Trao đổi với VietNamNet, Phó giáo sư Nguyễn Hoài Nam, Giảng viên trường Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết viêm ruột thừa là một trong những chẩn đoán y khoa đầu tay của bất cứ sinh viên y khoa nào khi ra trường. Ruột thừa là một bộ phận của ống tiêu hóa nằm ở đáy manh tràng có dạng hình túi và nhỏ. Vị trí, ruột thừa nằm về phía dưới bên phải của phần bụng.  

Khi viêm ruột thừa, người bệnh có các dấu hiệu như đau bụng. Những cơn đau co thắt ở bụng, thời gian có thể kéo dài đến vài tiếng đồng hồ, khiến bệnh nhân cực kỳ khó chịu, cơn đau có thể âm ỉ kéo dài, chỉ thỉnh thoảng mới đau dữ dội. Một số trường hợp có thể bị nôn ói, trướng bụng.

Khi người bệnh vào viện với triệu chứng đau bụng như trên, các bác sĩ thường nghĩ ngay tới viêm ruột thừa và qua siêu âm cũng có thể thấy phần ruột thừa có bị viêm hay không.

Viêm ruột thừa và mổ cắt ruột thừa có thể làm tại tuyến huyện nhưng đôi khi vẫn khó chẩn đoán được. 

Tuy nhiên, khoảng 10% không thể chẩn đoán rõ ràng và có thể nhầm lẫn với các bệnh lý khác. PGS Nam cho biết viêm ruột thừa có thể nhầm với bệnh lý ở thùy dưới phổi phải, áp xe cơ thắt lưng - chậu, bệnh nhân đau hố chậu phải, sốt cao, có dấu kích thích cơ thắt lưng chậu, túi thừa Meckel, bệnh Crohn, lao ruột. Ngoài ra, viêm ruột thừa cũng dễ nhầm với các trường hợp viêm tai vòi, lạc nội mạc tử cung, thai ngoài tử cung ở nữ và xoắn tinh hoàn, viêm mào tinh hoàn ở nam.

Theo ông, trước  đây cho có siêu âm hiện đại thì tỷ lệ chẩn đoán nhầm viêm ruột thừa rất nhiều. Nhiều ca, bác sĩ chẩn đoán ban đầu là ruột thừa nhưng mổ ra hoàn toàn không phải. Vì vậy, với bệnh, nó không hề dễ dàng, ngay cả với các bệnh viện tuyến trung ương. 

Các bác sĩ phải chẩn đoán chính xác viêm ruột thừa, không để xảy ra biến chứng do chẩn đoán muộn như ruột thừa vỡ, viêm phúc mạc ruột thừa, thậm chí sốc nhiễm khuẩn và tử vong.

Trong y khoa, bác sĩ Nam cho rằng không có gì là chính xác 100%. Bất cứ chẩn đoán lâm sàng thăm khám bởi một người bác sĩ hay một phương pháp cận lâm sàng như xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng đều có độ nhạy và độ đặc hiệu nhất định.

40 năm làm trong nghề, Phó giáo sư Nam khẳng định bác sĩ nào cũng có lúc chẩn đoán lâm sàng có thể sai sót và trên bệnh nhân mỗi cuộc mổ đều có thể không giống với ban đầu. Có bệnh nhân có u gan nhưng mổ ra không phải. Ví dụ trường hợp bệnh nhân ở Bình Dương, chẩn đoán ban đầu viêm ruột thừa nhưng mổ ra là viêm vòi trứng. Khi đó, bác sĩ sẽ nhanh chóng xử lý phần chính cho bệnh nhân để tránh nhiễm trùng, nguy hiểm tới tính mạng của họ.

Theo một bác sĩ công tác tai Bệnh viện E, Hà Nội, viêm ruột thừa tưởng dễ mà khó. Bác sĩ này cho rằng trường hợp điển hình thì bác xe ôm cũng có thể chẩn đoán ra. Bản thân anh cũng từng trực cấp cứu và gặp một bác xe ôm chở bệnh nhân vào phòng cấp cứu. 

Bác sĩ này chia sẻ: “Khi bác sĩ hỏi người hỏi: bệnh nhân bị sao mà vào viện? Bác xe ôm trả lời ngay: cháu nó bị viêm ruột thừa". 

Khi mổ cho bệnh nhân đúng viêm ruột thừa. Tuy nhiên trường hợp không điển hình thì rất khó, ngay cả con một bác sĩ trưởng khoa ngoại cũng mổ ruột thừa khi đã viêm phúc mạc. Trong ngành y, không ít bác sĩ giỏi bị treo dao vì cái này rồi. 

Theo vị bác sĩ này, nếu trường hợp ở Bình Dương, các bác sĩ chẩn đoán trước phẫu thuật là viêm ruột thừa, sau mổ lại là viêm mủ vòi trứng là chuyện bình thường của y học. Trong sự việc ở Bình Dương là do người nhà chưa hiểu rõ vấn đề, bác sĩ cũng chưa giải thích kỹ dẫn tới hiểu lầm.