Sáng nay, 28/5/2015, Viện Kinh tế Bưu điện (KTBĐ), đơn vị trực thuộc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (BCVT) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập (28/5/1975 - 28/5/2015) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì tại Hà Nội.

Viện KTBĐ tiền thân là Viện Kinh tế và Quy hoạch Bưu điện được thành lập ngày 28/5/1975 theo quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện. Từ năm 1997, Viện KTBĐ trở thành đơn vị trực thuộc Học viện Công nghệ BCVT, vừa tiếp tục đảm nhiệm nhiệm vụ nghiên cứu vừa tham gia công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho Tập đoàn VNPT, cho ngành. Năm 2014, cùng với sự kiện Học viện Công nghệ BCVT được điều chuyển từ Tập đoàn VNPT về Bộ TT&TT quản lý, Viện KTBĐ vẫn tiếp tục thực hiện sứ mệnh là đơn vị nghiên cứu, đào tạo trong lĩnh vực kinh tế bưu chính, viễn thông và CNTT, góp phần xây dựng và nâng tầm Học viện, tiến tới trở thành trường trọng điểm quốc gia về CNTT-TT.

Trong lĩnh vực hoạt động khoa học công nghệ, 40 năm qua, Viện đã thực hiện 1.550 đề tài, nhiệm vụ các loại cùng gần 30 hợp đồng kinh tế dưới dạng sản phẩm cung ứng dịch vụ khoa học công nghệ cho các tổ chức kinh tế khác trong và ngoài nước.

Dù mới tham gia vào hoạt động đào tạo của Học viện từ năm học 2013-2014 song đến nay, Viện đã thực hiện khối lượng giảng dạy đạt 8.336 giờ giảng môn học gồm các môn học chính quy, các môn kỹ năng do Học viện tổ chức; hướng dẫn thực tập và làm đồ án tốt nghiệp cho 1.250 lượt sinh viên...

Viện cũng thực hiện đào tạo các khóa học ngắn hạn, bồi dưỡng cán bộ cho các đơn vị trong ngành cũng như đào tạo quốc tế cho đơn vị, tổ chức của các nước bạn như Lào, Myanmar về kinh tế TT&TT. Các hoạt động gắn kết giữa nghiên cứu - đào tạo - sản xuất kinh doanh luôn được Viện KTBĐ chú trọng.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng khẳng định, mỗi giai đoạn lịch sử, Viện KTBĐ đã gánh vác và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, góp phần không nhỏ cho lịch sử phát triển đi lên của ngành Bưu điện Việt Nam. Đến nay, Viện KTBĐ đã trở thành đơn vị nghiên cứu hàng đầu về lĩnh vực kinh tế bưu chính, viễn thông và CNTT. Bên cạnh các hoạt động nghiên cứu có tính chuyên ngành, thời gian qua, Viện KTBĐ đã bước đầu tham gia sâu vào hoạt động đào tạo, đảm nhận nhiệm vụ quản lý và đào tạo trực tiếp nhiều phân ngành của Học viện.

Cùng với đó, theo đánh giá của Thứ trưởng, trong suốt chặng đường 40 năm qua, Viện cũng đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ nghiên cứu có kinh nghiệm, đủ năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức, luôn năng động sáng tạo, tìm tòi cập nhật kiến thức, sẵn sàng phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển của ngành và xã hội.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhận định, giai đoạn hiện nay, đặc biệt là từ khi Học viện Công nghệ BCVT được điều chuyển về Bộ TT&TT, Học viện Công nghệ BCVT và Viện Kinh tế Bưu điện còn phải đối mặt với thách thức lớn mới nảy sinh, đó là yêu cầu về tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Do đó, Viện KTBĐ cần tập trung xác định lại nhiệm vụ của đơn vị mình, đặc biệt là khi lĩnh vực hoạt động đã được mở rộng, không chỉ các lĩnh vực về bưu chính, viễn thông, CNTT mà còn mở  rộng ra lĩnh vực truyền thông, báo chí xuất bản, phát thanh truyền hình. Điều này đòi hỏi lãnh đạo Học viện cần xem xét chỉ đạo Viện KTBĐ tổ chức lại các nhiệm vụ, hoạt động, từ đó xác định lại những vấn đề đòi hỏi, yêu cầu đối với đội ngũ cán bộ công chức Học viện.

“Bộ TT&TT luôn theo sát và ủng hộ các định hướng, hoạt động của Học viện, của Viện Kinh tế Bưu điện và tin tưởng rằng với truyền thống vẻ vang của mình, với đội ngũ lãnh đạo, cán bộ công nhân viên năng động và tâm huyết, giàu trí tuệ, Viện sẽ cùng Học viện giữ vững vị thế là một đơn vị nghiên cứu hàng đầu về lĩnh vực kinh tế bưu chính, viễn thông, CNTT và truyền thông”, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho biết.