Đây được coi là cam kết mạnh mẽ đối với một quốc gia đang phát triển dựa trên các nguyên liệu hóa thạch với lượng phát thải tương đối lớn. Vì vậy, để có thể hiện thực được cam kết này, Việt Nam cần huy động sự tham gia đóng góp của cả xã hội, đặc biệt là từ phía các doanh nghiệp trên cả nước.
Phát thải khí nhà kính do con người tạo ra được coi là nguyên nhân chính dẫn đến biến đổi khí hậu, thách thức lớn nhất đối với thế giới hiện nay. Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu với các hiện tượng lũ lụt, hạn hán, nước biển dâng, xâm thực mặn; xếp thứ 13 trong bảng xếp hạng Chỉ số Rủi ro Khí hậu 2021.
Theo phân tích của Viện Tài nguyên thế giới về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đặc biệt là lũ lụt đến GDP, Việt Nam đứng thứ 4 trong số 164 quốc gia được khảo sát về tác hại nghiêm trọng của lũ lụt đến toàn nền kinh tế, làm thiệt hại khoảng 2,3% GDP mỗi năm. Còn Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra dự báo biến đổi khí hậu có thể gây ảnh hưởng 1,5% tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam từ nay đến năm 2050 và sẽ tác động tiêu cực đến thành tựu vĩ mô, cải cách thể chế, đảm bảo mục tiêu bền vững môi trường của Việt Nam.
Nông nghiệp là ngành chịu nhiều thiệt hại nhất bởi theo ước tính, nếu mực nước biển dâng cao thêm 1m mà không có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu thì khoảng 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), 11% diện tích Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển sẽ bị ngập. Lũ lụt sẽ khiến gần 50% diện tích đất nông nghiệp vùng ĐBSCL bị ngập chìm không còn khả năng canh tác.
Bên cạnh nông nghiệp, lĩnh vực khai khoáng, lâm nghiệp, thủy sản cũng được đánh giá là có giá trị tổn thất cao ở các vùng kinh tế do biến đổi khí hậu gây ra. Các tác động rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu đến các doanh nghiệp ngành này chủ yếu là: Gián đoạn sản xuất kinh doanh, năng suất lao động bị giảm, suy giảm doanh thu, bị gián đoạn kênh vận chuyển, gia tăng chi phí sản xuất, mạng lưới phân phối đình trệ, giảm chất lượng sản phẩm, thiết hụt nhân lực, thiếu nguồn cung nguyên liệu sản xuất. Nghiên cứu của WWF Việt Nam cho thấy, năm 2019, giá trị tổn thất của ngành ngành khai khoáng cao nhất khoảng 1,8 tỷ đồng, ngành nông nghiệp thiệt hại khoảng 962 triệu đồng, ngành công nghiệp thiệt hại khoảng 712 triệu đồng, ngành xây dựng thiệt hại khoảng 669 triệu đồng do biến đổi khí hậu gây ra.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận một thực tế rằng, Việt Nam hiện cũng đang là một nguồn phát thải mới nổi. Trong vài thập kỷ gần đây, Việt Nam đang phát triển rất nhanh chóng dựa vào nguồn nguyên liệu hóa thạch vốn là tài nguyên của đất nước khiến cho Việt Nam trở thành nguồn phát thải khí nhà kính nhanh nhất Tiểu vùng sông Mê-kông mở rộng.
Nhận thức được những tác động khốc liệt tới môi trường Chính phủ Việt Nam đã rất tích cực coi trọng nỗ lực giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Trong Đóng góp do Quốc gia tự Quyết định (NDC) bản điều chỉnh, Việt Nam cam kết cắt giảm 9% khí nhà kính so với kịch bản thông thường (BAU) và 27% với hỗ trợ quốc tế vào năm 2030.
Đặc biệt tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc năm 2021, Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) là sự cân bằng lượng khí nhà kính do hoạt động của con người tạo ra với một lượng tương đương được loại bỏ khỏi bầu khí quyển. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cam kết sẽ chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030, không xây dựng nhà máy điện than mới sau năm 2030 và loại bỏ năng lượng điện than vào năm 2040. Những cam kết trên đã thể hiện quyết tâm cao độ của Việt Nam phát thải khí nhà kính.
Đình Thành, Lê Thúy, Xuân An