Ông Trần Minh, Viện trưởng Viện CNPM  cho biết, Viện đang hợp tác với một số doanh nghiệp xây dựng Kho giải pháp số với mục đích kết nối sản phẩm có tiềm năng nhằm tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm công nghệ trong nước.

Thông tin trên được ông Trần Minh, Viện trưởng Viện CNPM đưa ra lại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 ngày 25/12.

Theo ông Minh, trong năm 2019, Viện CNPM đã thực hiện các nhiệm vụ chính: Thực hiện 2 đề tài Khoa học công nghệ cấp Bộ về công nghệ blockchain, đám mây lưu trữ; các nhiệm vụ thường xuyên như tư vấn công nghệ ICT cho doanh nghiệp Việt Nam, phổ biến tri thức nâng cao nhận thức, thúc đẩy ứng dụng ICT...; chủ trì nhiệm vụ "Duy trì giải pháp ứng dụng CNTT phục vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin"...

Đối với hợp tác trong nước và quốc tế, Viện CNPM coi hợp tác quốc tế là giải pháp trọng tâm để thúc đẩy nghiên cứu khoa học, học hỏi kinh nghiệm, tích luỹ tri thức phục vụ cho các yêu cầu nhiệm vụ. Cụ thể, Viện đã làm việc với Công ty NTechlab - một trong những nhà cung cấp cấp lõi nhận diện khuôn mặt tại Nga để hợp tác chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp ICT Việt Nam nhằm hình thành sản phẩm mang thương hiệu Việt cung cấp cho khách hàng 2 nước Việt - Nga.

Bên cạnh đó, Viện CNPM đã và đang hợp tác với một số doanh nghiệp về công nghệ xây dựng Kho giải pháp số với mục đích trưng bày, giới thiệu, kết nối các sản phẩm/giải pháp nổi bật, có tiềm năng phát triển tại thị trường trong và ngoài nước với các doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu, nhằm mục đích hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam và tăng tính cạnh tranh cho các sản phẩm/giải pháp công nghệ trong nước.

Cũng theo ông Minh, Viện CNPM đã gặp một số khó khăn trong công tác tuyển dụng nhân lực CNTT có trình độ chuyên môn do chính sách đãi ngộ của cơ quan nhà nước thấp hơn mặt bằng của doanh nghiệp; chưa thể xã hội hoá các công trình nghiên cứu do nguồn ngân sách hạn chế; các nghiên cứu chuyên sâu, chưa có nguồn vốn hợp lý để thực hiện.

Về kế hoạch năm 2020, Viện CNPM sẽ nghiên cứu các phương pháp đánh giá các sản phẩm AI hỗ trợ lựa chọn trong mua sắm công; nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong đăng ký và bảo hộ bản quyền nội dung số; nghiên cứu hệ sinh thái doanh nghiệp phần mềm; nghiên cứu quản lý thiết bị IoT.... "Viện đề xuất thêm một số đề tài nghiên cứu chuyên sâu khác như nghiên cứu giải pháp thúc đẩy thị trường sản phẩm nội dung số trên các công nghệ mới AR/VP, lập tủ sách tri thức để giới thiệu về các đầu sách khoa học cho các trường đại học, viện nghiên cứu...", ông Minh chia sẻ thêm.

Ngoài ra, Viện trưởng Viện CNPM cũng đề xuất lãnh đạo Bộ TT&TT định hướng rõ hoạt động của Viện trong việc phục vụ Bộ phát triển công nghiệp phần mềm và nội dung số; tiếp tục tạo điều kiện để Viện tham gia vào các chương trình, đề án do Bộ chủ trì; phê duyệt kế hoạch tuyển dụng năm 2020 ngay trong tháng 1/2020 để Viện có kế hoạch nhân sự tốt nhất...

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm khẳng định: Viện CNPM cần thay đổi cách tiếp cận, nhất là từ lãnh đạo đơn vị, xác định được điểm giao thoa giữa cái mình thích, năng lực sở trưởng và hiệu quả tài chính. Từ đó, Viện cần xác định mình thiên về viện nghiên cứu ứng dụng, phục vụ cho nhu cầu thực tế quản lý nhà nước của Bộ TT&TT và của doanh nghiệp. "Viện cũng nên có khảo sát đánh giá nhu cầu của doanh nghiệp như AR/VR... để xem có tương xứng với việc đầu tư của mình hay không", Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Phan Tâm, Viện CNPM cũng cần bám sát yêu cầu của Bộ trưởng, tổ chức bộ máy tinh gọn, khẳng định giá trị không thể thiếu thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn, trung hạn, ngắn hạn, trọng tâm của mình. Viện cần sớm có đề xuất các dự án gắn với doanh nghiệp, đem lại hiệu quả cho các bên tham gia.