- Đó là ý kiến chung của đa phần các diễn giả tham gia Hội thảo Cuộc Cách mạng sản xuất mới và Hàm ý chính sách, do Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp cùng Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) tổ chức tại Hà Nội ngày 16/6. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Phó Tổng thư ký OECD Douglas Frantz cùng hơn 100 đại biểu, chuyên gia trong và ngoài nước đã dự hội thảo.
Các chuyên gia đều nhất trí rằng, thế giới đang bắt đầu bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, một cuộc cách mạng sản xuất mới gắn liền với những đột phá chưa từng có về công nghệ, liên quan đến kết nối Internet, điện toán đám mây, in 3D, công nghệ cảm biến, thực tế ảo, ... Cuộc cách mạng sản xuất mới này được dự đoán sẽ tác động mạnh mẽ đến mọi quốc gia, chính phủ, doanh nghiệp và người dân khắp toàn cầu, cũng như làm thay đổi căn bản cách chúng ta sống, làm việc và sản xuất.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ phát triển mạnh mẽ do nhu cầu tìm kiếm phương thức sản xuất mới hiệu quả, bền vững hơn trước những thách thức như biến đổi khí hậu, già hóa dân số hay các vấn đề an ninh khác ngày càng tăng lên. Cuộc cách mạng này sẽ mang tới nhiều cơ hội phát triển và hội nhập, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức với các nước đang phát triển như Việt Nam.
Theo ông Sơn, nếu không đổi mới mạnh mẽ về tư duy, quyết tâm cao nhằm công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng như tập trung vào cuộc cách mạng sản xuất mới, Việt Nam có thể tụt hậu xa hơn vì lao động chi phí thấp mất dần lợi thế, khoảng cách công nghệ và tri thức nới rộng, tạo ra sự phân hóa xã hội sâu sắc.
Phát biểu tại hội thảo, ông Kensuke Tanaka, Trưởng ban châu Á của Trung tâm phát triển OECD nhận định, Việt Nam cần tới gần 40 năm nữa để trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao. Trong bảng dự báo của OECD về thời gian dự tính để các nền kinh tế có thu nhập trung bình châu Á trở thành nước phát triển, Việt Nam thuộc nhóm tốn nhiều thời gian nhất, với thời gian lên hạng thu nhập cao vào năm 2054, sau cả Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines.
Ông Tanaka cũng như các quan chức khác của OECD tin rằng, việc tranh thủ các thành tựu công nghệ sẵn có của các nước phát triển, thúc đẩy hợp tác - liên kết, đào tạo nâng cao kỹ năng, trình độ tay nghề của người lao động, song song với điều chỉnh, hợp lý hóa chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như doanh nghiệp nhà nước là chìa khóa để Việt Nam tiến lên trong giai đoạn mới.
Tuấn Anh