Hai biên bản ghi nhớ hợp tác đã được ký kết giữa Hiệp hội phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) và Hiệp hội Dịch vụ CNTT Nhật Bản (JISA); CLB hợp tác CNTT Việt Nam – Nhật Bản (VJC) và Hiệp hội thông tin đổi mới dịch vụ Nhật Bản (JASIPA) tại sự kiện Ngày CNTT Nhật Bản 2016 sáng 26/10.
Nội dung của các biên bản ghi nhớ tập trung vào việc thúc đẩy hợp tác sâu, rộng hơn nữa giữa doanh nghiệp hội viên của các hiệp hội hai nước trong lĩnh vực CNTT - truyền thông, trong bối cảnh những ưu thế cạnh tranh truyền thống của doanh nghiệp Việt tại Nhật Bản dần bị mất đi.
Trong lần tổ chức thứ 10 với chủ đề "10 năm hợp tác Việt Nam & Nhật Bản - Nhìn lại quá khứ, hướng tới tương lai "Dịch vụ CNTT - Sản phẩm CNTT - Công nghệ mới", Japan ICT Day 2016 thu hút hơn 300 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự, trong đó có hơn 80 chuyên gia, đại diện doanh nghiệp, nhà quản lý... đến từ Nhật Bản.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại Hội nghị. |
Năm 2007, thị phần dịch vụ gia công xuất khẩu của Việt Nam tại Nhật chưa đến 1%. Nhưng từ năm 2014 trở về đây, Việt Nam luôn là đối tác lớn thứ hai của Nhật về gia công phần mềm và dịch vụ. Đã có trên 10 doanh nghiệp phần mềm Việt Nam đầu tư mở công ty/chi nhánh tại Nhật Bản, thuộc ngành có số lượng doanh nghiệp đầu tư lớn nhất vào Nhật. Nhật Bản cũng đang là thị trường gia công xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam với đà tăng trưởng lên tới 30% mỗi năm.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh: Bộ luôn xác định hợp tác với các đối tác Nhật Bản là yếu tố quan trọng cho sự phát triển ngành CNTT Việt Nam. Những năm gần đây, giữa Bộ TT&TT với Bộ Nội vụ & Truyền thông Nhật Bản đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác toàn diện, như hợp tác về tần số, an toàn thông tin, bưu chính, đào tạo nguồn nhân lực, công nghiệp điện tử. Các doanh nghiệp phần mềm Việt hầu hết đều có doanh thu tăng mạnh khi tham gia gia công xuất khẩu phần mềm sang thị trường Nhật....
Tuy vậy, theo Thứ trưởng Hưng, những kết quả đạt được vẫn còn chưa tương xứng với quan hệ, tiềm năng và mong muốn của hai nước. Quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa để tạo đột phá trong lĩnh vực CNTT, tập trung vào 5 trọng tâm bao gồm: 1. Phát triển nguồn nhân lực CNTT, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; 2- chú trọng xây dựng các khu CNTT tập trung, khu công nghệ cao, công viên phần mềm; 3- Đầu tư hiện đại hóa hệ thống hạ tầng thông tin quốc gia, bảo đảm đồng bộ, kết nối liên thông tốc độ cao, thuận lợi và đảm bảo về an toàn thông tin; 4- Ứng dụng hiệu quả CNTT trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và xã hội và 5 - Thúc đẩy đổi mới sáng tạo khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT.
Ông cũng khẳng định, Bộ TT&TT và các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương của Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động kinh doanh lâu dài và thành công.
Trong khi đó, bà Yuko Adachi, Phó Chủ tịch Gartner Nhật Bản, chuyên gia đã có trên 10 năm nghiên cứu chuyên sâu về hợp tác CNTT Viêt – Nhật đã trình bày tại Hội nghị một báo cáo chính rất chi tiết và sâu sắc. Theo Bà Yuko Adachi, Việt Nam có rất nhiều lợi thế cạnh tranh được đánh giá cao, thu hút hợp tác và đầu tư của các DN Nhật Bản trong 10 năm vừa qua như: Hỗ trợ của chính phủ, cơ sở hạ tầng tốt, chính trị ổn định, văn hóa phù hợp, nhân lực dồi dào, khả năng ngôn ngữ tốt, chi phí cạnh tranh, bảo mật thông tin khách hàng tốt, và tuân theo quy chuẩn của quốc tế. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chỉ còn duy trì được 3 lợi thế cạnh tranh ở mức cao bao gồm: Giá cả, tuân thủ quy trình quốc tế và ý thức bảo mật thông tin.
"Các doanh nghiệp Việt Nam cần chuyển dịch, cần phá thế bị động, tiêu chuẩn hóa những quy trình sản xuất và con người, nâng cao trình độ công nghệ, áp dụng những tiêu chuẩn kỹ thuật mới để chuẩn bị cho sự hợp tác trong giai đoạn tới", vị nữ chuyên gia này khuyến nghị.
Một báo cáo đáng chú ý là Báo cáo 10 năm hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trong lĩnh vực CNTT của VINASA thì chỉ rõ, những năm tiếp theo sẽ có rất nhiều thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam khi lợi thế về giá cả cạnh tranh và nguồn nhân lực dần không còn. Các doanh nghiệp Việt Nam cần phải định hướng và chuẩn bị nguồn lực nhằm tập trung vào 3 hướng: nâng cao giá trị trong hợp tác dịch vụ CNTT; phát triển và phân phối các sản phẩm CNTT, ứng dụng di động; và quan trọng nhất là hợp tác trong các xu hướng công nghệ mới như: Internet of Things (IoT), Trí tuệ nhân tạo (Ai), S.M.A.C, in 3D…Các doanh nghiệp hai nước cần phải chủ động, tích cự tìm ra những giá trị mới để tiếp tục duy trì và phát triển quan hệ hợp tác.
Cũng trong khuôn khổ Japan ICT Day 2016, VINASA đã tiến hành trao chứng nhận cho 50 doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam 2015.
Ngoài ra, nhân dịp 10 năm chương trình Japan ICT Day, VINASA và Câu lạc bộ hợp tác CNTT Việt Nam – Nhật Bản (VJC) đã được Bộ Thông tin và Truyền thông tặng bằng khen vì những đóng góp cho sự phát triển hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản trong lĩnh vực CNTT.
T.C