Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, để đảm bảo giải quyết các vụ án trong thời hạn theo quy định của pháp luật, Tòa án nhân dân tối cao đã chủ động đề xuất và được Quốc hội chấp nhận việc tổ chức phiên tòa trực tuyến. 

Các phiên tòa trực tuyến là phương thức mới trong việc tổ chức xét xử của Tòa án, thể hiện việc thích ứng và bắt kịp với các giá trị của nền tư pháp văn minh trong thời đại số.

Sau khi được Quốc hội thông qua, Tòa án nhân dân tối cao đã chủ động ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức các phiên tòa xét xử bằng hình thức trực tuyến.

Xet xu truc tuyen
Một phiên tòa xét xử trực tuyến được thực hiện bởi Tòa án Nhân dân tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Trọng Đạt

Tại một số nơi, việc đầu tư kỹ thuật và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến đã được chính quyền địa phương hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương như Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Giang, Lào Cai, Nghệ An, Quảng Bình,... 

Với cách làm chủ động, hàng chục nghìn phiên tòa xét xử trực tuyến đã được các Tòa án thực hiện. Theo thống kê của Tòa án Nhân dân tối cao, từ ngày 1/1/2022 đến nay, các Tòa án đã phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng tổ chức xét xử trực tuyến được gần 20.000 vụ án. 

Việc triển khai các phiên tòa xét xử theo hình thức trực tuyến đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và xã hội. Hình thức xét xử này đã hạn chế tập trung đông người, giúp người dân dễ dàng tiếp cận công lý, tiết kiệm chi phí đi lại, giảm thiểu rủi ro khi tham gia giao thông. 

Ngoài ra, việc xét xử trực tuyến cũng giúp tiết kiệm chi phí dẫn giải, bảo vệ, đồng thời khắc phục tình trạng người bị kiện không tham gia phiên tòa, góp phần hạn chế việc phải hoãn phiên tòa nhiều lần trong giải quyết các vụ việc hành chính.

Trong nhiều trường hợp, các phiên tòa trực tuyến còn đảm bảo tính nhân văn, nhất là với các vụ án hình sự có liên quan đến tội phạm xâm hại tình dục hoặc bị hại là trẻ em, khi người bị hại không cần xuất hiện trực tiếp tại phiên tòa.

Theo báo cáo của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, trung bình một năm đơn vị này tổ chức khoảng 40 hội đồng xét xử phúc thẩm tại các Tòa án địa phương, mỗi đợt kéo dài 10-15 ngày với chi phí từ 60 đến 100 triệu đồng. 

Tổng chi phí hằng năm cho các hội đồng là 3,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, kể từ khi triển khai xét xử trực tuyến, Đà Nẵng đã tiết kiệm được khoảng 50% chi phí, tương đương 1,6 tỷ đồng mỗi năm.

Các đơn vị chuyên môn thuộc Tòa án nhân dân tối cao dự toán, với 20.000 vụ án đã xét xử bằng hình thức trực tuyến, ước tính Ngân sách Nhà nước đã tiết kiệm được hơn 96 tỷ đồng.

Theo ước tính của các chuyên gia và thực tiễn tại các nước, việc triển khai Tòa án điện tử sẽ tiết kiệm từ 10% đến 15% chi phí hoạt động của Tòa án và chi phí xã hội, trong khi người dân được thụ hưởng nền tư pháp văn minh.