Đợt mưa lũ lớn chưa từng có trong vòng 40 năm qua tại Quảng Ninh đã gây ra một số sự cố mất liên lạc, hư hỏng hạ tầng công nghệ, viễn thông trên địa bàn, tuy nhiên, các phương án khắc phục sự cố đã được toàn ngành Thông tin - truyền thông nhanh chóng triển khai để giảm thiểu ảnh hưởng tới người dân.

Gấp rút khắc phục sự cố mạng lưới

Theo báo cáo của Sở TT&TT Quảng Ninh, trong các ngày từ ngày 26/7 đến 31/7//2015, có khoảng 40 thuê bao cố định tại phường Mông Dương bị mất liên lạc; 3 trạm BTS khu vực Khe Tam Cẩm Phả; 200m cáp quang quốc lộ 329 đoạn Mông Dương– Ba Chẽ bị hư hỏng; trên 20 tủ cáp ngập bùn đất tổ 6, khu 9 Mông Dương. Trạm BTS than Cao Sơn ngập nước. Các sự cố này hiện đang được xử lý;

{keywords}

Riêng Hạ Long ngày 28/7 mất liên lạc trạm Hà Khánh 2 (tổ 19b, khu 3, Hà Khánh) do là vùng trũng nên bị ngập nước, cáp quang Móng Cái – Bắc Sơn; cáp quang Hải Hà – Đầm Hà; Bình Khê – Thượng Yên Công do sạt đất làm đứt đã khắc phục xong trong ngày 28/7. Các trạm BTS đã khôi phục liên lạc ngày 31/7. Hiện đang tập trung khắc phục Trạm Khe Tím gồm 34 thuê bao điện thoại cố định; phường Mông Dương khoảng 40 thuê bao điện thoại cố định; 1 trạm BTS tại Bản Sen.

Cũng do mưa lũ, cột treo cáp đã bị gẫy 72 cột, đổ 145 cột, nghiêng 257 cột, bị lũ cuốn trôi mất 48 cột. Tuy vậy, hiện các tuyến đều đã được khôi phục liên lạc tạm thời.

Trao đổi với VietNamNet, đại diện VNPT VinaPhone cho biết, sau đêm 26/7, một số trạm phát sóng 2G/3G tại Hạ Long, Cẩm Phả, Hải Hà của nhà mạng này có bị mất liên lạc rải rác, nguyên nhân chủ yếu là do mất điện lưới vì mưa quá to, lũ lớn gây sạt lở. Tuy nhiên, các cán bộ kỹ thuật của VNPT đã "làm việc ngày đêm, khắc phục hậu quả để đảm bảo liên lạc thông suốt ngay sau đó".

"VNPT cũng đảm bảo tốt thông tin phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo. Điển hình là ngày 27/07 đã tổ chức tốt Hội nghị Truyền hình cho lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh tới tất cả các huyện và ngày 30/7 tổ chức Hội nghị Truyền hình cho Bộ trưởng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố phía bắc (từ Hà Tĩnh trở ra)", VNPT VinaPhone cho hay.

Một nhà mạng khác là MobiFone cho biết, trong đợt mưa lũ vừa qua, rất may là tình hình mạng lưới của mạng này tại Quảng Ninh và Điện Biên vẫn hoạt động bình thường, không có sự cố nghiêm trọng do mưa lũ gây ra.

"Theo thống kê của MobiFone thì 90% sự cố trong ngày tại Quảng Ninh và Điện Biên là do mất nguồn điện. MobiFone đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án và đảm bảo chạy máy phát điện ứng cứu 100% khi xảy ra mất điện. Bên cạnh đó, có 3 trạm phát sóng tại Mỏ than Coc 6, Hà Tu và Quang Hanh bị hư hỏng do nước lũ dâng quá cao, gây ngập trạm. Hiện MobiFone đã sẵn sàng phương án thay thế thiết bị, phát sóng lại ngay khi điều kiện ra vào khu vực đặt trạm cho phép, đảm bảo an toàn cho người và thiết bị", đại diện MobiFone cho biết.

Trong khi đó, đại diện Viettel xác nhận, đợt mưa lũ tại Quảng Ninh vừa qua đã ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng và mạng lưới của nhà mạng này. Cụ thể, vào lúc cao điểm 9h sáng ngày 28/7, mạng Viettel đã bị gián đoạn thông tin ở 20 vị trí rải rác. Nguyên nhân cũng giống với sự xác định của VinaPhone và MobiFone, là do mất điện trên diện rộng tại toàn tỉnh và khó khăn trong di chuyển vật tư thiết bị, bởi mưa to, nước dâng cao ngăn cách.

{keywords}
Ảnh: Lê Anh Dũng

"Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng này được coi là không đáng kể, không có trạm bị ngập lụt, cột anten và nhà trạm vẫn được đảm bảo. Ngay trong ngày 28/7, Viettel đã điều hành xử lý và khắc phục được các vị trí bị ảnh hưởng, ổn định thông tin liên lạc phục vụ người dân Quảng Ninh", phía Viettel cho hay.

So với các nhà mạng viễn thông thì hoạt động cung cấp dịch vụ của bưu chính bị ảnh hưởng nặng hơn. Xác nhận với VietNamNet, đại diện VNPost cho biết tại Quảng Ninh, Sơn La, Điện Biên và nhiều địa phương khác như Lạng Sơn, Bắc Giang, lũ đã làm chia cắt các đường giao thông, ảnh hưởng đến việc hoạt động của các đường thư nội tỉnh , từ trung tâm tỉnh về các huyện, và từ huyện đi các xã. Cá biệt, có một số huyện bị chia cắt giao thông với tỉnh lỵ nhiều ngày ví dụ như: Cô tô (Quảng Ninh), Sơn Động, Lục Ngạn (Bắc Giang), Cò Nòi, Sông Mã (Sơn La).

Để đảm bảo thông suốt mạng lưới, Bưu điện Việt Nam đã yêu cầu các đơn vị khắc phục mọi khó khăn chuyển tải kịp thời, an toàn những văn bản quan trọng tới các cơ quan, đơn vị trên địa bàn trong vùng bão lụt. Ngay sau khi lũ rút, đường thông, Tổng công ty này đã đồng loạt khôi phục lại hoạt động của mạng lưới, thực hiện lưu thoát bưu gửi....

Tuy nhiên, khâu khắc phục không quá khó khăn, do ngay từ đầu mùa mưa bão, VNPost đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng các phương án phòng chống thiên tai, nhất là các phương án dự phòng, đường thư dự phòng để thích ứng với mọi tình huống, thực hiện phương châm chỉ đạo “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lao động tại chỗ, vật tư thiết bị tại chỗ, hậu cần tại chỗ)", đảm bảo sự chủ động, thống nhất từ Tổng công ty cho đến 14 cụm Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN), các Bưu điện tỉnh, Bưu điện huyện... , đại diện VNPost phân tích.

"Những ngày qua, Tổng công ty thường xuyên có lệnh điều tiết, Ban chỉ huy PCTT TKCN của Bưu điện tỉnh cũng thường xuyên nắm sát tình hình hàng ngày và có chỉ đạo cụ thể xuống các điểm phục vụ Bưu chính trong vùng xảy ra thiên tai". Ngoài ra, BĐVN cũng đã thông báo đến khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ gửi đến các địa chỉ nhận nằm trong vùng có thiên tai về việc có nhiều khả năng bị chậm trễ. Các thông báo này nhằm đảm bảo quyền lợi của khách hàng khi sử dụng dịch vụ của bưu điện, vị này cho hay.

Liên quan đến công tác chỉ đạo ứng phó mưa lũ, ngay từ ngày 26/7, Sở TT&TT tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn triển khai phương án phòng chống lụt bão của đơn vị, chủ động đối phó với tình hình mưa, lũ, lụt đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt.

Ngày 1/8, Sở TTTT tiếp tục có văn bản đề nghị các doanh nghiệp khôi phục mạng lưới bưu chính, viễn thông sau mưa lũ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Cơ quan này cũng cung cấp nhanh các báo cáo tổng hợp thông tin về tình hình mưa lũ, thiệt hại cho báo chí và tổ chức họp báo ngày 30.7 về đợt mua lũ.

Nhiều phương án đối phó

Xác định mưa lũ còn tiếp tục diễn biến phức tạp, VNPT VinaPhone đang tiếp tục quyết liệt triển khai các biện pháp như kiểm tra và gia cố lại toàn bộ nhà trạm, anten thuộc các hệ thống đài phát, đài thu vô tuyến, các hệ thống truyền dẫn, thông tin di động và mạng ngoại; Bổ sung kịp thời các thiết bị dự phòng như máy nổ, nhiên liệu máy nổ, ắc quy cho các đơn vị trên địa bàn các tỉnh bị mưa lũ… bằng mọi cách đảm bảo thông tin liên lạc cho nhân dân biết tình hình thời tiết để chủ động phòng tránh, phục vụ các công tác phòng chống lụt bão, cứu hộ cứu nạn tại Quảng Ninh và các tỉnh phía Bắc.

{keywords}
Ảnh: Lê Anh Dũng

Đáng chú ý, để hỗ trợ người dân vùng lũ, nhà mạng này đã áp dụng chính sách miễn phí 30 phút gọi nội mạng mỗi ngày cho mọi thuê bao của mạng này tại Quảng Ninh đến thuê bao cố định VNPT, GPhone toàn quốc, cùng 100 tin nhắn nội mạng cho cả thuê bao di động trả trước lẫn trả sau trên địa bàn. Thời gian áp dụng từ 0h ngày 3/8 đến hết 24h ngày 13/8. Tổng công ty cũng sẽ có phương án giảm cước thuê bao cho các thuê bao mạng hữu tuyến tại khu vực bị thiệt hại, đại diện VNPT VinaPhone nhấn mạnh.

Tương tự, để đối phó với diễn biến mưa lũ trong những ngày tới, MobiFone khẳng định sẽ cử lãnh đạo, nhân viên phân công trực 24/24, chuẩn bị sẵn các phương án ứng cứu kịp thời khi xảy ra các sự cố xảy ra; Tổ chức kiểm tra những trạm phát sóng nằm trong vùng bị lũ lụt, khắc phục ngay những hạng mục cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng nếu có như trạm bị nước vào... Kiểm tra chất lượng máy phát điện dự phòng, bổ sung nhiên liệu, kiểm tra an toàn điện các trạm tại khu vực đã bị ngập lụt.

Đối với các giải pháp mang tính dài hạn hơn để giảm thiểu sự cố do mưa lũ tái lặp, nhà mạng này dự định ưu tiên bảo dưỡng, sửa chữa cột cao ăngten, nhà trạm trong 6 tháng cuối năm; Thực hiện tối ưu cấu hình mạng tại các tỉnh, đặc biệt là các nút mạng và truyền dẫn Viba để tăng mức độ an toàn, có dự phòng. Đặc biệt, sẽ nghiên cứu đề xuất phương án cải tạo, xây dựng nhà trạm (về vị trí, độ cao mặt sàn phòng máy) để có thể phòng chống được mức nước lụt lớn như vừa qua.

Về phần mình, để chủ động ứng cứu thông tin và duy trì mạng lưới, Viettel cho biết đã tổ chức các đội kỹ thuật cơ động túc trực 24/24. 100% các vị trí trạm đều có người túc trực sẵn sàng để đảm bảo thông tin. Bên cạnh đó, Viettel cũng tăng cường gần 50 cán bộ, nhân viên kỹ thuật vào các khu vực là tâm điểm của mưa lũ như Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái và Vân Đồn. Về trang thiết bị, Viettel đã chuẩn bị sẵn sàng thiết bị vật tư, công cụ dụng cụ, nhiên liệu dự phòng đặt ngay tại các trung tâm huyện, đồng thời huy động bổ sung từ các huyện lân cận ít bị ảnh hưởng như Quảng Yên, Tiên Yên, Uông Bí.

Riêng với các trạm có nguy cơ ngập lụt, lực lượng kỹ thuật di chuyển và tiếp cận trạm bằng xuồng chuyên dụng để thực hiện kê kích thiết bị, đảm bảo an toàn cho các thiết bị tại trạm và sẵn sàng ứng cứu trong tình huống xấu nhất có thể xảy ra. "Tính đến ngày 03/8/2015, toàn bộ mạng lưới của Viettel tại Quảng Ninh vẫn được đảm bảo thông suốt, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ của khách hàng", Viettel nhấn mạnh.

Trong khi đó, VNPost cũng khẳng định Ban chỉ huy PCTT - TKCN của Tổng công ty, các Cụm, bưu điện Tỉnh/thành tiếp tục tổ chức trực 24/24 để có các chỉ đạo kịp thời đến những khu vực xảy ra sự cố, nhằm giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản, hàng hóa, bưu gửi.

Đồng thời, giống như mùa mưa lũ các năm trước, VNPost sẽ có chính sách vận chuyển miễn phí, giảm cước dịch vụ với đồng bào vùng thiên tai. Doanh nghiệp này cũng cho biết sẽ nghiên cứu và đưa ra các hình thức hỗ trợ, ủng hộ đối với người dân vùng mưa lũ trong các trường hợp cụ thể. 

Trọng Cầm