Tổng kết 6 tháng đầu năm, thị trường Viễn thông di động Việt Nam toàn những cơn sóng ngầm với những cuộc đấu không cân sức giữa các nhà mạng.




Thị trường viễn thông di động Việt Nam sắp đạt ngưỡng bão hòa và năm nay không có mấy các chương trình khuyến mại lớn như thường lệ. Tuy nhiên, cuộc đấu giữa tam đại gia đang chiếm thị phần khống chế và bộ tứ nhà mạng nhỏ vẫn khá dai dẳng và căng thẳng.

Mạng lớn lo hợp thể, mạng nhỏ già néo đứt dây

Năm 2010 được coi là năm bão tố của thị trường viễn thông di động Việt Nam. Nếu như 3 nhà mạng lớn Viettel, VinaPhone, MobiFone được ví là đại gia thì 4 nhà mạng nhỏ được gọi với cái tên mỹ miều “bộ tứ siêu đẳng” bởi thành tích “trụ hạng” trên thị trường tới giờ phút này.

Ngay những ngày đầu năm, trước thông tin SK Telecom thoái vốn khỏi S-Fone, các thuê bao nhà mạng này cũng không khỏi được phen lo sốt vó vì sợ S-Fone “bán cái” như HTMobile (tiền thân của Vietnamobile) đã từng làm vào năm 2008.

Trước thông tin đó, nhà mạng này cũng ra sức trấn an khách hàng bằng những đợt khuyến mại lớn về cước và chương trình kích cầu thuê bao. Thế nhưng, cũng không tránh khỏi một lượng lớn thuê bao rời mạng và chuyển sang các nhà mạng GSM vì rõ ràng mạng CDMA của S-Fone đang sử dụng là công nghệ duy nhất hiện nay tại Việt Nam, nếu nói rủi có ngưng hoạt động thì cũng không có nhà mạng nào khác “đỡ” hộ được cả.

Cùng công nghệ CDMA nhưng dải tần thấp, EVN Telecom là nhà mạng khá tủi phận khi thuê bao liên tục sụt giảm mà không có cách gì tháo gỡ. Điểm đáng nói là, dù rất nỗ lực trong việc tách đôi thuê bao, phân định hạ tầng 2G và 3G với đầu tư công nghệ riêng nhưng đến nay EVN Telecom vẫn chưa có hướng đi rõ ràng. Và một trong những cao trào của nhà mạng này là thương vụ sáp nhập bất thành với đại gia FPT cũng khiến EVN Telecom sụt giảm về uy tín.

Về phía Vietnamobile, sau đợt đứt gánh cùng Hutchison và chuyển đổi công nghệ mạng, việc nhà mạng này vượt lên và tăng trưởng số thuê bao đứng đầu trong nhóm bộ tứ hiện nay. Thế nhưng, tương lai của nhà mạng này cũng khá chông chênh khi lộ trình triển khai 3G không mấy sáng sủa và số lượng thuê bao chỉ nằm ở ngưỡng xấp xỉ 4 triệu, thay vì 10 triệu thuê bao như Vietnamobile từng hùng hồn tuyên bố.

Trong một diễn biến khác, mạng Beeline gần đây đã ra thông báo “đổi tướng” với hy vọng nhà lãnh đạo mới cùng số vốn được rót thêm sẽ vực dậy nhà mạng này trước thảm cảnh “bét bảng” như hiện nay. Số lượng thuê bao thấp, các gói cước khuyến mại bị hạn chế, băng tần giới hạn…Beeline cũng như vị quản lý mới ắt hẳn sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề trong một tương lai gần và cái đích đến là lọt vào top 4 dẫn đầu của thị trường, sánh vai cùng tam đại gia có vẻ như còn khá xa.

Không gặp các vấn đề về vốn hay thuê bao như “bộ tứ”, các nhà mạng lớn cũng vẫn phải đối mặt với khá nhiều trắc trở. Trước nghị định mới của Chính phủ về việc một công ty không được sở hữu đồng thời quá 20% ở 2 mạng di động, tập đoàn VNPT cũng như ngồi trên lửa bởi VinaPhone và MobiFone đang là con gà đẻ trứng vàng với số lượng thuê bao và doanh thu lớn nhất cả nước.

Rất nhiều phương án được VNPT đưa ra nhằm vừa giữ miếng vừa thực hiện đúng quy định nhưng dường như rất khó khả thi. Chừng nào VNPT còn dùng dằng trong lộ trình cổ phần hóa, thoái vốn khỏi MobiFone thì chừng đó việc tái đầu tư cho nhà mạng này vẫn còn nằm trong vòng luẩn quẩn.

Viettel là một nhà mạng khá chìm trong cả năm qua và ít gặp “thị phi” so với 6 nhà mạng còn lại. Tuy nhiên, với việc thị trường viễn thông bão hòa như hiện nay thì mục tiêu 150 nghìn tỷ doanh thu năm 2011 của nhà mạng này cũng khó mà thành hiện thực.

Hết giảm cước, tranh giành thuê bao bằng khuyến mại thẻ

Sau khi thông tư 11 được Bộ TT-TT ban hành và có hiệu lực từ 1/7/2010, các đợt giảm cước lớn của các nhà mạng đã không còn xuất hiện. Ngoài ra, nó còn góp phần chặn đứng các thuê bao ảo, SIM rác phát sinh và đưa con số thuê bao di động Việt Nam gần sát với thực tế hơn.

Tính đến hết năm 2010, theo Vụ Viễn thông Bộ TT-TT, cả nước có hơn 110 triệu thuê bao di động gồm cả 2G và 3G. Sau 6 tháng đầu năm, hiện chưa có thống kê cụ thể nhưng con số này cũng không thay đổi là bao.

Sự đuối sức thể hiện rõ khi đầu tháng 7 các nhà mạng lớn đã ngừng cuộc đua khuyến mại, từ mức 100% chỉ còn 50% cho các thuê bao trả trước. Các nhà mạng nhỏ hơn do có lợi thế không bị áp các hình thức siết khuyến mại nên cũng mạnh tay đưa ra các chương trình gọi miễn phí nội mạng với giá cước khởi điểm siêu rẻ.

Tuy nhiên nhìn nhận thực tế, ta có thể thấy rõ cước viễn thông khó có thể giảm sâu hơn nữa, đặc biệt là các gói cước dành cho thuê bao trả sau. Với việc thuê bao đạt ngưỡng bão hòa, dự báo Quý III năm nay sẽ là khoảng thời gian nóng bỏng khi các nhà mạng đã có cái nhìn rõ ràng hơn về kết quả cả năm cũng như phải đưa ra các chiến lược mới nhằm đạt được các yêu cầu đề ra về doanh thu.

Vương Long