Cuộc gặp gỡ doanh nghiệp (DN) Việt - Mỹ do Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều tối 23/5 có 2 cuộc phỏng vấn đặc biệt dành cho 2 vị kiến trúc sư làm nên TPP. Đó là ông Michael Froman, Trưởng Đại diện Thương mại Mỹ và ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương.

Cuộc thứ nhất thực hiện bởi ông Fred Burke, luật sư điều hành công ty Luật Baker & McKenzie tại Việt Nam với Trưởng đại diện thương mại Mỹ, ông Michael Froman.

Cuộc thứ hai giữa bà Virginia Foote, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ - ASEAN, người đã có 26 năm sống và làm việc tại Việt Nam với ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn Đàm phán TPP của Việt Nam.

{keywords}

Bộ Công Thương Việt Nam hiện đã tham vấn để sớm gửi báo cáo tới Chủ tịch nước xem xét về Hiệp định TPP. Trên cơ sở đó, Chủ tịch nước sẽ trình TPP ra Quốc hội để phê chuẩn. Việc này có thể diễn ra ở ngay kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XIV nhưng thời điểm thông qua phụ thuộc vào các Đại biểu Quốc hội quyết định. Nó có thể là ngay kỳ họp thứ nhất hoặc các kỳ họp sau.

Ông Froman cho biết: "Mục tiêu chúng tôi đặt ra là 12 nước thành viên TPP sẽ phê chuẩn Hiệp định trong vòng 2 năm. Tuy nhiên, những tình huống như không đủ 12 thành viên thông qua đã được tính đến. Vì thế, diễn biến phê chuẩn TPP tại các nước luôn được Mỹ cập nhật sát sao".

Việt Nam hướng tới 'Tiêu chuẩn cao'

Bà Virginia Foote bày tỏ băn khoăn với Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: "Vì sao Việt Nam lại có nhiều hoài bão ở các FTA thế hệ mới như TPP và tầm nhìn của Việt Nam là như thế nào?"

Vị Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam phân tích: "Việt Nam là thành viên của cộng đồng kinh tế ASEAN. Hàng hoá Việt Nam sẽ được tiếp cận trong ASEAN. Và nếu có thể tiếp cận các thị trường lớn như Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU mà không có thuế nhập khẩu thì khi đó, Việt Nam sẽ có vị thế đặc biệt. Nếu bạn đầu tư hàng hoá ở Việt Nam, bạn được quyền tiếp cận thị trường 600 triệu dân mà không có thuế nhập khẩu. Việt Nam sẽ trở thành một điểm đến rất hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài".

Ông Khánh nhấn mạnh: "Chính các hiệp định thế hệ mới như TPP, Việt Nam- EU sẽ giúp Việt Nam cải thiện chính thể chế và môi trường kinh doanh của mình".

"Trước đây, có nhiều ý kiến khác nhau về việc Việt Nam tham gia TPP vì tiêu chuẩn TPP rất cao. Tuy nhiên, Việt Nam cam kết chấp nhận các tiêu chuẩn cao của TPP còn có lý do quan trọng là bởi những tiêu chuẩn đó tương đồng chuẩn mực mà chúng tôi hướng đến", Thứ trưởng Khánh chia sẻ.

Ông dẫn chứng: "đòi hỏi trong TPP là DNNN phải minh bạch hơn, hiệu quả hơn, mua sắm Chính phủ công khai minh bạch, cuộc chiến chống tham nhũng tốt hơn để đời sống DN không gặp phải những yêu cầu trái khoáy từ cơ quan quản lý... Đó cũng là mong muốn của chính người dân, DN Việt Nam nên chúng tôi đã chấp nhận cam kết như ở các chương trong TPP về DNNN, về chống tham nhũng, về mua sắm Chính phủ ... "

Đặc biệt, trả lời những băn khoăn của bà Virginia Foote về vấn đề môi trường và quyền lợi của người lao động, ông Khánh nhấn mạnh: "Khi chấp nhận các cam kết về môi trường, lao động, chúng tôi muốn gửi một tín hiệu rằng, Việt Nam không vì phát triển kinh tế, vì tăng trưởng mà hi sinh môi trường và quyền lợi cơ bản của người lao động".

Để không ai lỡ chuyến tàu

Bên cạnh những vấn đề vĩ mô, mối quan tâm lớn nhất ở TPP chính là số phận các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ ra sao khi tham gia cuộc chơi tiêu chuẩn cao như vậy.

Trả lời trước câu hỏi này của ông Fred Burke, ông Michael Froman khẳng định: "TPP có một chương về các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là vấn đề toàn cầu và tất cả chúng ta không thể tạo ra chướng ngại vật ngăn cản sự phát triển của các DN này".

"TPP có những chương về hài hoá quy định pháp luật, như vấn đề về nguồn gốc xuất xứ phải được nắm vững... Với TPP, chúng tôi tin rằng sẽ thúc đẩy khả năng cạnh tranh của DN hai nước trong thị trường khu vực", ông Michael Froman nói.

{keywords}

Chủ tịch VCCI, ông Vũ Tiến Lộc bày tỏ: "TPP cần được xây dựng từ những viên gạch nhỏ - là các DN nhỏ và vừa, các hộ nông dân, khu vực nông nghiệp nông thôn. Chính thế, một chương trình hỗ trợ các DN này cũng vừa được VCCI ký kết với Hội đồng thương mại Mỹ- ASEAN 3 tuần trước, làm sao để các DN nhỏ và vừa ở cả 2 nước trở thành đối tác làm ăn của nhau, kết nối với các Tập đoàn xuyên quốc gia Hoa Kỳ, để hai bên cùng có lợi", ông Lộc chia sẻ.

"Một trong những cái đích đến của cả Việt Nam và Mỹ là không ai bị bỏ lại trên chiếc cầu cao tốc nối liền giữa hai nước, khi một đầu cầu là nền kinh tế phát triển ở trình độ cao của thế giới và một đầu là nền kinh tế đang phát triển còn ở trình độ thấp", ông Lộc nói.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đã dẫn chứng, lần đầu tiên ở TPP, Việt Nam đã đồng ý xoá bỏ thuế nhập khẩu thịt bò, gà, lợn, các nông sản của Mỹ, tất nhiên với một lộ trình khá dài, điều mà trước đây trong WTO Mỹ không đạt được. Với cam kết này, DN Hoa Kỳ sẽ gặt hái được lợi ích như lợi ích mà dệt may, da giày Việt Nam có thể gặt hái được từ Mỹ. Tuy nhiên, DN Việt Nam đang rất cần những hàng hoá thế mạnh của Mỹ như các thiết bị máy móc, nguyên liệu thức ăn gia súc...

11 thoả thuận quan trọng đã được ký kết giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Hoa Kỳ tối 23/5 về nhiều lĩnh vực, liên quan đếnbiến đổi khí hậu và năng lượng sạch, dự án đầu tư. Cụ thể như Biên bản ghi nhớ về thay đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long; Hợp tác nghiên cứu hạ lưu sông Mê Kông; Biên bản ghi nhớ GE về phát triển 1.000MW điện gió; Thỏa thuận hợp tác dự án năng lượng mặt trời giữa First Solar và Thiên Tân; Hợp tác Chiến lược giữa Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và Honeywell; Biên bản ghi nhớ giữa Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và công ty dầu Murphy; Biên bản ghi nhớ về Nhà máy Biomass Minnesota; Thỏa thuận Đào tạo An toàn Hạt nhân; thoả thuận khu The Grand Hồ Tràm Strip phát triển tháp khách sạn thứ hai và thoả thuận về Chương trình An toàn Giao thông... Trong đó, thoả thuận giữa Grand Hồ Tràm Strip với Công ty cổ phần xây dựng Cotec đạt giá trị 75 triệu đô la Mỹ.

Phạm Huyền