Chiếc tàu bay Boeing 727-200 mang số hiệu đăng ký XU-RKJ, từng thuộc sở hữu của Hãng hàng không Royal Khmer Airlines (Campuchia), đã đậu đỗ tại Nội Bài từ ngày 1/5/2007.

Theo tính toán của đại diện sân bay Nội Bài, tính cả tiền dịch vụ đậu sân bay, tiền dịch vụ bảo vệ máy bay, số tiền phía chủ sở hữu máy bay nợ dịch vụ đến ngày 23/4/2018 đã lên tới hơn 832.000 USD.

Chỉ còn chức năng trưng bày, làm quán cà phê

Cục Hàng không Việt Nam hiện đưa ra hai phương án để xử lý là định giá rồi đem bán đấu giá hoặc giao cho "chủ nợ" tiền dịch vụ là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACVACV0.0%).

{keywords}
Chiếc Boeing B727 từng thuộc sở hữu của Hãng hàng không Royal Khmer Airlines (Campuchia) bị bỏ lại tại sân bay quốc tế Nội Bài từ ngày 1/5/2007. Ảnh: Cục Hàng không Việt Nam. 

Với phương án định giá rồi bán đấu giá, đại diện Cục cho rằng do máy bay đã quá cũ và không còn nhiều giá trị sử dụng, khi bán sẽ chỉ có giá như sắt vụn và không đủ tiền để chi trả chi phí thuê đơn vị định giá.

Cụ thể, lãnh đạo Cục cho hay đã công khai mời gọi các đơn vị có chức năng thẩm định giá thẩm định chiếc máy bay 727-200 bỏ lại tại sân bay Nội Bài hơn 10 năm nay, nhưng không đơn vị nào nhận lời.

“Các đơn vị thẩm định giá trong nước từ chối vì họ chưa có kinh nghiệm và chiếc máy bay không còn chức năng chính - một phương tiện hàng không, mà chỉ còn chức năng trưng bày, làm quán cà phê...

Trong khi đó, việc mời các tổ chức định giá nước ngoài không được tính đến vì khả năng tiền định giá cao hơn giá trị tàu bay", lãnh đạo Cục Hàng không chia sẻ.

Cuối năm 2017, Cục Hàng không Việt Nam cũng khẳng định sẽ xem xét khả năng sử dụng tàu bay này vào mục đích khác.

Kéo về làm giáo cụ cũng tốn 3 tỷ đồng

Cũng vào cuối năm 2017, Học viện Hàng không Việt Nam cho biết đã 3 lần gửi văn bản đề nghị được tiếp nhận tàu bay Boeing 727-200 của Royal Khmer Airlines bỏ tại sân bay Nội Bài hơn 10 năm qua làm giáo cụ thực hành. 

Lãnh đạo học viện khi đó khẳng định tàu bay Boeing 727-200 bị bỏ rơi không còn khả năng khôi phục tính năng bay nhưng lại là một tài sản vô cùng quý giá để sử dụng làm giáo cụ trực quan, giúp sinh viên có điều kiện tiếp xúc với loại tàu bay, trang thiết bị tàu bay phù hợp với hệ tiêu chuẩn và công nghệ hiện tại còn áp dụng trong ngành hàng không.

Hơn nữa, loại tàu bay này còn đầy đủ các tài liệu kỹ thuật, tài liệu khai thác, quy trình… để các giảng viên có thể thiết kế các bài thực hành, thực tập theo đúng tiêu chuẩn của ngành.

Thời điểm đó, học viện khẳng định nếu đề xuất trên được phê chuẩn, họ sẽ tiếp nhận và kéo dắt về gửi tại khu vực quản lý của Công ty Kỹ thuật máy bay (VAECO) tại sân bay Nội Bài (là đối tác hợp tác đào tạo với học viện) và thuê các đơn vị khảo sát, lập phương án khả thi tháo lắp, di chuyển về cơ sở 3 của học viện tại Cam Ranh.

Để có thể khai thác được tàu bay này, học viện sẽ phải liên hệ với Boeing để xin bộ tài liệu phục vụ công tác đào tạo khai thác và bảo dưỡng tàu bay Boeing 727-200, sau đó cử giáo viên đi học các khóa đào tạo và bảo dưỡng; xây dựng các bài tập, quy trình hướng dẫn thực hành, thực tập cho sinh viên, học viên hàng không.

Phía học viện khi đó ước tính tổng kinh phí cho các khâu này khoảng 3 tỷ đồng, trong đó, thuê các đơn vị khảo sát, lập phương án khả thi tháo lắp, di chuyển về cơ sở 3 của học viện tại Cam Ranh là nhiều nhất, lên tới gần 2,5 tỷ đồng.

Giao cho ACV diễn tập chống khủng bố

Một phương án khác được Cục Hàng không Việt Nam đề xuất là giao máy bay này cho ACV. Cục cho rằng ACV hiện là “chủ nợ” của khoản chi phí dịch vụ sân đậu tàu bay và tiền bảo vệ tàu bay, do vậy, ACV được ưu tiên trong danh sách chủ nợ được thanh toán.

Hơn nữa, bản thân ACV cũng là một đầu mối quan trọng trong công tác phòng, chống khủng bố tại CHK, sân bay, do vậy việc giao lại cho ACV làm mô hình huấn luyện, diễn tập hàng năm có ý nghĩa lớn.

Phía ACV cũng đề xuất được phép sử dụng tàu bay này làm mô hình phục vụ thực hành, đào tạo, huấn luyện nhân viên an ninh hàng không, diễn tập khẩn nguy cứu hỏa, phòng chống khủng bố…

Một nguyên nhân nữa khiến Cục Hàng không nghiêng về phương án bàn giao máy bay này cho ACV là chi phí định giá. Cơ quan này cho hay không có đủ điều kiện, chức năng để thực hiện xác định giá khởi điểm của tài sản cũng như bán đấu giá, trong khi phương án thuê một đơn vị định giá độc lập thì "thu chẳng đủ bù chi".

(Theo Zing)