“Át chủ bài” của xu hướng năng lượng mới
LNG là thuật ngữ viết tắt của khí thiên nhiên hóa lỏng (khí thiên nhiên được chuyển từ dạng khí sang dạng lỏng thông qua cách thức hạ nhiệt độ xuống -2600F hoặc -1600C), loại nhiên liệu hóa thạch sạch, khi đốt cháy tạo ra ít hơn 40% lượng khí thải CO₂ so với than đá và ít hơn 30% so với dầu mỏ.
“LNG không chỉ là một giải pháp môi trường tiềm năng, thay thế hữu hiệu các nguồn năng lượng truyền thống, mà còn trở thành yếu tố quan trọng trong quá trình chuyển dịch năng lượng trên thế giới. Cách hiểu “chuyển dịch năng lượng là sự chuyển đổi từ dạng năng lượng hóa thạch truyền thống sang dạng năng lượng sạch hơn như năng lượng tái tạo, điện gió…” đúng nhưng chưa đủ. Thật ra, quá trình chuyển dịch năng lượng còn là quá trình chuyển đổi về cách sử dụng năng lượng để hiệu quả và sạch hơn”, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lương, Chuyên gia cao cấp Viện Dầu khí Việt Nam lưu ý.
Theo Tiến sĩ Lương, ứng dụng thực tiễn lớn nhất của LNG hiện nay trên thế giới là dùng để sản xuất điện trong các nhà máy điện khí hoặc điện LNG (chiếm khoảng 40% nhu cầu LNG trên thế giới). Lượng carbon phát thải của các nhà máy điện khí hoặc điện LNG chỉ bằng một nửa so với các nhà máy điện than truyền thống.
Bên cạnh đó, LNG còn được sử dụng làm nhiên liệu trong ngành công nghiệp sản xuất hóa chất và hóa dầu, sản xuất thép, xi măng, gốm sứ (dùng để nung vật liệu)…
Trong lĩnh vực giao thông vận tải, LNG có thể thay thế dầu diezen (DO) và dầu mazut (FO) làm nhiên liệu cho xe tải hạng nặng hoặc tàu biển nhằm giảm lượng phát thải carbon.
Và trong dân dụng thương mại, có thể dùng LNG làm nhiên liệu để cung cấp nhiệt sưởi ấm hoặc nấu ăn cho các hộ gia đình/tòa nhà. Các nước Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã có hệ thống phân phối khí đốt đến từng hộ dân.
Trước nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng bền vững, nhiều chuyên gia cho rằng, trữ lượng LNG trên thế giới đủ sức đáp ứng nhu cầu tiêu thụ lâu dài của nhân loại, Châu Á – Thái Bình Dương sẽ là nơi có nhiều sự đột phá trong phát triển nhà máy điện khí LNG của thập kỷ 2021 – 2030.
Đồng quan điểm với nhận định trên, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lương cho biết thêm: “LNG cũng như dầu hỏa, trữ lượng không đều, nơi nhiều, nơi ít. Những nơi có trữ lượng LNG lớn có thể kể tới Trung Đông, Nga… Trong khi châu Âu là một trong những nơi có trữ lượng thấp. Tại châu Á, 3 quốc gia gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc có nhu cầu nhập khẩu LNG lớn nhất khu vực”.
Việt Nam "nhập cuộc" LNG
Nhập khẩu và tiêu thụ LNG là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, sau khi đã cùng 147 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050; cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch.
Dấu mốc đặc biệt về việc Việt Nam “hòa nhịp” LNG thế giới chính là chuyến tàu hồi tháng 7/2023 chở gần 70.000 tấn LNG cập kho cảng Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu) do Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas) đầu tư, tạo bước ngoặt lớn cho ngành năng lượng Việt.
PV Gas là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam được Bộ Công Thương cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu LNG; tới nay đã thu hút sự quan tâm tìm hiểu cơ hội hợp tác của ít nhất 2 tập đoàn quốc tế lớn (Novatek và ExxonMobil).
Sau hơn 4 năm, PV Gas đã hoàn thiện công trình LNG đầu tiên, lớn nhất, hiện đại nhất Việt Nam: Kho LNG 1 MMTPA Thị Vải, với bồn chứa có sức chứa tới 180.000m2, 2 cụm tái hóa khí với công suất tối đa 171 tấn/giờ…
Doanh nghiệp Việt này không ngừng nỗ lực hiện thực hóa chuỗi kế hoạch chiến lược gồm: Dự án Kho LNG 1 MMTPA Thị Vải, dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ, và dự án Kho cảng LNG tại miền Bắc. Chuỗi dự án kho cảng LNG được kỳ vọng sẽ giúp PV Gas chứng tỏ năng lực đáp ứng thị trường, là “đòn bẩy” giúp Việt Nam ghi dấu ấn trên thị trường khu vực và thế giới.
Nhận rõ tầm quan trọng của LNG đối với việc phát triển kinh tế trong thời kỳ hội nhập, Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) xác định: Nguồn nhiệt điện khí tái hóa từ LNG chiếm tỷ trọng khoảng 14,9% tổng công suất hệ thống phát điện quốc gia vào năm 2030. Các nhà máy nhiệt điện sử dụng LNG sẽ được đầu tư xây dựng liên tục trong giai đoạn 2025 – 2030. Đến năm 2030 sẽ xây mới 13 nhà máy điện khí LNG, tổng công suất 22.400MW. Tới nay, tất cả 13 dự án điện LNG đều đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó, 5 dự án đang triển khai, 4 dự án đã tìm được nhà đầu tư, 4 dự án còn lại đang được các địa phương lựa chọn nhà đầu tư.
Do Việt Nam vẫn chưa có khả năng sản xuất và cung ứng LNG, nên trong tương lai, Việt Nam khó chủ động phát triển nhiệt điện khí mà sẽ phụ thuộc vào nguồn LNG nhập ngoại. Mục tiêu tới năm 2030, Việt Nam phải nhập khẩu 8 tỷ m3 LNG/năm.
“Dự báo cơ cấu nguồn cung khí tại Việt Nam giai đoạn 2030 – 2050, sẽ có khoảng 55 – 60% LNG được nhập khẩu. Hơn phân nửa nhu cầu sử dụng LNG thuộc về lĩnh vực điện; kế tiếp là trong công nghiệp, sản xuất phân bón, hóa dầu…”, Tiến sĩ Lương thông tin thêm.
Hãng tin Sputnik mới đây đánh giá: Việt Nam đang trở thành thị trường đầy tiềm năng cho các nhà cung cấp LNG quốc tế. Trước mắt, Việt Nam có thể nhập khẩu LNG từ Mỹ, Australia, Qatar…, và về dài hạn có thể cân nhắc nhập khẩu thêm LNG từ Nga và các nước Trung Đông để đảm bảo nguồn cung.
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận hiện trạng, nhiều chuyên gia quan ngại rằng cơ chế, chính sách trong lĩnh vực LNG vẫn đang là điểm nghẽn lớn. Khung pháp lý cho hoạt động nhập khẩu và kinh doanh LNG cũng như cơ chế để cấp LNG tái hóa cho các nhà máy điện còn nhiều vướng mắc, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, gây rủi ro cho hoạt động đầu tư dự án.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính đề xuất: “Việt Nam cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý làm cơ sở để triển khai xây dựng, sử dụng hạ tầng liên quan đến khí LNG, bao gồm các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, thương mại, tài chính… để các nhà đầu tư quốc tế, nhà đầu tư tư nhân yên tâm đầu tư vốn cho phát triển điện khí LNG. Cần hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế quản lý cho các dự án đầu tư điện khí LNG theo hình thức đầu tư thông thường (IPP) nhằm tạo điều kiện thu xếp tài chính cho các dự án điện khí LNG quy mô hàng tỷ USD”.
Nên quan tâm một số xu hướng phát triển LNG
“Trên thế giới xuất hiện khá nhiều xu hướng phát triển LNG. Có 4 xu hướng chúng ta nên quan tâm”, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lương khuyến nghị.
Thứ nhất, xu hướng LNG quy mô nhỏ. Trước đây, để hiệu quả thì dự án LNG phải đạt quy mô lớn, ví dụ, tàu LNG công suất phải 120.000 – 170.000 m3, thậm chí gần 300.000m3 mới đáp ứng yêu cầu vận chuyển. Tuy nhiên, không phải đơn vị/thị trường tiêu thụ nào cũng cần lượng lớn LNG; có những vị trí, bến cảng không phù hợp cho những tàu LNG tải trọng lớn tiếp cận. Vì thế, công nghệ mới đã được nghiên cứu phát triển để có thể sản xuất, vận chuyển, sử dụng LNG ở quy mô nhỏ mà vẫn hiệu quả.
LNG quy mô nhỏ được hiểu là những dự án, nhà máy sản xuất LNG với công suất hóa lỏng/tái hóa khí 0,05 - 1 triệu tấn/năm; tàu LNG công suất dưới 60.000m3 (phổ biến hiện nay là 10.000 – 20.000m3)… Tàu nhỏ có thể chở LNG đến nhà máy điện công suất nhỏ để sử dụng trực tiếp, bỏ qua công đoạn tái hóa khí ở kho cảng.
Thứ hai, xu hướng LNG trung hòa carbon. LNG vẫn là nhiên liệu hóa thạch vì có nguồn gốc từ khí thiên nhiên, khi đốt/sử dụng sẽ phát thải. Khái niệm “LNG trung hòa carbon” có nội hàm là thu hồi và lưu giữ CO₂ phát thải từ quá trình sản xuất, sử dụng LNG, không thải ra môi trường. Công nghệ hiện tại cho phép thu hồi, lưu giữ đến 90% lượng khí phát thải.
Thứ ba, xu hướng sử dụng công nghệ đồng đốt. Tại các nhà máy điện LNG hoặc điện khí, thay vì đốt nhiên liệu 100% là LNG hoặc khí thiên nhiên thì sẽ đốt phối trộn LNG cùng hydro để giảm phát thải. Công nghệ này vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, dự kiến sẽ thương mại hóa sau năm 2030.
Và thứ tư, xu hướng Hydrogen lam. Quá trình chuyển dịch năng lượng đã xuất hiện khái niệm Hydrogen sạch, tức là Hydrogen phát thải ít hoặc không phát thải. Hydrogen sạch gồm 2 loại: Hydrogen xanh và Hydrogen lam. Hydrogen xanh được tạo ra bởi quá trình điện phân sử dụng các nguồn điện tái tạo như điện gió và điện mặt trời, hiện loại này rất đắt tiền nên chưa thể phát triển rộng rãi. Hydrogen lam thực chất vẫn là hydro được sản xuất từ những nguồn hóa thạch như sản xuất từ khí thiên nhiên hoặc LNG, nhưng CO₂ không phát thải ra môi trường mà sẽ được thu hồi, lưu giữ lại.
LNG trung hòa carbon, công nghệ đồng đốt và Hydrogen lam sẽ là những yếu tố tích cực thúc đẩy tiến trình chuyển dịch năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường trên toàn cầu.