rất xuềnh xoàng, không giống như các cử tri khác, giọng lại hơi “ngất ngây”. Anh Phử hơi lo. Vị cử tri đó chậm chạp nói:
- Tôi xin phát biểu, tôi biết anh Phúc cách đây 18 năm.
Mọi người nhìn tôi.
Anh Phử hỏi khẽ tôi :
- Anh biết ông này không?
Tôi nói, tôi không biết.
Vị cử tri đó đã thủng thẳng kể lại câu chuyện gặp tôi vào mùa hè năm 1984, khi ông ấy còn làm về xây dựng ở dưới xã. Ông ấy phải về Hà Nội xin vật liệu xây dựng để lo việc xây dựng nhà tái định cư cho dân trong xã. Sau khi đã đi đến nhiều cơ quan liên quan nhưng không được giải quyết, cuối cùng, có người giới thiệu ông ấy đến gặp tôi. Tôi đã giải quyết công việc theo chức trách của mình một cách nhanh chóng, không phiền hà. Khi đó, tôi là Vụ phó Vụ Công nghiệp, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Kết thúc câu chuyện, vị cử tri đó đã kêu gọi mọi người ủng hộ tôi. Mọi người ồ lên vui vẻ, cười nói nhẹ nhõm, như vừa thoát hiểm.
Sau cuộc họp, anh Phử hỏi tôi :
- Anh có nhớ chuyện không?
Tôi nói:
- Tôi không nhớ, chuyện đã 18 năm rồi. Ở vị trí công tác của tôi, tôi đã gặp bao nhiêu người, giải quyết bao nhiêu việc, làm sao mà nhớ nổi!
Sau khi tiếp xúc cử tri ở các huyện xong, chúng tôi về tỉnh. Tỉnh tổ chức liên hoan giữa các ứng cử viên Đại biểu Quốc hội với lãnh đạo tỉnh. Mọi người nhắc lại chuyện ở Phố Lu. Hỏi ra thì chỉ có anh Bùi Quang Vinh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh biết người này. Ông ấy tên là Sùng. Bố mẹ ông ấy là người Hà Nội. Cả hai ông bà là giáo viên cấp 1 (tiểu học bây giờ). Những năm 1960, cả gia đình bỏ nhà ở Hà Nội đi lên Bảo Thắng lập nghiệp theo chương trình phát triển kinh tế mới ở miền núi, giống như gia đình anh Vinh. Có bố mẹ là giáo viên, nên thời học sinh, ông Sùng là một học sinh giỏi, được cử đi học đại học ở nước ngoài về chuyên ngành xây dựng. Vì chuyện quan hệ yêu đương với một bạn gái người nước bạn, nên ông ấy phải về nước. Về nước lại không được học đại học, chỉ được học trung cấp xây dựng. Ông ấy là người bất cần, thích gì là nói. Anh Giàng Seo Phử cười bảo tôi:
- May cho anh là không làm việc gì xấu, nếu làm việc xấu thì ông ấy sẽ kể lại như đã kể câu chuyện hôm nay thì phiền to!
Dân nhớ lâu lắm. Việc tốt, việc xấu dân đều ghi lại hết, lúc cần thì sẽ nói.
Võ Hồng Phúc