Nhà văn Han Kang vừa nhận giải Nobel Văn học, trở thành một trong những đại diện xuất sắc của nền văn học Hàn Quốc trên trường quốc tế. Điều này không chỉ là thành công cá nhân của tác giả mà còn là minh chứng cho một chiến lược quốc gia bài bản của Bộ Văn hóa Hàn Quốc trong việc quảng bá văn hóa qua các sản phẩm nghệ thuật, bao gồm phim ảnh, âm nhạc và đặc biệt là văn học.

z5937706559832_9ade6da753e8be41a51be8e32c397a6a.jpg
Nhà văn Han Kang. Ảnh: Jang Geon Seob

Chiến lược xây dựng thương hiệu văn hóa quốc gia

Trong hơn hai thập kỷ qua, Hàn Quốc đã phát triển mạnh mẽ thương hiệu quốc gia qua các sản phẩm văn hóa, nổi bật là làn sóng Hallyu với những bộ phim truyền hình, K-pop và nay là văn học. Văn hóa là sản phẩm tinh thần và cũng là chiến lược mềm nhằm nâng cao vị thế quốc gia. Điều này thể hiện rõ ràng qua cách chính phủ Hàn Quốc đầu tư vào văn học, một lĩnh vực ít phổ biến hơn so với âm nhạc và điện ảnh nhưng mang lại sức ảnh hưởng bền vững và sâu sắc hơn.

Bộ Văn hóa Hàn Quốc đã chủ động hỗ trợ quảng bá văn học nước nhà ra thế giới thông qua các chương trình dịch thuật và giới thiệu sách văn học Hàn Quốc đến nhiều quốc gia. Một trong những cơ quan thực hiện việc này là Viện Dịch thuật văn học Hàn Quốc, một tổ chức đóng vai trò cầu nối giữa văn học Hàn và độc giả nước ngoài. Mỗi năm, viện đầu tư hàng triệu USD để dịch các tác phẩm văn học tiêu biểu của Hàn Quốc sang tiếng Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và cả ngôn ngữ của các quốc gia mà Hàn Quốc có mối quan hệ đối tác chiến lược như Việt Nam.

Viện Dịch thuật văn học Hàn Quốc không dừng lại ở khâu biên dịch mà còn tổ chức các chiến dịch quảng bá, xuất bản và giới thiệu tác phẩm. Đây là chiến lược toàn diện, giúp văn học Hàn Quốc vượt ra ngoài biên giới quốc gia.

nguoi an chay.png

Nhà văn Han Kang là một trong những người hưởng lợi lớn từ chiến lược quảng bá văn học. Từ khi ra mắt tác phẩm Người ăn chay (The Vegetarian), Han Kang nhanh chóng thu hút sự chú ý của độc giả quốc tế nhờ vào sự giúp đỡ của Viện Dịch thuật văn học Hàn Quốc. Tác phẩm được dịch ra nhiều ngôn ngữ, giúp tác giả dễ dàng tiếp cận với các tầng lớp độc giả ở đa quốc gia.

Anh phim Nguoi an chay.jpg
Việc phát hành phim "Người ăn chay" giúp củng cố tên tuổi của Han Kang tại thị trường Hàn Quốc, tạo cơ hội cho các tác phẩm văn học của bà đến với khán giả quốc tế qua một hình thức nghệ thuật dễ tiếp cận hơn.
z5937830653168_22428eee82be792a3d0953a7f2883f05.jpg
Những hình ảnh ấn tượng trong bộ phim "Người ăn chay". Ảnh: Jang Geon Seob

Bên cạnh đó, Han Kang còn được hỗ trợ trong việc chuyển thể tác phẩm văn học thành phim điện ảnh. Ngày 17/10/2024, hai bộ phim chuyển thể từ hai tác phẩm nổi tiếng của bà là Người ăn chayVết sẹo đã được phát hành trên toàn quốc.

Dịch giả Hàn Quốc - ông Ha Jae Hong chia sẻ: "Các bạn Việt Nam hãy thành lập ngay Viện Dịch thuật văn học đi". Câu nói nhấn mạnh vai trò của dịch thuật - là một công cụ ngôn ngữ, thậm chí là một chiến lược quốc gia nhằm phát triển văn học và xây dựng lòng tự tôn dân tộc.

Bài học từ thành công của Hàn Quốc

Từ câu chuyện thành công của Hàn Quốc và Han Kang, Việt Nam có thể rút ra nhiều bài học quý về quảng bá văn học ra thế giới. Việt Nam cũng có một nền văn học phong phú với nhiều tác phẩm đặc sắc, nhưng việc tiếp cận độc giả quốc tế còn hạn chế. Một trong những rào cản lớn nhất chính là thiếu một tổ chức chuyên biệt như Viện Dịch thuật văn học.

Chúng ta có những nhà văn tài năng, những tác phẩm mang đậm dấu ấn lịch sử và văn hóa - vừa là câu chuyện về quá khứ và nguồn cảm hứng cho thế hệ sau. Tuy nhiên, nếu những kiệt tác đó không được dịch thuật và quảng bá ra thế giới, chúng mãi mãi chỉ nằm trong khuôn khổ quốc gia, không thể tiếp cận với độc giả toàn cầu và không có cơ hội tham gia vào cuộc đua giải thưởng văn học quốc tế như giải Nobel.

z5942746232965_f8b30a72042b39ad9e7340eadd978de5 (1).jpg
Dịch giả Ha Jae Hong (Hàn Quốc). Ảnh: NVCC

Giải Nobel Văn học, như dịch giả Ha Jae Hong nói, có thể bị xem là một giải thưởng bất công nếu xét từ góc độ ngôn ngữ. Ban giám khảo làm sao đánh giá được những tác phẩm mà họ không thể đọc. Vì vậy, dịch thuật trở thành yếu tố quyết định trong việc đưa tác phẩm văn học đến với thế giới. Điều này giống như tham gia một kỳ Olympic - chúng ta phải tuân theo các tiêu chuẩn và luật chơi nếu muốn giành được huy chương.

Những tập đoàn lớn của Việt Nam không chỉ nên tập trung vào phát triển kinh tế mà cần đóng góp vào việc xây dựng thương hiệu quốc gia thông qua các dự án văn hóa, trong đó có việc thành lập Viện Dịch thuật văn học Việt Nam. Chỉ khi đó, các nhà văn Việt Nam mới có cơ hội thực sự tỏa sáng trên trường quốc tế và "những đứa con tinh thần" của họ mới được nhìn nhận và đánh giá công bằng.